- Thuế nhập khẩu quá thấp được coi là “tội đồ” gây nên tình trạng các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa nước ngoài ùn ùn tràn vào nước ta.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Phó Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tỏ ra lo ngại: “Gần đây, việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm gia cầm ngày càng tăng, gây nên nhiều tác động bất lợi đến sản xuất trong nước".
Theo ông Dương, từ giữa tháng 8/2008 đến nay, giá con giống xuống rất thấp: gà giống lông trắng 1 ngày tuổi chỉ còn 4.500- 5.000đ/con, gà lông màu 2.500- 3.000đ/con, vịt hướng thịt: 7.000- 8.000 đ/con, vịt hướng trứng 9.000- 11.000đ/con. Giá sản phẩm gia cầm cũng đang xuống thấp: giá gà thịt công nghiệp 23.000- 24.000đ/kg, trứng 1.400- 1.500đ/quả.
Thuế nhập khẩu quá thấp đang được coi là nguyên nhân khiến sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước gặp khó. Ảnh minh họa, nguồn Vinhlong.gov |
Ông Dương nhận định, sự đổ bộ ồ ạt của các sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại, cộng thêm những khó khăn do khó vay vốn, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh… đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước.
Điều này cũng được GS. Nguyễn Đăng Vang (Viện Chăn nuôi) chia sẻ: “Trong 8 tháng đầu năm nay nước ta đã nhập khẩu khoảng 118.000 tấn thịt các loại trong khi xuất khẩu chưa bao giờ đạt được mức đó. Với tiến độ này, năm nay nước ta sẽ nhập khẩu tới 200.000 tấn thịt, điều này khiến sản phẩm chăn nuôi trong nước bị cạnh tranh mạnh mẽ”.
Cũng theo GS. Nguyễn Đăng Vang, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh là do thuế nhập khẩu nước ta đã giảm mạnh. Do vậy, một trong những giải pháp được Bộ NN&PTNT đưa ra từ nay đến cuối năm là tập trung vào điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo góp phần hạn chế lạm phát nhưng phải khuyến khích sản xuất trong nước phát triển. Đặc biệt, duy trì thuế nhập khẩu các loại thịt như lộ trình đã cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO.
Do chính sách kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi sớm hơn so với lộ trình gia nhập WTO.
Cụ thể, theo cam kết gia nhập WTO, đến năm 2012, Việt Nam mới phải giảm thuế nhập khẩu thịt bò xuống 14% nhưng hiện tại nước ta đã giảm xuống còn 12%. Tương tự, theo cam kết, đến năm 2010, thuế nhập khẩu thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh mới phải giảm còn 25% nhưng hiện tại đã giảm còn 20%.
Các sản phẩm thịt gà, vịt, ngan, mặc dù cam kết gia nhập WTO không bắt buộc Việt Nam phải cắt giảm thuế, nhưng mức thuế nhập khẩu mặt hàng này cũng đã giảm từ 40% (thời điểm gia nhập WTO) xuống còn 12%. Thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu, theo cam kết đến năm 2009 giảm còn 18% nhưng giờ đã giảm xuống còn 10%. Trứng gia cầm, thời điểm gia nhập WTO là 80%, cũng đã giảm còn 20%...
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không khuyến khích nhập khẩu những sản phẩm chăn nuôi mà trong nước có thể đáp ứng được cho nhu cầu thiết yếu của xã hội như thịt, trứng. Đồng thời, cần khống chế thuế nhập khẩu các loại thực phẩm, một mặt bảo vệ người sản xuất trong nước, mặt khác thực hiện đúng lội trình WTO.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm 2008, ngành chăn nuôi xuất khẩu được hơn 80 triệu USD nhưng lại nhập khẩu tới 321,8 triệu USD. Trong đó, sữa và kem là 187,6 triệu USD; thịt gia cầm 82,7 triệu USD, thịt lợn 12,5 triệu USD, thịt trâu, bò 17,2 triệu USD.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cũng cần phải thiết lập quy chuẩn về tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm chăn nuôi gia cầm, gia súc nhập khẩu như quy định về thời gian sản xuất thực phẩm, các yếu tố về bảo quản, về VSATTP…
Việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi dĩ nhiên sẽ góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.Tuy nhiên, để đông đảo người tiêu dùng chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, rõ ràng người nông dân phải thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm ở mức hợp lý hơn.
-
Hương Giang