– Dù vận hành theo giá thị trường nhưng xăng dầu vẫn là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, chịu điều tiết bởi các biện pháp bình ổn của Nhà nước – ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính khẳng định trong cuộc trao đổi với Báo VietNamNet.
Nhà nước sẽ có cơ chế bình ổn, quỹ bình ổn giá mặt hàng xăng dầu - Ảnh: N.N |
- Từ giữa tháng 9/2008, giá xăng, giá dầu hỏa, mazut, dầu diezen đã bắt đầu được vận hành theo giá thị trường, trên nguyên tắc doanh nghiệp đăng ký giá, liên bộ Tài chính – Công Thương phê duyệt. Xin ông cho biết rõ hơn cơ chế quản lý, giám sát giá của doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu sẽ được vận hành thế nào khi giá xăng dầu thế giới biến động?
Tôi xin nói ngay là cơ chế quản lý giá xăng dầu mới được công bố theo cơ chế giá thị trường do DN quyết định sau khi đã đăng ký giá với Tổ Giám sát liên bộ (Công Thương – Tài chính) mà Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính làm tổ trưởng.
DN căn cứ vào quy định của Pháp luật hiện hành xây dựng mức giá để đăng ký giá. Sau 3 ngày Tổ Giám sát liên bộ không có ý kiến phản hồi thì DN tổ chức ban hành theo giá đã đăng ký, niêm yết giá bán công khai trong toàn hệ thống.
Trường hợp Tổ Giám sát liên bộ phát hiện mức giá do DN đăng ký không hợp lý theo quy chế tính giá hiện hành, Tổ sẽ chỉ rõ những yếu tố bất hợp lý và yêu cầu DN đăng ký lại giá.
Liên bộ không phê duyệt giá. Mà khi cần thiết, Liên bộ sẽ thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá và yêu cầu DN phải bán theo giá hợp lý.
“Thỏa thuận ngầm": phạt và tịch thu toàn bộ lợi nhuận
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Ảnh: N.N |
- Những biện pháp ngăn ngừa việc DN nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu lớn liên kết để “làm giá” hiện vẫn chưa thấy được đề cập. Chỉ cần khi giá thế giới giảm mà các DN này đồng loạt giảm chậm 1, 2 ngày thì mức độ thiệt hại với người tiêu dùng và xã hội đã là rất đáng kể, thưa ông?
DN không thể tính giá nào cũng được. Bởi xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, chịu điều tiết bởi các biện pháp bình ổn của Nhà nước (như kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho, bắt buộc phải đăng ký giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá...).
Căn cứ vào đó, Tổ Giám sát liên bộ sẽ kiểm soát phương án giá của DN, tính toán dựa vào giá nhập nhẩu từng loại xăng dầu; các loại thuế, phí theo quy định; các chi phí kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ ban hành cơ chế quy định rõ khi nào và điều kiện giá thế giới so với giá bán trong nước thế nào thì được điều chỉnh giá. Trường hợp phát hiện có sự thỏa thuận ngầm về giá thì sẽ áp dụng các chế tài theo quy định hiện hành tại Nghị định số 169/NĐ – CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giá: phạt tiền tới 20 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi do vi phạm hành chính và còn có thể bị buộc bồi thường số tiền bị tổn thất do vi phạm hành chính gây ra.
- Quy định về mức lãi dành cho DN kinh doanh xăng dầu hiện nay ấn định là bao nhiêu?
Không, bây giờ không ai ấn định mức lãi cả. Mức lãi là theo tình hình thị trường. DN tính toán làm sao bảo đảm được lợi nhuận để tái đầu tư, rồi hình thành các quỹ bình ổn giá.
- Nhưng thực tế xảy ra hiện tượng có DN nhạy bén, nhập được xăng dầu với giá thấp và ngược lại sẽ có những DN nhập khẩu với giá cao. Do Nhà nước không còn bù lỗ nên DN sẽ không thể bán thấp hơn giá nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc cùng một mặt hàng nhưng giá bán của mỗi DN sẽ khác nhau, thưa ông?
Theo cơ chế này thì quý IV hàng năm, DN phải cùng nhau dự báo, định hướng giá để bảo đảm, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh. Về phía Nhà nước sẽ có cơ chế bình ổn giá, xây dựng quỹ bình ổn.
Khi hướng ra thế giới, tôi cho rằng đánh giá của bản thân mỗi DN, cũng như căn cứ vào dự báo của các tổ chức nước ngoài thì giá thành phẩm của họ cũng không lệch nhau lắm.
DN đủ điều kiện sẽ được cấp phép kinh doang xăng dầu?
- Giá dầu thô trên thế giới từ đầu đến giữa tháng 9 liên tục giảm, có lúc xuống tới 93 USD/thùng, DN nhập khẩu và kinh doanh đã lãi lớn (dù áp thuế 5%), vậy tại sao mức giảm hiện nay vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá trên thị trường thế giới, theo quy chế đã ban hành?
Khi đã nói đến giá thành phẩm thì phải xem giá xăng dầu thành phẩm bình quân 10 ngày hay 1 tháng trên thị trường thế giới như thế nào. Giá dầu thô chỉ là một yếu tố tham chiếu. Không phải giá dầu thô giảm bao nhiêu thì giá xăng cũng giảm bấy nhiêu. Cụ thể, giá dầu thô WTI trong 15 ngày đầu tháng 9 so với giá bình quân tháng 8 giảm 11,71% (102,95 USD/thùng so với 116, 61 USD/thùng) nhưng xăng chỉ giảm 6,76% (106,27/113,98), diezen giảm 9,65%; madut giảm 9,51%...
Bên cạnh đó trong kinh doanh xăng dầu, không phải giá thế giới hôm nay giảm thì giá trong nước phải giảm ngay, bởi DN có thể chưa nhập được số lượng xăng dầu đã giảm của thế giới do phải có thời gian, có còn kho chứa không...
Để giảm thiểu rủi ro cho các DN vận tải khi giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới, trước hết, bản thân DN phải tự khắc phục khó khăn và làm quen với những biến động đó trong cơ chế thị trường. Nhà nước sẽ đảm bảo cung ứng đủ nguồn, sẽ kiểm soát giá và sẽ có cơ chế hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá trong những thời điểm nhất định, hỗ trợ DN chủ động phương án sản xuất kinh doanh. |
Vừa qua cũng thế: theo quy định, DN phải có lượng dự trữ lưu thông 20 ngày, cộng với lượng tồn kho đã nhập từ trước đó với giá cao nên khi chúng ta tính lãi là lãi thời điểm (lãi tính toán chứ đã có hàng đâu), không phải lãi thời kỳ.
Nếu nói DN trước đó đã lãi lớn thì chưa thật sự chia sẻ những khó khăn trong kinh doanh với DN và khó khăn trong quản lý của Nhà nước (lỗ xăng dầu 6 tháng đầu năm 2008 là 14,525 tỷ đồng). Việc tăng hay giảm giá bao nhiêu cũng phải được tính toán rất kỹ lưỡng, hài hòa tất cả lợi ích ẩn chứa trong mức giá.
Có thể thấy thế này, khi giá thế giới tăng, DN phải tăng ở mức kìm nén để chia sẻ với người tiêu dùng và chịu lỗ ở mức nhất định; khi giá thế giới giảm Nhà nước vẫn chưa khôi phục lại thuế theo quy định của pháp luật. Đó là chưa nói đến yếu tố giá trong nước càng giảm thì buôn lậu càng lớn... Vậy bài toán đặt ra là khi giá thế giới hạ, làm sao để người tiêu dùng được hưởng mức giá hợp lý; DN bù được đủ vốn để tiếp tục kinh doanh, nguồn cung ứng không bị đứt; Nhà nước cũng thu được thuế nhập khẩu để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
- Để tăng khả năng cạnh tranh, giảm giá thành giữa các DN, Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho nhiều DN mới tham gia vào lĩnh vực này hay không?
Đây là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, không phải của Bộ Tài Chính. Nhưng theo tôi, căn cứ Nghị định 155, những đơn vị nào đủ điều kiện thì sẽ được làm thôi.
- Xin cảm ơn ông!
-
Nguyễn Nga (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc: