221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1104762
Xu hướng giảm giá dầu sẽ kéo dài bao lâu?
1
Article
null
Xu hướng giảm giá dầu sẽ kéo dài bao lâu?
,

Hầu hết các chuyên gia đều dự báo dầu vẫn đang nằm trong xu hướng giảm giá và có thể xuống dưới 100 USD/thùng do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy thoái, đình trệ và nhiều khả năng OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng trong cuộc họp 9/9 tới tại Vienna.

Nhưng đó có thể chỉ là ngắn hạn. Về dài hạn, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng dầu sẽ tăng giá mạnh.

Dự báo giá dầu sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối năm 2008 và đầu 2009. Ảnh: BLB


Trong một báo cáo mới nhất của mình, ông Arjun N. Murti, một chuyên viên phân tích nổi tiếng (đã từng dự báo giá dầu sẽ cao đột biến vào đầu năm 2008) và các đồng nghiệp tại Tập đoàn Goldman Sachs vẫn bảo lưu nhận định của mình cho rằng giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (West Texas Intermediate crude - một loại dầu được dùng làm chuẩn để biểu thị biến động giá các loại dầu) trung bình trong quý IV sẽ đứng ở mức 130 USD/thùng.

Trong bản báo cáo được đưa ra ngày 5/9, Murti và các nhà phân tích tại Goldman cũng đưa ra dự báo giá dầu thô trung bình tại Mỹ năm 2009 là 140 USD/thùng.

Đây rõ ràng không phải là một nhận định xa vời bởi trước đây gần 2 tháng giá dầu đã lên tới gần 150 USD/thùng. Lúc đó, có những dự báo còn cho rằng giá dầu sẽ nhanh chóng lên 200 USD/thùng, thậm chí 300 USD/thùng.

Tuy nhiên, với tình trạng kinh tế suy giảm từ Mỹ sang Âu như hiện nay thì nhu cầu về dầu không thể tăng mạnh. Trong một dự báo gần đây, OPEC cho rằng nhu cầu về dầu chỉ tăng khoảng 1% trong năm 2009, mức thấp nhất trong 7 năm qua.

Giá dầu hiện nay vẫn đang trong xu hướng giảm cho dù đã giảm rất mạnh trong gần 2 tháng qua. Mặc dù vậy, dầu cũng khó có thể giảm đột biến và kéo dài do có rất nhiều yếu tố đang tác động theo chiều hướng kéo giá dầu lên.

Một trong những lý do mà ông Murti đưa ra nhận định dầu ở mức trung bình 130 USD/thùng trong quý IV/2008 và 140 USD/thùng năm 2009 là bởi vì ông đồng ý với nhóm kinh tế Goldman cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm nhưng là một đợt suy giảm cần thiết và tốt đẹp chứ không hẳn sẽ “hạ cánh cứng”.

Trong khi đó, ông Nobuo Tanaka, Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo về một số yếu tố nhạy cảm có thể ảnh hưởng tới giá dầu như: Rủi ro địa chính trị (giống như tại Grudia), đình công ở Nigeria, và các cơn bão…

Hơn nữa, theo đánh giá của ông Tanaka, trong tương lai, thế giới sẽ phải dựa nhiều hơn vào OPEC do sản xuất dầu của các nước ngoài OPEC sẽ không tăng. Trong khi đó, nhu cầu về năng lượng tại một số nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang rất lớn.

Cùng chung quan điểm với Murti, tổ chức đầu tư hàng đầu trên thế giới là Credit Suisse cho rằng cho dù dầu đang có xu hướng giảm nhưng sẽ nhanh chóng tăng mạnh trở lại vào cuối năm nay.

 Theo Credit Suisse, đợt điều chỉnh giảm của giá dầu đang đi những bước cuối cùng bởi vì Tổ chức OPEC sẽ cắt giảm sản lượng khi giá dầu xuống sâu dưới 100 USD/thùng.

“Phần lớn của đợt điều chỉnh giảm giá dầu đã đi qua”, Tobias Merath, trưởng bộ phận nghiên cứu về hàng hoá của Credit Suisse tại Zurich nói và đưa ra nhận định giá dầu sẽ hồi phục vào đầu 2009. Theo Merath, dầu sẽ dao động ở mức 115-120 USD/thùng trong năm 2009.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cũng thuộc Goldman Sachs tại New York cho rằng giá dầu sẽ tăng mạnh và ghi một kỷ lục mới ở mức khoảng 149 USD/thùng vào cuối năm nay.

Dự báo trên được Jeffrey Currie và David Greely, 2 chuyên gia phân tích thị trường của Goldman đưa ra vào ngày 2/9 vừa qua, trong đó có lưu ý là tốc độ tăng về nhu cầu dầu của các thị trường đang nổi và sự gián đoạn nguồn cung của các nước không thuộc OPEC sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu. “Chúng tôi tiếp tục cho rằng giá dầu thô ngọt nhẹ Texas sẽ trở lại 149 USD/thùng vào cuối năm nay”.

Cùng chung quan điểm với Tobias Merath (Credit Suisse), nhà kinh tế trưởng về lĩnh vực năng lượng của Deutsche Bank AG’s tại Washington, Adam Sieminski nhận định, nhiều khả năng OPEC sẽ giữ nguyên lượng cung dầu như hiện tại, nhưng tổ chức này cũng có thể sẽ cắt giảm sản lượng nhằm ngăn chặn việc dữ trữ dầu một cách quá lớn.

“Nếu giá đang tăng, họ (các nước OPEC) sẽ giữ nguyên sản xuất, và nếu dầu đang giảm họ sẽ cắt giảm một chút”, ông Sieminski nói.

Bên cạnh đó, còn có một rủi ro có thể khiến giá dầu tăng cao là hầu hết các nước OPEC đều đang sản xuất gần hết với năng lực của mình. Theo tính toán của Bloomberg, hiện các thành viên OPEC đang sản xuất vượt khoảng 592.000 thùng/ngày so với hạn mức chính thức mà tổ chức này đưa ra là 29,673 triệu thùng/ngày. Hiện Iraq không có quota. Trừ Saudi Arabia, các nước còn lại đều đang sản xuất gần như hết công suất để đáp ứng nhu cầu dầu gia tăng nhằm bù lại lượng cung suy giảm của Nigeria, Iran và Venezuela.

Hiện tại, Saudi Arabia, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã phải tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày hồi tháng 6 và 7 để hạ nhiệt thị trường dầu. Như vậy, hầu hết phần tăng thêm của OPEC đều nhờ vào Saudi Arabia. Trong khi đó, Venezuela và Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ 2 và 3 trong OPEC, liên tục muốn tổ chức này cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu khỏi tụt xuống dưới 100 USD/thùng.

“Trở lại với hạn ngạch không có nghĩa là cắt giảm sản xuất, đó chỉ là quay lại với những cam kết về sản lượng mà OPEC đã đưa ra trước đó”, đại diện của Iran tại OPEC, ông Mohammad Ali Khatibi nói. Trong khi đó, Tổng thống Venezuala, Hugo Chavez trước đó cho rằng giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng là “công bằng”.

Như vậy, có thể thấy OPEC không muốn giá dầu một lần nữa tăng lên 150 USD/thùng nhưng tổ chức này, tất nhiên, sẽ không muốn dầu giảm thêm một đợt 35-40 USD như vừa qua nữa.

Trước mắt, nhiều khả năng, sản lượng dầu có thể sẽ không bị cắt giảm. Nhưng nếu dầu sụt giảm thì OPEC sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định giảm sản lượng.

Sau cuộc họp ngày 9/9 tại Áo, OPEC sẽ nhóm họp lại vào ngày 17/12 tại Algeria.

  • Hà Linh (Bloomberg, Rttnews, IHT, AFP, Financial Post)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,