- Đã đến giờ G theo lệnh của Bộ Tài chính là ngày 01/10 tới đây, ngân hàng sẽ quản lý tài khoản tiền đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư, nhưng gần như đến giờ vẫn còn nhiều công ty chứng khoán (CTCK) chưa kết nối với ngân hàng. Thực sự việc chuyển giao này quá khó hay các CTCK viện đủ lý do để không phải “nhả” khoản tiền này ra?
Theo quyết định số 27 ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính, kể từ 01/3/2008 toàn bộ tài khoản tiền đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư lâu nay được quản lý tại các CTCK phải được chuyển giao sang ngân hàng quản lý. Theo con số ban đầu, đến giờ này chỉ chưa tới một nửa số CTCK kết nối với ngân hàng trong số 85 công ty. Tiến độ này đã phải lùi lại đến 1/10/2008.
Rút tiền bằng thẻ ATM là một hoạt động bình thường, nhưng nếu tài khoản đặt tại CTCK, nhà đầu tư vẫn không thực hiện được. Ảnh: Đặng Vỹ
Công nghệ thông tin chưa đáp ứng?
Khó khăn được nêu nhiều nhất được các CTCK đưa ra là hạ tầng công nghệ thông tin. Giám đốc một CTCK cho rằng việc kết nối này vừa khó thực hiện, vừa dễ xảy ra các nguy cơ khác như có thể trục trặc trong quá trình giao dịch. Để xây dựng hệ thống kết nối này, phải tốn một khoản tiền lớn.
Các CTCK còn cho rằng, họ e ngại vấn đề đường truyền không ổn định. Theo các CTCK, trong thời điểm đang giao dịch, nếu đường truyền bị trục trặc thì rất khó phân định lỗi của ngân hàng hay của CTCK.
Cũng với lập luận này, các CTCK còn cho rằng việc đối chiếu giữa CTCK với ngân hàng về số dư tài khoản của NĐT trong khi đang giao dịch sẽ rất mất thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ nhập và khớp lệnh, trong khi NĐT yêu cầu lệnh phải được nhập ngay lập tức.
Chính vì những lý do này mà các CTCK cứ trù trừ mãi gần một năm rưỡi qua. Vừa qua có một số CTCK mở một tài khoản của công ty tại ngân hàng, trong tài khoản này có tất cả tài khoản của nhà đầu tư. Trên thực tế, việc này vẫn không khác CTCK giữ tiền của NĐT như trước đó.
Có lợi cho nhà đầu tư
Tại một cuộc họp về vấn đề này, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước, cho rằng quyết định này là một sáng suốt, khoa học, giúp ngân hàng Nhà nước kiểm soát được luồng tiền đầu tư chứng khoán, chống rửa tiền, và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
CTCK Gia Quyền (EPS) là đơn vị đầu tiên thực hiện việc giao tiền của NĐT cho ngân hàng quản lý. Ngay từ ngày đầu thành lập tháng 7/2007, EPS đã đặt tài khoản của NĐT tại hai ngân hàng Vietcombank và ngân hàng Đông Á. Ông Lê Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc phòng Thương hiệu và Truyền thông doanh nghiệp của CTCK Gia Quyền (EPS), cho rằng việc chuyển giao quyền quản lý này giải quyết được nhiều vấn đề, mà chủ yếu là tốt cho nhà đầu tư.
Theo ông Tâm, việc này giúp minh bạch trong quản lý tiền, tức tránh được việc nhân viên CTCK lợi dụng tài khoản dư của NĐT dùng vào việc khác. Hai là tránh được sai sót vì CTCK không phải là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực quản lý và kiểm soát luồng tiền gửi của NĐT, trong khi đó việc rút, nộp, cắt, chuyển tiền rất phức tạp. Vấn đề được giải quyết nữa là tránh được rủi ro cho NĐT, nhất là trường hợp CTCK kinh doanh không hiệu quả, phải giải thể, phá sản mà dư tiền trong tài khoản của NĐT lớn hơn vốn điều lệ của CTCK.
Khi gửi tiền ở ngân hàng, NĐT được hưởng các quyền lợi như lãi suất, thấu chi, khuyến mãi, các thủ tục như là rút tiền ngay, và nghiệp vụ khác của ngân hàng mà ở CTCK không hề có như thẻ ATM…
Cái khó: thuộc về con người!
Đến nay, ngân hàng Á Châu đã kết nối được với trên 20 CTCK, ngân hàng Đông Á kết nối với 14 công ty, ngân hàng Vietcombank kết nối với 8 công ty, và nhiều ngân hàng khác đang tiếp tục. Không như các CTCK, đa số các ngân hàng là đơn vị phải xây dựng phần mềm kết nối, phải chịu nặng hơn về hạ tầng công nghệ thông tin, nhưng lại không hề kêu khó.
Đơn cử như ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này, khẳng định rằng việc kết nối không có gì khó khăn. Ông Toại nói rằng việc kết nối chỉ thuần túy là kỹ thuật, mà với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, những việc như thế này quá dễ dàng.
Trưởng dự án dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng Đông Á, người phụ trách dự án kết nối DAB với các CTCK, cũng khẳng định như ông Toại. Ông này cho biết, kể cả việc kết nối giữa một ngân hàng với nhiều CTCK cũng không khó. Trên một nền định dạng chung của phần mềm, ngân hàng mở nhiều cổng cho các CTCK là được.
Cán bộ này cũng cho biết, để tiến tới kết nối hai nơi, các CTCK cũng có sửa lại phần mềm giao dịch đôi chút. Thông thường các phầm mềm trong nước tự viết chỉnh sửa dễ hơn phần mềm mua từ nước ngoài.
Ông Lê Nguyễn Huy Tâm cũng cho biết, việc kết nối kỹ thuật, chỉ trong vòng vài tuần đến một tháng là hoàn tất. Từ ngày thành lập đến nay tròn một năm, EPS có 2.000 tài khoản giao dịch, đã thực hiện 150.000 lệnh nhưng chưa hề xảy ra trong việc kết nối với ngân hàng.
Đã có ý kiến cho rằng, việc các CTCK không chịu kết nối với ngân hàng, thực chất chỉ vì không muốn đưa khoản tiền này về cho ngân hàng quản lý. Còn vì sao không chịu đưa thì khó lý giải, vì về nguyên tắc thì CTCK cũng không hưởng lợi gì từ việc giữ tiền. Tuy nhiên việc nhân viên CTCK lợi dụng tiền dư này để sử dụng vào việc khác, là điều chính các CTCK cũng thừa nhận.
-
Đặng VỹÝ kiến bạn đọc: