Trong lúc còn đang bàn thảo về gói giải pháp tổng thể để cứu thị trường tài chính và chờ Quốc hội phê duyệt vào tuần tới, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) hôm 19/9 đã phải khẩn cấp công bố biện pháp để giảm bớt sự căng thẳng của các quỹ đầu tư tiền tệ, mặc dù xưa nay đây vẫn được coi là góc an toàn bậc nhất của cả hệ thống.
>>> Toàn cảnh khủng hoảng kinh tế Mỹ
Tổng thống Mỹ với Bộ trưởng Tài chính và Giám đốc Ngân hàng Trung ương đứng hai bên, đang công bố biện pháp giải cứu các quỹ đầu tư tiền tệ (ảnh: AP)
Các quỹ này là một phần quan trọng trong hệ thống tài chính Mỹ và là nền tảng cho hoạt động đầu tư tại nước này, với tổng tài sản lên tới 3,300 ngàn tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm nhiều người lo ngại rút tiền về từ nơi vẫn được coi là an toàn nhất. Để hậu thuẫn cho các quỹ đầu tư tiền tệ trước làn sóng rút tiền, Bộ Tài chính Mỹ và Fed đã đưa ra một biện pháp gồm 3 bước.
Thứ nhất, Bộ Tài chính sẽ bảo đảm cho các khoản đầu tư của các quỹ tiền tệ với khoản tiền lên tới 50 tỷ USD. Sáng kiến này, kéo dài trong vòng 1 năm, sẽ bảo đảm giá trị của các chứng chỉ quỹ sẽ không xuống dưới mệnh giá 1 USD.
“Những lo ngại về giá trị tài sản ròng (NAV) của các chứng chỉ quỹ giảm xuống dưới 1 USD đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ tại Mỹ và đã gây ra tình trạng căng thẳng nghiêm trọng về tính thanh khoản trên các thị trường toàn thế giới”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Trong khi đó, Fed tiến hành 2 bước nhằm ổn định tài sản của các quỹ. Giá trị tài sản của các quỹ đã giảm thê thảm trong tuần do họ buộc phải bán các khoản đầu tư của mình ở mức giá thấp trong bối cảnh toàn thị trường đang sụt giảm để đáp ứng nhu cầu rút vốn của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư trong tuần trước đã rút ra một lượng tiền kỷ lục là 169 tỷ USD.
Quỹ đầu tư tiền tệ (Money market mutual fund) là dạng tổ chức phát hành chứng chỉ quỹ để đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cũng như vào một số loại giấy tờ có giá ngắn hạn và an toàn. Đây là loại hình đầu tư được coi là an toàn nhất, nhưng lợi nhuận cũng thấp nhất, chỉ cao hơn mức lãi suất gửi ngân hàng. |
Các biện pháp cụ thể là Fed sẽ mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp để các ngân hàng thương mại mua lại giấy tờ có giá (các khoản nợ ngắn hạn được phát hành bởi các doanh nghiệp) từ các quỹ tiền tệ này. Hiện tại, các quỹ đang nắm giữ khoảng 230 tỷ USD những giấy tờ loại này.
Như vậy, trong một động thái hiếm có, Fed đã cho các quỹ vay không cần bảo đảm, điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu các giấy tờ có giá này giảm giá trị thì Fed sẽ phải chịu lỗ. Tuy nhiên, các quan chức cao cấp của Fed cho biết họ hy vọng sẽ không phải chịu một khoản lỗ nào bởi vì các giấy tờ này sẽ tăng giá trở lại một khi các thị trường ổn định.
Biện pháp thứ hai, Fed sẽ mua lại các loại giấy nợ ngắn hạn phát hành bởi Fannie Mae, Freddie Mac và các ngân hàng cho vay mua nhà… Động thái này cũng sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường. Các quỹ đầu tư tiền tệ hiện đang nắm giữ khoảng 69 tỷ USD loại giấy nợ này.
Các quỹ tiền tệ đã đối mặt với nhiều áp lực từ năm ngoái khi mà khủng hoảng tín dụng tràn vào phố Wall. Tuy nhiên, căng thẳng thực sự bùng nổ trong tuần này khi mà một đợt “sóng thần” tài chính đã đổ ập vào Mỹ.
Thông thường, có rất nhiều người Mỹ đầu tư vào các chứng chỉ quỹ như là kênh ổn định và có lãi suất cao hơn ngân hàng.
Tuy nhiên, không giống như các sản phẩm của ngân hàng, các quỹ này không được bảo hiểm bởi cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC). Các nhà đầu tư có thể mất tiền và trên thực tế trong tuần đã có 1 trường hợp như vậy.
Quỹ Reserve Fund vào thứ Ba vừa rồi đã công bố giá một loại chứng chỉ quỹ của mình đã giảm 97 cent (so với mức đầu tư ban đầu là 1 USD).
Theo Bộ Tài chính, quyết định vừa được đưa ra hôm thứ Sáu ngày 9/9 có thể sẽ giúp vực dậy niềm tin trên thị trường và xóa đi những lo ngại của nhà đầu tư về khả năng các quỹ đầu tư tiền tệ bị thua lỗ.
-
Hà Linh (CNN, AP)