Tập đoàn ngân hàng đầu tư Lehman Brothers Holdings Inc. đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục để đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau khi hai ngân hàng lớn là Barclays (Anh) và Bank of America Corp. (Mỹ) đều từ chối các cuộc đàm phán nhằm mua lại tập đoàn tài chính hàng đầu tại Mỹ này. Phố Wall cũng đã chuẩn bị cho sự đổ vỡ lớn này, một số hãng tin quốc tế vừa cho biết.
>>> Toàn cảnh khủng hoảng tài chính Mỹ 2008
Các nhân viên an ninh trước trụ sở Fed tại New York nơi các CEO tài chính phố Wall họp bàn về số phận Lehman ngày 13/9. (Ảnh: WP)
Cho dù quyết định cuối cùng chưa được đưa ra nhưng hiện tại không còn một lựa chọn nào khác đang được Lehman xem xét, do vậy thông tin trên là đáng tin cậy.
Ngân hàng Barclays trước đó đã được xem là một ứng cử viên hàng đầu cho việc mua lại Lehman nhưng đây lại là ngân hàng đầu tiên rút lui khỏi cuộc mua bán này.
Barclays cho biết lý do từ chối tham gia thương thảo bởi vì không nhận được sự bảo lãnh từ chính phủ Mỹ cũng như các hãng tài chính phố Wall khác trong việc ngăn chặn các thua lỗ tiềm ẩn đối với các tài sản của Lehman.
Bank of America cũng đã rút khỏi “cuộc chơi” chỉ 3 giờ sau đó.
Các ngân hàng và hãng môi giới lớn đã bắt đầu rà soát lại các vụ mua bán của mình trong đó có liên quan tới Lehman nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ vụ đệ đơn bảo hộ phá sản có thể xảy ra vào tối 15/9 (giờ Mỹ).
Bộ Tài chính và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm việc cật lực trong 3 ngày nhằm ngăn chặn một sự đổ vỡ của ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Mỹ này trong phiên giao dịch đầu tuần mới (tối 15/9 giờ Việt Nam). Tuy nhiên, với sự từ chối của hai ngân hàng có tiềm năng cứu Lehman nhất thì cơ hội cho tập đoàn này là rất ít.
Lehman Brothers là tập đoàn ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ, với doanh thu năm 2007 là 59 tỷ USD. Ngày 10/9 vừa qua, Lehman công bố thua lỗ 3,9 tỷ USD trong quý III/2008 do sự sụt giảm giá trị tài sản cho vay thế chấp.
Cổ phiếu này đã giảm hơn 90% kể từ tháng 2.
Trước đó, các nhà phân tích cũng đã cho rằng, cho dù đã tồn tại được trong 158 năm qua nhưng khả năng Lehman trụ vững và hoạt động độc lập mà không chịu sự quản lý của Chính phủ Mỹ lần này là rất nhỏ.
Lehman là nạn nhân mới nhất của cơn bão tín dụng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ. Mới đây, Chính phủ nước này cũng đã phải bỏ ra 200 tỷ USD để tiếp quản hai hãng cho vay thế chấp lớn nhất là Fannie Mae và Freddie Mac.
Tháng 3 vừa qua, tập đoàn môi giới chứng khoán Bear Stearns của Mỹ sau một thời gian khủng hoảng đã phải chấp nhận bán lại cho đối thủ JP Morgan Chase với giá rẻ đến khó tin 240 triệu USD, bao gồm cả trụ sở của hãng này. Tại thời điểm đó, giá mỗi cổ phiếu của Bear Stearns là 2 USD, trong khi giá trước đó một năm là 170 USD.
-
Hà Linh (Theo Bloomberg, AP, WP)