- Năm nay, thị trường bánh Trung thu tại TP.HCM khiến nhiều người tiêu dùng khá bất ngờ vì các điểm bán đã đua nhau “đại hạ giá” quá sớm, thông thường như mọi năm, cận kề hoặc sau ngày Trung thu thị trường mới xuất hiện các biển thông báo bán giảm giá.
TP HCM: bánh trung thu "đại hạ giá" sớm
Nhưng hiện còn khoảng một tuần nữa mới đến ngày Trung thu mà hầu hết các điểm bán lớn tại các khu phố chuyên kinh doanh bánh trung thu thuộc Q.6, Q.5, Q.10, Q. Tân Bình… đã treo đầy băng-rôn mời gọi khách mua hàng “sales - off” với mức giá giảm mạnh từ 30-50% hoặc “mua 1 tặng 1”…
Anh Hảo, chủ một cửa hàng trưng bảng bán bánh Đồng Khánh cho hay, tiền thuê mặt bằng năm nay khá đắt, như cửa hàng chừng 15m2 của anh thuê trên đường 3/2 để đặt mấy cái tủ bánh có giá hơn 5 triệu đồng/tháng.
Thị trường bánh trung thu ảm đạm trước giờ G. Ảnh: VNN
“Đa phần bánh đang có mặt tại cửa hàng là sản phẩm chúng tôi mua đứt bán đoạn, nếu bán không hết là chúng tôi sẽ chịu lỗ tiền bánh, tiền mặt bằng, tiền đầu tư tủ kính và công sức lao động… Do vậy, bằng mọi giá phải bán cho hết, chấp nhận giảm giá sớm để chạy hàng” - anh Hảo giải thích.
Tuy nhiên, tình hình đại hạ giá rầm rộ này cũng chưa hẳn đã khiến cho thị trường này mua mau bán đắt hơn. Khảo sát qua các điểm bán bánh trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), Trần Quốc Thảo (Q.3), CMT8 (Q. 10)… lực lượng bán hàng còn đông đảo hơn cả người mua.
Chị Quỳnh Chi (Q.3) cho biết, chị đang dự tính mua vài hộp bánh Trung thu để biếu tặng cho các cô giáo của con trai chị, nhưng hiện giờ chị đã thay đổi ý định này. “Không ngờ năm nay bánh hạ giá sớm quá, tôi chưa kịp tặng nhưng nếu bây giờ mà tặng thì các cô có thể nghĩ là mình mua hàng giảm giá để biếu, nên đành thôi vậy” - chị Chi nói.
Tương tự, những người tiêu dùng khác cũng tỏ ra rất e dè với hiện tượng bánh Trung thu “đại hạ giá” quá sớm. Thậm chí, có người con muốn chờ thêm đến giờ chót xem có khả năng giá giảm nữa hay không. Có người giải thích rằng đây là mặt hàng “xa xỉ” trong bối cảnh kinh tế khó khăn và vì không có nhu cầu biếu tặng nên họ cũng không vội vàng gì mua bánh ngay lúc này.
Tại TP.HCM, có những thương hiệu bánh Trung thu đã tồn tại lâu đời, từ trước năm 1975 như Nhà hàng Đồng Khánh, Ái Huê, Givral & Brodard (Bông Sen), Như Lan… Tuy là những thương hiệu bánh quen thuộc nhưng năm nay những tên tuổi này cũng phải chấp nhận sự ảnh hưởng chung của thị trường. Theo đại diện nhãn hiệu bánh Như Lan, so với năm trước sức mua tính đến thời điểm này chỉ bằng khoảng hơn 50%.
Hà Nội: Không giảm giá để giữ... thương hiệu! Khác biệt với thị trường TP.HCM, mặc dù thừa nhận mùa bánh trung thu năm nay rất trầm lắng nhưng các hãng có tên tuổi tại Hà Nội vẫn không có ý định treo biển giảm giá.
Hiếm gặp những thương hiệu bánh trung thu giảm giá tại Hà Nội - Ảnh: N.N
Cho đến nay, ngoại trừ quầy bánh trung thu của Khách sạn Fortuna trên đường Láng Hạ treo băng-rôn giảm giá 20% (thực tế, mức giảm là 30%), các điểm bán, cửa hàng, đại lý trên các trục đường như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Bà Triệu... đều chưa thấy xuất hiện một bảng biển giảm giá, khuyến mãi nào.
Chủ một cửa hàng tự chọn tại phố Vũ Ngọc Phan, bán kèm các loại bánh trung thu thương hiệu Kinh Đô, Hữu Nghị cho hay, phải đợi đến sát ngày, nếu lượng hàng còn nhiều thì cửa hàng mới tính đến việc giảm lợi nhuận khoảng một vài nghìn/hộp.
Ví dụ một hộp 4 chiếc giá 118.000 thì giảm xuống 115.000 đồng; hộp 97.000 thì giảm còn 95.000 đồng cho tròn tiền, dễ bán chứ không phải là treo biển giảm giá rầm rộ.
Do yêu cầu bán đúng giá niêm yết, các điểm bán chính hãng càng không thể tự ý hạ giá khi chưa có chủ trương từ công ty.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn cho biết, một mặt do đã sớm dự đoán, kịp thời điều chỉnh sản lượng ở mức vừa phải nên phần lớn công ty đã hết nguyên, vật liệu và ngừng sản xuất cách Rằm 1 tuần.
Với lượng bánh trên thị trường hiện nay, mà thói quen của người dân miền Bắc nói chung là sát Trung thu mới mua bánh nên các công ty hiện rất kỳ vọng vào sức tiêu thụ mạnh mẽ mấy ngày tới.
Ví dụ về sức mua đột biết những ngày này, Trưởng phòng Thị trường bánh Hữu Nghị còn kể, trong lịch sử công ty, có những năm, ngày 13 (âm lịch), hàng vẫn đầy kho, nhưng sang chiều 14 đã hết sạch.
Nhưng trên hết, lý do sâu xa khiến các doanh nghiệp bánh trung thu khu vực phía Bắc không có ý định treo biển giảm giá dù hàng tồn sau vụ còn nhiều bởi văn hóa và phong cách tiêu dùng của số đông.
“Nếu miền Nam sau Rằm, bánh trung thu vẫn được bán đến hết hàng, hết hạn sử dụng mới thôi thì miền Bắc là không bao giờ bán được bởi người dân mặc cảm, không thích mua hàng ế” – đại diện hãng bánh Hữu Nghị, nói.
Tương tự, Giám đốc phụ trách Kinh Đô phía Bắc, ông Phan Văn Minh cho rằng, ý nghĩa “giảm giá” bánh trung thu ở đây rất khác với nghĩa “safe off” ở các mặt hàng khác.
Dù DN đều có mục đích kích cầu tiêu thụ nhưng giảm giá bánh trung thu có nghĩa xả hàng tồn, hàng không bán được. Chính vì vấn đề uy tín nên càng có tên tuổi, doanh nghiệp càng sợ phải treo biển giảm giá – ông Minh phân tích.
Đó cũng là lý giải cho câu chuyện tưởng chừng như một nghịch lý thời gian qua: sau vụ bánh trung thu, mỗi công nhân viên của doanh nghiệp sản xuất (tại Hà Nội) thường được phát vài thùng bánh mang về, thậm chí công ty chấp nhận hủy hết sản phẩm (dù vẫn đạt chất lượng) chứ nhất định không chịu giảm giá.
- Nguyễn Sa - Nguyễn Nga