- Nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu sáng sủa, tiếp tục thu hút sự gia tăng mạnh vốn đầu tư và bám trụ lâu dài của các ngân hàng nước ngoài.
Đầu năm 2008 đến nay diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán điều chỉnh sâu và kéo dài.. Tuy nhiên, hiện kinh tế vĩ mô đang có xu hướng phục hồi tích cực...
Ngân hàng nước ngoài có nhiều thuận lợi
Trái với xu hướng một số quỹ đầu tư có biểu hiện rút vốn khỏi thị trường chứng khoán, đặc biệt là bán ra một lượng đáng kể trái phiếu thì khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài lại tiếp tục đầu tư mạnh vốn vào nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế vĩ mô đang được cải thiện đáng kể |
Thế mạnh lớn nhất của khối ngân hàng nước ngoài là hoạt động ngoại tệ, thể hiện rõ nhất là vốn ngoại tệ. Từ đầu năm 2008 đến nay, thị phần tín dụng ngoại tệ của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục tăng nhanh. Số liệu thống kê từ 26 ngân hàng nước ngoài với 36 chi nhánh đang hoạt động tại Việt Nam được công bố mới đây cho thấy, tính đến hết tháng 8/2008, dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ của khối ngân hàng này đã tăng 77% so với cùng kỳ năm 2007.
Mức tăng này được đánh giá là cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam (mức tăng chung là 25,8%). Dư nợ cho vay vốn ngoại tệ của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài chiếm 30,2% tổng dư nợ cho vay của toàn bộ các NHTM và TCTD đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù mức tăng dư nợ có tốc độ cao nhưng chất lượng tín dụng của khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn rất tốt, nợ không đủ tiêu chuẩn của khối này chỉ chiếm 1,1% tổng nợ USD.
Nguyên nhân dư nợ ngoại tệ tăng nhanh trước hết là do nhu cầu của khách hàng đang hoạt động tại Việt Nam. Khách hàng vay vốn ngoại tệ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ yếu là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm 2008, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng tới mức kỷ lục, đạt con số cao nhất từ trước tới nay. Số vốn đó triển khai thực hiện tại Việt Nam có tỷ trọng lớn là vay tại chính các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Tiếp đến là các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, nhưng đều là khách hàng có uy tín, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thị trường tiêu thụ bền vững. Số vốn USD này của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng nguồn hàng xuất khẩu.
Nguyên nhân thứ hai là do nguồn vốn ngoại tệ của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong 8 tháng đầu năm vẫn rất dồi dào, không bị ảnh hưởng bởi vấn đề thanh khoản như vốn nội tệ của các ngân hàng trong nước. Nguồn vốn ngoại tệ này, ngoài việc huy động tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng khá là huy động từ nước ngoài để cho vay các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nguyên nhân thứ ba là dư nợ cho vay nói chung và dư nợ cho vay ngoại tệ nói riêng của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không bị khống chế bởi hạn mức tín dụng, đó là tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của số đông NHTM trong nước không được vượt quá 30% trong năm 2008 để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Nên trong khi các NHTM trong nước hạn chế cho vay thì khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục mở rộng cho vay vốn ngoại tệ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có uy tín và đáp ứng được các điều kiện vay vốn ngoại tệ theo quy định.
Nguyên nhân thứ tư là lãi suất cho vay vốn USD, các doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian qua có nhiều thời điểm lên trên 10%/năm, hiện nay bình quân cũng xoay quanh mức 8%/năm, một số khoản vay bao gồm cả gói dịch vụ có lãi suất thấp hơn, bình quân gấp gần 3 lần lãi suất trên thị trường tiền tệ quốc tế, cụ thể là lãi suất Libor và Sibor hiện nay chỉ xoay quanh khoảng 3%/năm. Bởi vậy trong khi các NHTM trong nước cho vay với lãi suất cao, thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đưa ra mức lãi suất thấp hơn, hấp dẫn hơn, nhưng có khoảng cách khá so với lãi suất trên thị trường quốc tế.
Tăng tốc đầu tư
Không chỉ tăng dư nợ cho vay vốn nội tệ đối với các khách hàng tại Việt Nam mà các tập đoàn nước ngoài còn gia tăng đầu tư vốn thông qua các ngân hàng và công ty chứng khoán Việt Nam.
Ngày 28/8/2008, HSBC công bố trở thành cổ đông nước ngoài đầu tiên được sở hữu 20% vốn cổ phần tại Techcombank. Cổ đông lớn của ACB là Công ty tài chính quốc tế – IFC đăng ký bán 16.204.879 cổ phiếu ACB cho Standard Chartered Bank theo giá thoả thuận là 140.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 2 lần giá vào cuối phiên giao dịch ngày 21/7/2008 là 68.100 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ của Standard Chartered Bank sẽ tăng từ 8,84% lên 15% vốn cổ phần.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, các giao dịch mua cổ phần của May Bank tại NHTM CP An Bình, Societe Generale S.A của Pháp mua 15% vốn cổ phần tại Sea Bank cũng đã diễn ra. NHTM cổ phần Phương Nam cũng đã được NHNN cho phép bán thêm 5% vốn điều lệ cho Tập đoàn ngân hàng UOB của Singapore. Eximbank đã chính thức hoàn tất các thủ tục chọn xong một đối tác chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), một trong số ít tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản và thế giới...
Một hướng đầu tư khác, Tập đoàn ngân hàng ANZ, cổ đông lớn của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) hiện đang nắm giữ 24.130.660 cổ phần, chiếm 17,66% vốn điều lệ của SSI. ANZ đăng ký mua tiếp 1.366.667 cổ phiếu SSI từ ngày 28/8 đến 28/10/2008.
Bên cạnh đó, cũng trong thời điểm cuối tháng 8/2008, Comommwealth Bank of Australia đã khai trương chi nhánh tại TP.HCM, trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên khai trương hoạt động chi nhánh sau khi các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam sau khi gia nhập WTO chính thức có hiệu lực. Đây là một trong ba hồ sơ đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc cho thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài sau khi gia nhập WTO. Hai bộ hồ sơ còn lại của Industrial Bank of Korea, Taipei Fubon Bank của Đài Loan.
Trước đó đầu tháng 3/2008, NHNN cấp giấy phép chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép thành lập 2 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là The Hongkong and Shanghai Banking Corporation và Standard Chartered Bank.
Những diễn biến nói trên cho thấy các tập đoàn tài chính ngân hàng nước ngoài nhìn nhận tương lai nền kinh tế Việt Nam tiếp tục sáng sủa, họ không lo sợ rủi ro, mạnh dạn gia tăng số vốn đầu tư theo các hướng khác nhau, bám trụ lâu dài với nền kinh tế nước ta.
-
Phương Nam