- Còn chưa đầy một tuần nữa là đến rằm tháng 8, kết thúc vụ mùa trung thu, thế nhưng sản lượng bánh “nằm lại” tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong thời điểm này vẫn còn rất nhiều khiến họ đứng ngồi không yên.
“Sắp hết mùa mà chúng tôi chỉ mới tiêu thụ được khoảng hơn 50% sản lượng bánh đã sản xuất, với đà tiêu thụ này năm nay lỗ chắc” - chủ một cơ sở sản xuất bánh tại Q.5 chỉ vào căn phòng còn chất đầy bánh trung thu cho biết.
DN nhỏ mất nhiều đơn hàng, vì sao?
Theo các DN sản xuất bánh trung thu, sở dĩ lượng bánh trung thu năm nay tiêu thụ chậm và ít hơn so với mọi năm là do lượng đơn hàng từ các công ty, xí nghiệp, khu chế xuất… giảm mạnh.
Trong những ngày cuối vụ mùa trung thu các điểm bán bánh trung thu chỉ trông cậy vào người mua lẻ. Ảnh: Nguyễn Sa |
“Thông thường mọi năm, từ giữa đến cuối tháng 8 dương lịch chúng tôi tấp nập nhận đơn hàng do các công ty đặt để tặng cán bộ công nhân viên, đối tác… nhưng năm nay chúng tôi đã bị mất khá nhiều đơn hàng lớn. Điều này ảnh hưởng mạnh đến doanh thu vì với những nhà sản xuất bánh trung thu thì hoạt động bán sỉ, bán buôn luôn chiếm một lượng lớn, từ 50-70% sản lượng” - ông Lai Hoài Phương, người đã theo nghề bánh trung thu trên 50 năm, chủ thương hiệu bánh Đông Hưng Viên (nhãn hiệu quen thuộc với người Hoa sinh sống tại TP.HCM) cho hay.
Tương tự, nhiều cơ sở sản xuất bánh khác cũng cho hay, đến thời điểm này thì họ đã hết hi vọng bán buôn với số lượng lớn, đành phải dựa vào sức mua lẻ của thị trường. Như nhãn hiệu bánh trung thu Ái Huê (của Nhà hàng Ái Huê) cũng đã có thâm niên 50 năm tồn tại và phát triển trên thị trường thừa nhận, năm nay là năm nhiều khó khăn nhất đối với ngành bánh trung thu truyền thống.
Ông Nguyễn Quốc Hiến, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ du lịch Chợ Lớn (đơn vị sở hữu thương hiệu Ái Huê) nhận định rằng, sở dĩ các nhà sản xuất bánh trung thu năm nay lo lắng là do tình hình lạm phát khiến các công ty, xí nghiệp, khu chế xuất… và cả người tiêu dùng đều “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm các khoản chi cho dịp lễ trung thu dẫn đến lượng bánh tiêu thụ chậm. Cả ông Hiến và ông Phương đều cho rằng, phần lớn số bánh trung thu đã tiêu thụ trên thị trường là được sử dụng vào mục đích biếu tặng.
Bên cạnh khó khăn khách quan như lạm phát, bão giá… theo các DN, cơ sở sản xuất bánh năm nay còn có một nỗi lo khác mà họ phải đối đầu, đó là có sự cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện trên thị trường này. Và đây mới là một trong những nguyên nhân chính khiến các DN, cơ sở nhỏ mất rất nhiều hợp đồng.
Cụ thể, trong đợt thanh kiểm tra của Đoàn Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, trong hàng loạt cơ sở vi phạm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm bị báo chí nêu tên, có những đơn vị không vi phạm hoặc chỉ vi phạm hành chính nhẹ nhưng đã bị “thổi phồng” những vi phạm này đến mức bị khách hàng “tẩy chay”.
Như trường hợp của Công ty Đ., trong biên bản kiểm tra của đoàn thanh tra chỉ ghi sai phạm là “khám sức khỏe chưa đủ số lượng công nhân” nhưng không hiểu sao lại xuất hiện trên một vài tờ báo là công ty này dùng chất tẩy trắng độc hại - Sodium Hydrosunlphite.
Tuy chưa thật náo nhiệt nhưng trong tuần này thị trường bán lẻ bánh trung thu cũng đã "nóng" lên, nhộn nhịp nhất là vào ban đêm, Ảnh: Nguyễn Sa |
“Sau khi báo đăng các công ty đối tác đặt hàng thường xuyên của chúng tôi trong nhiều năm nay điện thoại tới ồ ạt hủy hợp đồng và khiển trách công ty chúng tôi quá trời, uy tín công ty tôi giảm sút nghiêm trọng. Chúng tôi giải thích kiểu gì họ cũng không tin, cho đến khi báo có đính chính xin lỗi công ty tôi thì sự việc đã quá muộn, các hợp đồng này đã rơi vào tay công ty khác rồi” - ông chủ Công ty Đ. cho biết.
Tương tự, một nhãn hiệu bánh khác gặp sơ suất là chưa kịp lấy hóa đơn cho thùng sữa bột (dùng bổ sung vào nhân bánh) cũng bị qui kết là dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. “Thông thường các nhà cung cấp nguyên liệu sau 3-5 ngày giao hàng mới xuất hóa đơn cho chúng tôi. Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã nộp đủ hóa đơn chứng từ mua hàng để bổ sung theo yêu cầu của đoàn thanh tra, nhưng vẫn không cứu nổi tai tiếng mà chúng tôi gánh chịu trong mùa trung thu này” - đại diện nhãn hiệu này cho hay.Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng những DN nhỏ lẻ vẫn không từ bỏ thị trường mà tìm cách gồng gánh để vượt qua mùa trung thu.
Gian nan tự cứu mình
Khảo sát qua các chủng loại bánh trung thu của các thương hiệu mạnh, phổ biến trên thị trường năm nay người tiêu dùng có thể nhận xét là “bình mới rượu cũ” vì bánh cũng là các hương vị và nhân quen thuộc như thập cẩm, gà quay, vi cá… trong khi đó ở một số nhãn hiệu thuộc các công ty hoặc cơ sở nhỏ lại có sự đột phá về hương vị và nhân.
Ông Phương, chủ Đông Hưng Viên cho biết, để vượt qua những khó khăn có thể dự báo trước như lạm phát, giá cả tăng năm nay công ty đã xác định là phải tung ra nhiều loại nhân mới để kích thích tiêu dùng. Trong đó, nổi bật là nhân trái cây kiwi, thơm, nho, sầu riêng… “Hương vị bánh hiện nay phải vừa giảm ngọt, giảm béo so với trước và có bổ sung thêm chất xơ, dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Làm nhân mới chúng tôi gặp bất tiện là bánh không bảo quản được lâu nhưng bù lại khách hàng sẽ ưa chuộng sản phẩm mới hơn” - ông Phương chia sẻ kinh nghiệm.
Một số DN khác thì kích thích tiêu dùng bằng khuyến mãi, như Ái Huê thì tổ chức cho tất cả khách hàng mua bánh trung thu được rút thăm trúng thưởng tivi, tủ lạnh hoặc máy giặt… Bánh trung thu của các nhà hàng, khách sạn khác thì khuyến mại từ 10-20% giá cho các hợp đồng từ 10 hộp trở lên.
Theo ước tính sơ bộ từ các nhà sản xuất, tổng lượng bánh tiêu thụ trong một mùa trung thu khoảng gần 6.800 tấn bánh (số liệu này cũng đã được ghi nhận tại Wikipedia). Nếu tính theo mức giá trung bình hiện nay một hộp (4 bánh loại 250gr) đang có giá khoảng 200.000 đ/hộp, người tiêu dùng đã tiêu hơn 1.360 tỉ đồng (cho 6,8 triệu hộp bánh) trong một mùa trung thu.
Do vậy, dù đang phải đối mặt với những thách thức từ lạm phát, bão giá và thương trường cạnh tranh khốc liệt nhưng các DN, nhà sản xuất bánh nhỏ tại TP.HCM đã không dễ dàng từ bỏ cơ hội, họ năng động hơn để tự cứu mình.
-
Nguyễn Sa