221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1107758
4 năm "ngâm" dự án chợ chuyên doanh lúa gạo
1
Article
null
4 năm 'ngâm' dự án chợ chuyên doanh lúa gạo
,
 - Chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo cấp vùng đặt tại huyện Thốt Nốt được Chính phủ phê duyệt xây dựng từ năm 2004 và theo kế họach, hoàn thành vào năm 2007. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc san lắp mặt bằng vẫn chưa xong và đang được chính quyền Cần Thơ “kéo giãn” tiến độ để đề nghị Chính phủ chuyển nơi đây thành khu công nghiệp, trong lúc yêu cầu hoàn chỉnh hệ thống kênh phân phối, đảm bảo an ninh lương thực đang đặt lên hàng đầu… Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu: "Làm rõ trách nhiệm UBND thành phố Cần Thơ trong việc triển khai dự án chợ đầu mối lúa gạo tại Thốt Nốt".

4 năm “ngâm”chợ gạo

Xét thấy huyện Thốt Nốt là trung tâm của vùng trọng điểm lúa gạo lớn nhất ĐBSCL gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, nơi đây đang qui tụ 50 doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến gạo cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng năm hơn 1 triệu tấn; có hệ thống kho chứa và lượng gạo dự trữ lớn nhất vùng nên Chính phủ phê duyệt xây dựng chợ gạo đầu mối tại đây.

Quy mô 23ha, tổng vốn đầu tư trên 85,8 tỷ đồng, nếu hoàn thành sẽ góp phần thiết lập hệ thống phân phối lúa gạo cấp khu vực, nâng cao giá trị và chất lượng hạt gạo, tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp tiếp cận với “sàn giao dịch” hiện đại và quan trọng hơn là đảm bảo an ninh lương thực... 

Nông dân, doanh nghiệp ĐBSCL rất cần có chợ đầu mối lúa gạo để giải phóng, dự trữ lúa gạo trong những thời điểm nhạy cảm như thời gian vừa qua. Vậy mà sau 4 năm, chợ vẫn chỉ là bãi đất trống! (Ảnh: Huỳnh Anh)

Nhưng sau 4 năm, việc giải phóng mặt bằng chỉ được 83.630m2/230.000m2. Các hạng mục như: bờ kè mới thực hiện trên 20%; san lấp mặt bằng, đường giao thông đạt trên 24% giá trị khối lượng… nên không hoàn thành giai đoạn I vào năm 2007.

Chủ đầu tư, Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng: Nguyên nhân là xây dựng khu tái định cư không kịp thời và chưa đáp ứng nhu cầu cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án. Giá vật liệu tăng liên tục, đơn vị thi công xin thanh lý hợp đồng, nên dự án ngưng thi công hơn 1 năm qua.

Được biết, năm 2004, việc áp giá bồi hoàn dự án chợ gạo đối với đất vườn là 45 triệu đồng/công (1000m2), 62 triệu đồng/công ruộng. Hiện nay, dự án KCN Thốt Nốt mở rộng giai đoạn 3 đã “ép sát” chợ gạo với giá bồi hoàn 108 triệu đồng/công đất.

Từ đó, nhiều hộ dân dự án chợ gạo đòi bồi hoàn theo giá mới. Đến nay, chủ đầu tư đã đổ vào dự án chợ gạo trên 28 tỷ đồng, trong đó 23 tỷ đồng cho bồi hoàn, giải tỏa và tái định cư. Chỉ còn 5/199 hộ dân bị ảnh hưởng chưa nhận tiền bồi hoàn. Nhưng có hơn 80 hộ chưa di dời và một số hộ đòi tăng tiền bồi hoàn và hỗ trợ tái định cư. Nguyên nhân chính là việc hỗ trợ tái định cư chưa hợp lý, dân không đủ khả năng mua nền tái định cư và không có việc làm ổn định khi bị mất đất…

“Bán nông, lấy công”  

Trước tình hình giá lúa gạo giảm, doanh nghiệp nán thu mua vì không có vốn, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo… chúng tôi đã đem chuyện chợ gạo này trao đổi với ông Lê Văn Hừng, PGĐ Sở Công thương thành phố Cần Thơ, ông cho biết, việc xây dựng chợ gạo là cần thiết. Ông nói thêm, nếu chợ gạo được xây dựng theo đúng tiến độ và đưa vào hoạt động từ năm 2007 thì thời điểm này việc thu mua lúa hàng hóa trong dân, dự trữ của các doanh nghiệp sẽ thuận lợi rất nhiều, nông dân cũng sẽ ít thiệt thòi hơn.

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: “Về việc chuyển đổi chợ gạo sang phát triển công nghiệp, thành phố phải có văn bản giải trình thuyết phục để Bộ Công thương trình lên Thủ tướng xem xét. Việc giải phóng mặt bằng, thi công không nhất quán, trong khi đã đầu tư vào đây số tiền khá lớn. Thành phố phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, sớm có báo cáo về Bộ Công thương. Đây là bài học trong công tác quy hoạch của thành phố”.  

Ngày 8/8/2008, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Làm rõ trách nhiệm UBND thành phố Cần Thơ trong việc triển khai dự án chợ đầu mối lúa gạo tại Thốt Nốt”. Cũng theo CV 5166 này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra quá trình triển khai thực hiện Dự án chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo tại huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ”.

Một cán bộ có trách nhiệm khác của sở này cũng cho biết, lúc đầu, địa phương phải "tranh thủ lắm" mới được quan tâm và đưa vào quy hoạch quốc gia trong hệ thống chợ đầu mối.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Thương mại (cũ), cuối tháng 5/2004, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ký Quyết định 559/QĐ-TTg về việc phát triển chợ đầu mối trên địa bàn cả nước.

Theo đó, trong mục tiêu tổng quát, QĐ 559 ghi rõ: "Phát triển và khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ với sự đa dạng về loại hình và cấp độ chợ; đồng thời đổi mới về tổ chức và quản lý chợ trên tất cả các địa bàn, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi; góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá và kinh doanh dịch vụ; tiêu thụ ngày càng nhiều nông sản hàng hoá và cung cấp ngày càng đầy đủ vật tư, hàng tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là người dân ở nông thôn, miền núi".

Chủ trương ở tầm vĩ mô là vậy, nhưng khi đi vào thực hiện, thực tế phát sinh những điều không lường hết. Lãnh đạo tỉnh bấy giờ lại tiếp tục "tranh thủ" để được bố trí 20 tỷ đồng từ ngân sách TƯ .

Trước những khó khăn như đã đề cập ở trên, tháng 4/2007, UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Tài chính lập phương án đấu giá chợ gạo nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thi công. Nhưng nay, phương án vẫn chưa hoàn tất… Trong khi đó KCN Thốt Nốt ngay bên cạnh thu hút mạnh các nhà đầu tư và luôn thiếu đất sạch. Có lẽ vì thế mà TP Cần Thơ muốn lấy đất chợ gạo để làm công nghiệp.

Tháng 8/2007, UBND TP Cần Thơ gửi công văn (số 3765/UBND-KT) lên Bộ Công thương đề nghị giao chợ gạo cho Trung tâm Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Thốt Nốt.

Trong văn bản trả lời (0561/BCT-TTTN), Bộ Công thương nhấn mạnh: “Chợ đầu mối lúa gạo Cần Thơ là một trong 3 chợ đầu mối nông sản cấp vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nằm trong chương trình phát triển chợ đến năm 2010. Đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng”.

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo và được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với phương án xử lý của Bộ Công thương.

Tháng 4/2008, một lần nữa UBND TP Cần Thơ có công văn (số 1975/UBND-QH) gửi Bộ Công thương xin không tiếp tục thực hiện dự án xây dựng chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo và chuyển toàn bộ phần đất sang phát triển công nghiệp.

UBND TP Cần Thơ nêu ra khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tái định cư và diện tích chợ đầu mối lúa gạo nằm trong quy hoạch xây dựng trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ (phê duyệt năm 2007). UBND TP còn thừa nhận lúng túng trong thực hiện dự án, nhất là chọn nhà đầu tư và cơ chế chính sách khai thác chợ…

  • Huỳnh Anh

    Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,