- Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cơn trấn động lớn nhất trong gần 1 thế kỷ qua tại Mỹ, thị trường chứng khoán các nước châu Á trong đó có Việt Nam đã đồng loạt tuột dốc cho dù đã giảm rất mạnh trước đó.
>>> Toàn cảnh khủng hoảng tài chính Mỹ 2008
Thị trường chứng khoán Tokyo sáng 16/9. Ảnh: BLB
Mỹ khủng hoảng trầm trọng, chứng khoán châu Á tuột dốc
Mở đầu phiên giao dịch sáng 16/9, tất cả các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại châu Á đã đồng loạt giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua.
Đây là biến động tiếp theo trên thị trường tài chính thế giới bắt nguồn từ vụ đổ vỡ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ - sự xoá sổ liên tiếp trong 1 ngày của 2 tên tuổi lừng danh trên thế giới là Ngân hàng Lehman Brothers và Merill Lynch.
Vào lúc 10h00 sáng nay 16/9 (giờ Tokyo), chỉ số châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley Capital International (MSCI) giảm 3%, xuống còn 112,11 điểm - mức thấp nhất kể từ 16/11/2005.
Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật giảm 4,7% xuống 11.641,87 điểm.
Tất cả các thị trường chứng khoán châu Á khác mở cửa phiên sáng nay đều mất điểm.
Các chỉ số của Hang Seng của Hong Kong, Singapore Straits Times của Singapore và chỉ số Topix tầm rộng tại Nhật tính tới 10h (giờ Việt Nam) cũng đồng loạt giảm rất mạnh, tương ứng 6,06%; 2,21% và 5,63%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 5,3% và đã có lúc phải ngừng giao dịch trong vòng 5 phút. Bộ Trưởng tài chính nước này cho biết có thể sẽ bơm tiền để ổn định thị trường trong nước sau cơn chấn động mạnh nhất trong gần 80 qua tại thị trường tài chính Mỹ.
Hầu hết các cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng tại khắp châu Á đang rớt giá thê thảm.
Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., ngân hàng lớn nhất Nhật, đã giảm 9,8% trong buổi sáng nay. Tập đoàn Babcock & Brown Ltd., một tập đoàn tài chính bị thua lỗ lớn nhất tại Australia do cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu giảm 32%.
Các doanh nghiệp ngành khai khoáng và dầu khi khác cũng giảm mạnh. Trong đó, Nippon Mining Holdings Inc. dẫn đầu với mức mất điểm lên tới 5,5%.
“Cổ phiếu ngân hàng giảm vì sự liên thông trong thị trường tài chính. Còn các cổ phiếu khác thì cũng không có nơi ẩn náu an toàn do giá hàng hoá tụt giảm quá nhanh và mạnh trong tối qua”, chiến lược gia cao cấp của AMP Capital Investors, Nader Naeimi nói.
Phản ứng với biến cố lớn trên thị trường tài chính, rất nhiều nước đã đưa ra biện pháp. Ngân hàng Trung ương Nhật đã bơm vào hệ thống tài chính trong nước tới 14,4 tỷ USD, trong khi đó Trung Quốc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 6 năm qua.
Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp ban đầu.
Một số chuyên gia tài chính trên thế giới hiện đang lo lắng có thể những điều tồi tệ nhất chưa đến hết. Trong hàng loạt các đại gia tài chính lớn tại Mỹ đang gặp khó khăn có thể vẫn đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ như người khổng lồ Lehman Brothers.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần 15/9, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã phải trải qua một đợt suy giảm mạnh nhất kể từ ngày 11/9/2001.
Cổ phiếu Lehman giảm 95% xuống chỉ còn 20 cent sau. Cổ phiếu của Tập đoàn AIG (American International Group Inc.) giảm 42%; cổ phiếu Bank of America Corp. giảm 14%; cổ phiếu Exxon Mobil Corp. và Valero Energy Corp. giảm 3,7%.
Tại Việt Nam, chỉ hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần 15/9, cả 2 sàn chứng khoán tại là HOSE tại TP.HCM và HASTC tại Hà Nội đều đồng loạt trượt dốc. Trước đó, cổ phiếu tại 2 sàn này đã giảm thê thảm 6 phiên liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch 16/9, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 20,81 điểm (tương đương giảm 4,36%) xuống 455,95 điểm. (BĐ: HL)
Sàn HOSE: VN-Index mất 4,36%, giao dịch giảm gần 50%
Kết thúc phiên giao dịch 16/9, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 20,81 điểm (tương đương giảm 4,36%) xuống 455,95 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng nay giảm gần 50% xuống chỉ còn 16,8 triệu đơn vị, trị giá 563,7 tỷ đồng (so với 30 triệu đơn vị và 1.057 tỷ đồng trong phiên liền trước ngày 15/9).
Trong tổng số 158 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 5 mã tăng giá (trong đó có 1 mã tăng giá kịch trần), 148 mã giảm giá (135 mã giảm kịch sàn), 8 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch là SGH của Khách sạn Sài Gòn.
Các cổ phiếu tăng giá bao gồm: SFC của CTCP Nhiên Liệu Sài Gòn (tăng 1.900 đồng lên 41.200 đồng/cp); NKD của Bánh kẹo Kinh Đô miền Bắc (tăng 1.000 đồng lên 58.000 đồng/cp); HDC của CTCP Phát triền nhà BR - VT (tăng 800 đồng lên 35.500 đồng/cp); SAF của CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco (tăng 400 đồng lên 25.000 đồng/cp); CLC của CTCP Cát Lợi (tăng 100 đồng lên 20.600 đồng/cp).
Các cổ phiếu giảm giá nhiều nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: VNM của Vinamilk (giảm 5.000 đồng xuống 99.000 đồng/cp); TCT của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (giảm 5.000 đồng xuống 107.000 đồng/cp); SJS của Phát triển khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (giảm 5.000 đồng xuống 107.000 đồng/cp); BMC của Khoáng sản Bình Định (giảm 5.000 đồng xuống 104.000 đồng/cp); VIC của Vincom (giảm 4.500 đồng xuống 86.500 đồng/cp).
Các cổ phiếu cố khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Ngân hàng Sacombank (3,39 triệu cổ phiếu); HPG của Tập đoàn Hoà Phát (0,98 triệu cổ phiếu); VTO của Vận tải xăng dầu Vitaco (với 0,65 triệu cổ phiếu); VFMVF1 (với 0,55 triệu chứng chỉ quỹ); SBT của Mía đường Bourbon Tây Ninh (0,49 cổ phiếu).
Sàn Hà Nội: HASTC-Index giảm 4,8%
Kết thúc phiên giao dịch sáng 16/9, chỉ số HASTC-Index giảm 7,82 điểm (tương đương giảm 4,8%) xuống 155,08 điểm.
Khối lượng giao dịch thành công sáng nay giảm mạnh xuống còn 9,1 triệu đơn vị, trị giá 339,4 tỷ đồng (so với 19,6 triệu đơn vị và 695,8 tỷ đồng phiên liền trước).
Thống kê cho thấy, trong tổng số 149 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 7 mã tăng giá, 137 mã giảm giá, 1 mã đứng giá và 4 không có giao dịch.
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: VCS của Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (tăng 2.400 đồng lên 44.700 đồng/cp); SCJ của Xi măng Sài Sơn (tăng 2.200 đồng lên 69.300 đồng/cp); NGC của Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Ngô Quyền (tăng 1.300 đồng lên 23.400 đồng/cp); S99 của Sông Đà 9.09 (tăng 800 đồng lên 64.900 đồng/cp); SDC của CTCP Tư vấn Sông Đà (tăng 800 đồng lên 34.000 đồng/cp).
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: VSP của Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (giảm 13.200 đồng xuống 178.500 đồng); NBC của Than Núi Béo (giảm 4.000 đồng xuống 55.700 đồng); BVS của Chứng khoán Bảo Việt (giảm 4.000 đồng xuống 56.900 đồng); CDC của Đầu tư và Xây lắp Chương Dương (giảm 3.900 đồng xuống 66.300 đồng); RCL của Địa ốc Chợ Lớn (giảm 3.700 đồng xuống 52.200 đồng).
Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đứng đầu với 1,37 triệu đơn vị. Tiếp theo là TBC của Thủy điện Thác Bà (0,54 triệu cổ phiếu); KLS của Chứng khoán Kim Long (0,51 triệu đơn vị); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,36 triệu đơn vị); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,28 triệu đơn vị).
-
Hà Linh