- Tiếp tục đà tăng giá từ phiên trước, sáng nay 26/9 gần như toàn bộ cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM tăng giá mạnh. Tốc độ tăng giá về cuối phiên giảm nhẹ nhưng cũng đủ giúp chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 480 điểm.
Các tín hiệu kinh tế vĩ mô tốt trong tháng 9/2008 tiếp tục giúp các nhà đầu tư hào hứng với thị trường chứng khoán. Trong khi đó, tại Mỹ kế hoạch giải cứu thị trường tài chính nước này đã có những tiến triển đáng kể, nhiều khả năng sẽ được thông qua trong ngày 26/9 (giờ Mỹ).
Mặc dù vậy, nỗi ám ảnh về tác động của một đợt khủng hoảng tài chính tồi tệ có thể còn kéo dài đã khiến lượng cầu cổ phiếu không cao như dự báo của giới quan sát thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 26/9, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 13,38 điểm (2,84%) lên 483,81 điểm. (Ảnh: LAD)
HOSE: VN-Index tăng 2,84% lên 483,81 điểm
Kết thúc phiên giao dịch 26/9, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 13,38 điểm (tương đương tăng 2,84%) lên 483,81 điểm.
Trong tổng số 160 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 110 mã tăng giá (trong đó có 39 mã tăng giá kịch trần), 40 mã giảm giá (trong đó có 10 giảm kịch sàn) và 14 mã đứng giá.
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 26/9 tăng lên 22,2 triệu đơn vị, trị giá 865,8 tỷ đồng (so với 15,4 triệu đơn vị và 698,4 tỷ đồng trong phiên liền trước).
Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: BMC của Khoáng sản Bình Định và TCT của Cáp treo Núi Bà Tây Ninh cùng tăng 5.000 đồng, cùng lên 123.000 đồng/cp; FPT, PVD của PV Drilling và VIC của Vincom cùng tăng 4.500 đồng, lên tương ứng 99.500 đồng/cp, 99.000 đồng/cp và 95.500 đồng/cp.
Cổ phiếu VNM của Vinamilk sau 2 phiên giảm sàn do ảnh hưởng bởi thông tin các công ty sữa của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc đã quay đầu hồi phục mạnh mẽ. Cổ phiếu VNM tăng giá hết biên độ cho phép lên 97.500 đồng/cp.
Cổ phiếu LGC của Cơ khí - Điện Lữ Gia giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 13.300 đồng/cp xuống 25.200 đồng/cp do sáng 26/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1,5 với giá 15.000 đồng/cp mới và trả cổ tức 900 đồng/cp. Như vậy, nếu tính theo giá đã điều chỉnh thì LGC sáng nay tăng kịch trần.
Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: VHC của CTCP Vĩnh Hoàn, BTC của CTCP Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu và ALT của Văn Hóa Tân Bình cùng giảm sàn 1.700 đồng, xuống lần lượt 32.300 đồng/cp, 32.600 đồng/cp và 33.300 đồng/cp; RHC của Thuỷ điện Ry Hinh (giảm sàn 1.200 đồng, xuống 23.800 đồng/cp); CLC của CTCP Cát Lợi (giảm sàn 900 đồng, xuống 19.000 đồng/cp).
Các cổ phiếu cố khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (3 triệu đơn vị); HPG của Hoà Phát (2,05 triệu); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (với 1,11 triệu); DPM của Đạm Phú Mỹ (1,07 triệu); VTO của Vận tải xăng dầu Vitaco (0,99 triệu).
Sàn Hà Nội: Đón thêm cổ phiếu TPP của Nhựa Tân Phú
Kết thúc phiên giao dịch sáng 26/9, chỉ số HASTC-Index tăng 3,27 điểm (tương đương tăng 2,08%) lên 160,31 điểm.
Khối lượng giao dịch thành công phiên này tăng lên 13,4 triệu đơn vị, trị giá 491,5 tỷ đồng (so với 10,7 triệu đơn vị và 369,7 tỷ đồng phiên liền trước).
Thống kê cho thấy, trong tổng số 153 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội (thêm TPP của CTCP Nhựa Tân Phú lên sàn sáng 26/9 với 2 triệu cổ phiếu), có 123 mã tăng giá, 21 mã giảm giá, 5 mã đứng giá và 4 không có giao dịch.
Cổ phiếu TPP của Nhựa Tân Phú đóng cửa với mức giá trung bình toàn phiên là 19.900 đồng/cp với 21.400 cổ phần được chuyển nhượng.
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: SD5, SDA và TC6 cùng tăng 6,97%, tương ứng 2.900 đồng, 2.800 đồng và 2.300 đồng/cp lên 44.500 đồng/cp, 43.000 đồng/cp và 35.300 đồng/cp; DAE tăng 1.300 đồng (tương đương tăng 6,95%) lên 20.000 đồng/cp; SCC tăng 1.200 đồng (tương đương tăng 6,94%) lên 18.500 đồng/cp.
Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: NGC của Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Ngô Quyền (giảm 1.800 đồng, xuống 24.200 đồng/cp); VBH của Điện tử Bình Hòa và LBE của Sách và Thiết bị Trường học Long An cùng giảm 1.200 đồng, cùng xuống mức 17.200 đồng/cp; C92 giảm 1.100 đồng, xuống 20.900 đồng/cp.
Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đứng đầu với 1,22 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là KLS của Chứng khoán Kim Long (1,19 triệu); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,95 triệu); PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (0,75 triệu); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,71 triệu).
-
Hà Linh