- Tại cuộc Hội thảo "Đổi mới và phát triển ngân hàng Việt Nam trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế", các chuyên gia cảnh báo hệ thống ngân hàng thương mại trong nước sẽ phải đối mặt với rủi ro khủng hoảng khi thị trường ngân hàng được mở cửa. Hội thảo diễn ra ngày 11/9 tại Hà Nội, 2 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Lo cạnh tranh chuyên nghiệp
Cảnh báo trên không còn xa xôi nữa bởi chỉ cách đây ít ngày, hai ngân hàng lớn toàn cầu của Anh là HSBC và Standard Chartered Bank chính thức được cấp phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm quan ngại khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Ảnh: XLinh
2 năm sau gia nhập WTO, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường thu hút một lượng lớn các ngân hàng đầu tư nước ngoài đầu tư, mở chi nhánh hoặc thành lập các ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Với ưu thế cung cấp các sản phẩm dịch vụ phi truyền thống, tiềm lực tài chính mạnh, những ngân hàng nước ngoài sẽ tạo những áp lực cạnh tranh mạnh mẽ đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Các ngân hàng Việt Nam sẽ không còn lợi thế tuyệt đối về khách hàng, kênh phân phối, mà những phân biệt về huy động vốn, sản phẩm dịch vụ cũng sẽ sớm bị loại bỏ sau 2010.
"Nước đã đến chân" vậy nhưng cựu Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm không khỏi rầu lòng về những bất cập trong phát triển hệ thống ngân hàng nội địa từ ngay chuyện nhỏ nhất như máy rút tiền ATM nuốt thẻ của khách hàng.
Một hệ thống dịch vụ ngân hàng yếu, không đồng bộ, trình độ quản trị rủi ro, quản lý điều hành, công nghệ, trang thiết bị ngân hàng "rất có vấn đề" khiến ông Kiêm quan ngại khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
TS. Cao Sỹ Kiêm cũng chỉ ra nghịch lý "bít thì lâu, cho ra thì nhanh, kiểm soát không tới nên xảy ra hiện tượng đầu cơ, tìm cách có đủ hồ sơ thành lập ngân hàng nhanh chóng thành gây tai họa".
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra thực trạng về phân bổ, sử dụng, tuyển dụng nhân lực ngân hàng có vấn đề: "Ở nơi tinh túy nhất là Ngân hàng Nhà nước thì chất xám chảy ra ngoài, trong khi ở ngân hàng thương mại, cán bộ chỗ nào tốt thì đi".
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm
Dù đã đi vào kinh tế thị trường nhưng việc hệ thống thanh toán chuộng tiền mặt, công nghệ, dịch vụ còn không đồng bộ khiến cho hệ thống ngân hàng nội địa hoạt động mang tính tự phát, cạnh tranh không chuyên nghiệp.
""Ở nơi tinh túy nhất là Ngân hàng Nhà nước thì chất xám chảy ra ngoài, trong khi ở ngân hàng thương mại, cán bộ chỗ nào tốt thì đi".
Ngân hàng Nhà nước bị bó buộc
Nhắc đến vai trò quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh thừa nhận các giải pháp chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện mới chỉ mang tính xử lý tình huống hơn là mang tính trung hạn do hạn chế về năng lực phân tích dự báo.
"Những tồn tại, bất cập đang diễn ra ở tất cả từ thiết lập, hình thành chính sách liên quan đến tín dụng, lãi suất, tỷ giá, kể cả vai trò của Ngân hàng Nhà nước chưa đáp ứng thực tiễn, theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường", ông Cao Sỹ Kiêm phân tích.
Cả hai chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng nói trên đều cho rằng hệ thống luật pháp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đặc biệt là Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng đã bộc lộ những bất cập, khiến Ngân hàng Nhà nước không thể làm mọi thứ nhanh và mạnh hơn.
Hai ngân hàng lớn toàn cầu của Anh là HSBC và Standard Chartered Bank chính thức được cấp phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Nguồn ảnh: HSBC
Bà Thanh lưu ý tính độ trễ tác động của các chính sách hiện nay đang bị "bó buộc" bởi yếu tố chủ quan. Câu chuyện điều chỉnh giá xăng vừa qua là một ví dụ. Các quyết định đã không thể kịp đưa ra điều chỉnh thị trường vào đúng thời điểm cần thiết khi phải chờ qua giai đoạn "trình" và "duyệt", dẫn đến nghịch lý quyết định không còn phù hợp nữa bởi thị trường đã đảo chiều. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát, gây sự lúng túng trong điều hành.
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ non trẻ dễ bị tác động trước những cú sốc và thông tin thất thiệt. Câu chuyện tỷ giá đô la lên xuống chóng mặt thời gian qua là một biểu hiện minh chứng. Cả ông Kiêm và bà Thanh đều cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường của quốc gia nhằm hỗ trợ công tác phân tích, dự báo.
-
Xuân Linh