– Ông Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN ước đoán, khoảng 40% doanh nghiệp (DN) làng nghề hiện trong cảnh từ thoi thóp đến chuẩn bị phá sản; 60% còn lại là cầm cự. "Đây là tình hình rất nghiêm trọng" - ông đánh giá.
Một cơ sở sản xuất thuộc làng nghề da giày huyện Phú Xuyên, Hà Nội - Ảnh: N.N
Ông Tuấn tỏ ra không đồng tình với quan điểm coi việc phá sản, đóng cửa của DN, nhất là DN làng nghề mà chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa là “sự phá sản sáng tạo” trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay.
“Đó là cách nói trong những nền kinh tế phát triển, còn ở nước ta, trong điều kiện dân ta còn quá nghèo, vốn liếng bỏ ra để lập DN nhiều khi là cả gia tài.
Bên cạnh đó, xét về tác dụng giải quyết việc làm, tăng thêm sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội của DN làng nghề đối với nền kinh tế thì càng phải cố gắng hạn chế sự phá sản của họ ở mức thấp nhất” – ông Tuấn nói.
Ông Vũ Quốc Tuấn - Ảnh: N.N |
Việc siết chặt nguồn vốn, tăng lãi suất của ngân hàng thời gian qua là điều cần thiết để kiềm chế lạm phát. Và thực tế, những tháng gần đây, chủ trương này đã phát huy tác dụng rõ rệt. Song, mức lãi suất 20 – 21% hiện nay là quá cao, khiến DN làng nghề không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để duy trì sản xuất và thị trường.
Trước những tiếng kêu cứu của DN nhỏ và vừa, một số ngân hàng vừa qua đã có động thái quan tâm, dành ưu đãi về vốn vay, lãi suất cho các DN này nhưng theo ông Tuấn, DN vẫn gặp vô vàn khó khăn.
Cụ thể, các điều kiện để được vay lại khắt khe hơn rất nhiều: từ việc đánh giá tài sản thế chấp, cầm cố thường quá thấp so với thực tế, việc xem xét phương án kinh doanh và khả năng hoàn trả vốn chặt chẽ hơn trước, chưa kể một số tiêu cực của nhân viên ngân hàng... Nhiều DN làng nghề buộc phải tìm đến tín dụng “đen” với mức lãi suất 7 – 8%/tháng hoặc cao hơn để đảo nợ, tránh tình cảnh phải siết nợ tài sản với ngân hàng.
Đẩy nhanh Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa
Ngoài việc phân loại nhu cầu vay vốn với mức lãi suất “chịu đựng được” cho các DN làng nghề có thị trường và phương án kinh doanh khả thi của các tổ chức tín dụng, ông Tuấn còn đề xuất đẩy nhanh việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng dành riêng cho DN nhỏ và vừa ở các địa phương.
Đây là một loại quỹ thuộc nhà nước nhằm bảo lãnh về vốn cho DN, giúp DN trả nợ ngân hàng khi họ không đủ khả năng trả nợ, cùng "chia sẻ rủi ro", bảo toàn vốn cho ngân hàng.
Hiện nay, cả nước có khoảng 2017 làng nghề, thu hút hơn 10 triệu lao động. Đã có 40% sản phẩm làng nghề được xuất khẩu đến thị trường của 100 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 750 triệu USD, không kể gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD. |
Bài học từ các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong việc xây dựng các Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa cho thấy, khi cho vay, Quỹ cùng ngân hàng thẩm định tính khả thi trong phương án kinh doanh của DN, khả năng thế chấp của DN, từ đó Quỹ có thể bảo lãnh từ 70 – 100% vốn vay của DN với ngân hàng.
Ông Tuấn cũng cho biết, tại các nước trên, do dự án được thẩm định kỹ lưỡng nên gần như 100 DN được Quỹ bảo lãnh thì chỉ có 2, 3 DN bị “vỡ”, khiến Quỹ phải trả nợ cho ngân hàng.
Ở Việt Nam, tháng 12/2001, Chính phủ đã có Quyết định về Quy chế thành lập, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Nhưng cho đến nay, quỹ mới được thành lập ở 9 tỉnh, trong đó chỉ có 3 quỹ ở Trà Vinh, Yên Bái và Vĩnh Phúc là chính thức hoạt động.
-
Nguyễn Nga (lược ghi)Ý kiến bạn đọc: