Những sóng gió quá lớn trên thị trường tài chính Mỹ và khoản lỗ không thể gượng dậy đã khiến ngân hàng tiết kiệm lớn nhất Mỹ là Washington Mutual Inc gục ngã chỉ một ngày trước khi kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỷ USD của chính phủ Mỹ có thể sẽ được thông qua (dự kiến thông qua ngày 26/9).
>>> Toàn cảnh khủng hoảng tài chính - ngân hàng Mỹ
Giá cổ phiếu của Washington Mutual trong 12 tháng qua (nguồn: MarketWatch)
Đây là vụ sụp đổ kinh hoàng thứ 6 liên tiếp trong tháng nay tại phố Wall, sau những cái tên lừng lẫy một thời như Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers, Merrill Lynch, AIG.
Ngày 25/9, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết sẽ phong toả ngân hàng tiết kiệm lớn nhất nước Mỹ là Washington Mutual (WaMu) và sẽ bán các khoản vốn huy động của ngân hàng này cho JPMorgan Chase, ngân hàng lớn thứ 3 tại Mỹ tính theo tài sản.
Giá trị của vụ chuyển nhượng này chưa được tiết lộ. Bản hợp đồng có thể sẽ được công bố trong cuộc họp vào 9h15 sáng 26/9 (giờ Việt Nam).
Tòa nhà Washington Mutual tại thành phố Seattle. (ảnh: TLPJ) |
WaMu, có trụ sở tại thành phố Seattle, sụp đổ sau khi chỉ số tín nhiệm bị kéo xuống mức rất thấp và đối mặt với việc phải ra toà.
Tuần vừa qua, WaMu đã buộc phải rao bán chính mình do thua lỗ tới 19 tỷ USD phát sinh từ các khoản nợ xấu cho vay thế chấp. Đây là một trong những hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ xấu và tín dụng thế chấp kéo dài trong năm qua tại Mỹ.
Hồi tháng 3, WaMu đã từng từ chối một đề nghị mua lại của tập đoàn JPMorgan với mức giá 4 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần qua giá trị thị trường của WaMu đã giảm mất một nửa. Ngày 25/9, báo New York Times cho biết giá cổ phiếu WaMu là 1,54 USD.
WaMu có 2.300 chi nhánh và tổng số tiền huy động tiết kiệm của khách hàng lên tới 182 tỷ USD tính đến cuối tháng 6 vừa qua. Tổng tài sản của tập đoàn này lên tới 310 tỷ USD.
-
Hà Linh (Theo Bloomberg, CNBC)