221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1111276
Lãi suất ngân hàng vào đợt giảm mới
1
Article
null
Lãi suất ngân hàng vào đợt giảm mới
,

 - Một đợt giảm lãi suất mới đang được các ngân hàng đồng loạt thực hiện. Dường như sau thời gian cố chờ để nghe ngóng những động thái mới từ điều hành chính sách tiền tệ, các ngân hàng đã buộc phải nhìn nhau hạ lãi suất trước hết là để cứu lấy mình.

Lớn bé cùng giảm

Đợt giảm lãi suất lần này được bắt đầu từ những ngày đầu tuần. Gần như đồng loạt các ngân hàng lớn bé đều có mặt trong đợt giảm lãi suất này. Điều này được đánh giá là một xu hướng tốt sẽ tạo ra điều kiện để hỗ trợ và cũng thể hiện sự thống nhất của các ngân hàng sau một thời gian khó tìm được tiếng nói ở nhiều vấn đề trong thời kỳ khủng hoảng.

Ngân hàng lớn nhất tham gia đợt giảm lãi suất huy động lần này là Vietcombank. Mức huy động trên 17% của ngân hàng này đã giảm xuống còn 16,8% cho kỳ hạn 12 tháng, 12,84% cho kỳ hạn 18 tháng và 12,6% cho kỳ hạn 24 tháng.

Giảm lãi suất, trước hết là tín hiệu tốt của ngành ngân hàng và nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận là của NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) với mức giảm 0,4-2,34%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Kỳ hạn từ 6-8 tháng còn 16,2%/năm, 9-13 tháng xoay quanh 15%/năm. Một ngân hàng cổ phần lớn khác ACB áp dụng lãi suất  mới giảm 0,2-0,35%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 12 tháng, từ 17,14%/năm còn 16,79%/năm, 1-6 tháng giảm 0,2%/năm.

Việc giảm lãi suất huy động lần này còn có sự tham gia nhanh chóng của rất nhiều ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ lúc này mới bắt đầu những bước đi của những ngân hàng lớn đã thực hiện cách đây hơn 1 tháng là giảm lãi suất cao ở những kỳ hạn cực ngắn. Cơ cấu lại bảng lãi suất một cách hợp lý hơn.

Có thể kể đến, NH Phương Đông giảm mạnh ở kỳ hạn 2 và 3 tuần: 0,72%/năm, các kỳ hạn 1-6 tháng đồng loạt giảm 0,24%/năm. LS cao nhất tại OCB là kỳ hạn 3 tháng: 18,12%/năm... Ngân hàng Việt Á giảm kỳ hạn một tuần từ 17,2% xuống 15,8% kỳ hạn 2-3 tuần giảm 1,3-1,4%. Trong khi đó, ngân hàng ngoài quốc doanh giảm từ 0,37-0,7% cho các kỳ hạn tuần. Lãi suất cá nhân kỳ hạn ngắn của ngân hàng này còn ở mức 9,8-11,8%/năm thay vì mức 15% như trước đây.

Không chỉ giảm lãi suất huy động tiền đồng, nhiều loại hình huy động vàng hay USD cũng được các ngân hàng tính chuyện giảm. Viêt Á Bank đã giảm lãi suất huy động USD 0,4% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng và trên 12 tháng thì mức giảm là 1,3%. Ngân hàng Sài Gòn Công thương giảm huy động USD từ 0,1-0,3% cho các kỳ hạn dưới 13 tháng. Trong khi đó, lãi suất huy động vàng của Đông Á Bank giảm 0,24-0,6%.

Đợt giảm lãi suất này được đánh giá là tín hiệu tích cực nhất sau khi chỉ số CPI tiếp tục giảm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây mới chỉ là phần đầu của một đợt điều chỉnh lãi suất mạnh trên thị trường trong thời gian tới. Một nguyên nhân chính khiến lãi suất giảm chính là các ngân hàng đã qua thời kỳ khó khăn về thanh khoản. Câu chuyện bây giờ không phải là cố huy động vốn thật nhiều để đắp đổi các món thanh khoản mà đã bắt đầu tính toán đến việc lỗ lãi cả năm.

Trước hết vì chính mình

Việc ngân hàng giảm lãi suất đầu vào mang lại cơ hội sẽ giảm lãi suất đầu ra, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ hơn và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất trước hết là do lợi ích của các ngân hàng vì nếu tiếp tục kéo dài lãi suất cao và một bảng lãi suất huy động bất hợp lý như hiện nay thì không những ngân hàng thua lỗ mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến nguồn vốn dài hạn.

Một chuyên gia cho biết, đã có thông tin về việc có một số ngân hàng bắt đầu thua lỗ trong quý III và điều này có thể diễn ra đối với một số ngân hàng khác trong quý IV. Nếu như năm ngoái, các ngân hàng huy động tối đa  8% cho vay 12% thậm chí 15% thì nay huy động 18-19% cho vay 20-21% không lỗ mới là lạ. 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng còn nguồn vốn huy động thấp từ năm ngoái gánh đỡ, nay phần đó cũng đã tiêu hết. Các ngân hàng bắt đầu "thấm đòn" huy động lãi suất đầu vào cao, trong điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt, đầu ra khó khăn.

Không giảm lãi suất, các ngân hàng sẽ còn lỗ nặng. (Ảnh minh họa)

Vì thế, trong thời gian hơn một tháng gần đây, khi lạm phát có chiều hướng được kìm chế, tình hình kinh tế tốt lên, nhiều chuyên gia đã đề xuất đến việc giảm lãi suất cơ bản và các ngân hàng cũng rất kỳ vọng vào điều này để cùng nhau giảm lãi suất huy động. Bởi vì, trong những đợt giảm lãi suất trước đây, có người làm, người không, khiến không ít ngân hàng nhanh chân giảm lãi suất đã bị quả đau khi nguồn huy động bị giảm mạnh.

Tuy nhiên, sau 2 tháng liền CPI giảm mạnh nhưng những tín hiệu phát đi và diễn biến kinh tế thế giới đã cho thấy, việc giảm lãi suất cơ bản khó thực hiện ngay. Và không còn cách nào khác là các ngân hàng buộc phải hạ lãi suất để tránh thua lỗ nặng nề hơn trong những tháng còn lại và giảm hậu quả của nguồn vốn chi phí cao cho những tháng kinh doanh tiếp theo. Vì thế, không chờ Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, không cần Hiệp hội kêu gọi nhiều ngân hàng đã nhìn nhau giảm lãi suất.

Một diễn biến khác cho thấy, trong những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch đẩy mạnh giải ngân vào dịp cuối năm. Những chương trình giải ngân hàng ngàn tỷ đồng đã được tung ra cho thấy, các ngân hàng đang ứ vốn và phải tìm đầu ra cho phần vốn đã huy động với lãi suất cao.

Cụ thể, Ngân hàng Á châu (ACB), có kế hoạch cung 5.000 tỷ đồng cho đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tăng thêm 3.000 tỷ đồng cho chương trình tài trợ xuất khẩu từ cuối tháng 9 này, sau khi đã giải ngân 2.000 tỷ đồng trong hai tháng trước đó dành cho tài trợ xuất khẩu). Ngân hàng ngoài quốc doanh (VPBank), có sẵn nguồn tín dụng khoảng 2.000 tỷ đồng đang được xem xét để hỗ trợ cho những nhu cầu mua bất động sản tiêu dùng, cũng như những dự án bất động sản thực sự hiệu quả. 

Ngân hàng Quốc tế (VIB) bắt đầu triển khai chương trình cho vay, tài trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được tài trợ tới 95% trị giá L/C hoặc 90% trị giá hợp đồng với lãi suất vay VND chỉ tương đương như lãi suất vay USD.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn vẫn tiếp tục đẩy mạnh cho vay trong các lĩnh vực thế mạnh của mình, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tiếp tục cho vay mua cà phê, thu mua lúa, BIDV đẩy mạnh cho vay thêm cả DN nhỏ và vừa...

Thực tế, sau 3 tháng liền CPI giảm tốc độ tăng khá mạnh nhưng mức giảm lãi suất của các ngân hàng không đáng kể và duy trì mặt bằng khá cao. Trong khi đó, các thị trường đầu tư như: chứng khoán, bất động sản, vàng và USD đều có diễn biến không thuận lợi cho đa số nhà đầu tư. Nguồn vốn vì thế đã quay trở lại ngân hàng khá mạnh, nhất là vốn trung và dài hạn đã tăng lên sau đợt điều chỉnh lãi suất huy động lần trước.

Nguồn hút tiền vào được cải thiện nhưng tăng trưởng cho vay vẫn tiếp tục chịu vòng phong tỏa của chính sách thắt chặt tiền tệ. Hơn nữa do nhu cầu cắt giảm đầu tư, các DN kinh doanh khó khăn... nên mức tăng trưởng cho vay đang rơi vào thấp điểm. Con số báo cáo cho thấy, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng trong tháng 7 và 8/2008, tỷ lệ tương ứng chỉ là 0,7% và 0,79%.

Thực tế, DN vẫn rất khát vốn nhưng lãi suất cho vay quá cao, nên không với tới được, những nguồn hút vốn mạnh trước đây như đầu tư chứng khoán, bất động sản đã và đang bị thu hẹp nên vốn vào dù không tăng mạnh so với năm ngoái nhưng do nhu cầu vay tăng thấp nên ngân hàng vẫn bí đầu ra.

Trong hoàn cảnh, số vốn huy động với lãi suất cao đang ngày một lớn lên, giải ngân khó khăn thì không còn cách nào khác ngoài giảm lãi suất. Trước hết là để giảm chi phí đầu vào, giảm gánh nặng chi phí trước mắt và thua lỗ về sau, đồng thời tính chuyện giảm lãi suất đầu ra để tăng cường cho vay. Tuy nhiên, bao giờ giảm lãi suất đầu ra thì lại chưa được ngân hàng nào đề cập. Hơn thế, giảm lãi suất nhưng vốn cho vay dành cho tất cả các DN đang khát vốn hay không lại phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác. Trong đó hạn mức tăng trưởng tín dụng là rào cản đầu tiên.

  • Phước Hà
     
    Ý kiến bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,