- Ngay trong chiều 26/9, sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tiếp tục tăng lãi suất dự trữ bắt buộc và cho phép đưa tín phiếu bắt buộc vào giao dịch tạo vốn trên thị trường mở, rất nhiều ngân hàng đã phản ứng nhanh bằng việc giảm lãi suất và tung ra các chương trình tín dụng mới để đẩy mạnh cho vay.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất
Ngay trong buổi sáng 26/9, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã họp và quyết định sẽ đẩy mạnh hơn nữa chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc dành thêm 3.000 tỷ đồng trong kế hoạch phát triển tín dụng năm 2008 để phục vụ nhóm khách hàng này.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng quyết định, kể từ ngày 01/10/2008, Vietcombank sẽ thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay đồng Việt Nam. Theo đó lãi suất thông thường ở mức 19,5%/năm. Các khách hàng truyền thống, sử dụng dịch vụ giải pháp tổng thể và kinh doanh trong lĩnh vực trọng yếu, có tác động tích cực đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi là 18,525%/năm.
Hạ lãi suất và tăng vốn cho vay, các DN có thể dễ dàng tiếp cận vốn hơn (Ảnh minh họa: DN Sài Gòn) |
Trong khi đó, Ngân hàng các DN ngoài quốc doanh (VPBank) cho biết, sẽ dành 2.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm nhằm đẩy mạnh cung cấp tín dụng cho khách hàng. Ông Lê Đắc Sơn – Tổng giám đốc VPBank cho biết: Nguồn tín dụng này sẽ được VPBank tập trung cho vay đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô trả góp, các dự án bất động sản hiệu quả…
Ngân hàng thương mại sẽ dễ tính toán hơn Trao đổi với báo chí vào chiều ngày 26/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là động thái của NHNN nhằm tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với DN và người dân. Còn việc vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản sẽ tạo nên một biên độ lãi suất rộng hơn cho phép các TCTD tính toán hiệu quả hơn. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, CPI giảm dần thì các TCTD có thể giảm lãi suất và đây là quyết định của từng TCTD căn cứ trên quan hệ cung cầu. Trả lời câu hỏi: "Nhiều người cho rằng, việc NHNN vừa tăng lãi suất tiền gửi dự trữ vừa cho phép các TCTD cầm cố tín phiếu để vay vốn song vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng nghĩa với việc phát một tín hiệu cảnh báo: NHNN hỗ trợ các NHTM nhưng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ?", ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định: "Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và chúng tôi căn cứ trên tinh thần chỉ đạo này để thực hiện các chính sách điều hành của mình". |
Theo quy định mới nhất của Maritime Bank, khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu có thể vay số tiền tối đa lên tới 80% tổng giá trị nguồn thu bằng ngoại tệ trên mỗi hợp đồng hoặc đơn hàng, để bổ sung vốn lưu động, thanh toán cho các nhà cung ứng, đại lý trong nước hoặc sử dụng cho các mục đích chính đáng khác.
Ngân hàng Techcombank cũng đã quyết định giảm lãi suất cho vay 0,5%, điều đó đồng nghĩa với việc giảm lãi suất tín dụng xuống còn 20%/năm cho các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tốt, đáp ứng được các quy định của ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Techcombank cũng sẽ dành thêm từ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Khơi thông dòng vốn
Theo ông Lê Đắc Sơn, chính các ngân hàng nhận thấy, với lãi suất cho vay cao như vậy, các doanh nghiệp không thể chịu đựng nổi và doanh nghiệp cũng không còn mặn mà với nguồn vốn vay ngân hàng, họ co hẹp sản xuất, thay đổi phương án kinh doanh.
Các ngân hàng có nguồn vốn huy động nhiều, không cho vay được nên đã tự động điều chỉnh lãi suất huy động giảm xuống và đang tự động điều chỉnh lãi suất cho vay xuống thấp hơn 21%. Việc làm này đúng với mong muốn của doanh nghiệp và cũng là mong muốn của ngân hàng.
Với quyết định mới nhất của NHNN trả thêm lãi suất cho khoản dự trữ bắt buộc của các NHTM đồng thời giữ nguyên lãi suất cơ bản (14%/năm) sẽ giúp nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng sẽ rẻ hơn chút nữa, thêm một điều kiện để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp. Biện pháp này tạo thuận lợi cho cả 2 phía: ngân hàng và doanh nghiệp. Các ngân hàng đều đang có lộ trình để giảm lãi suất cho vay thấp hơn nữa từ nay đến cuối năm, giúp các DN tiếp cận trở lại nguồn vốn.
Ông Sơn nhận định, để lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm thấp hơn mức trên, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều tiết từ từ lãi suất huy động theo chiều hướng giảm dần theo quan hệ cung cầu giữa người gửi tiền, ngân hàng và bên vay tiền.
Lãi suất huy động có tiếp tục giảm thì mới là cơ sở để ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hoặc các tháng tiếp theo, NHNN có thể tiếp tục nâng thêm lãi suất dự trữ bắt buộc để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất mà vẫn đảm bảo chống lạm phát hiệu quả.
"Để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi, theo tôi, lãi suất cho vay của ngân hàng ở mức 18% là ổn, vừa đảm bảo mục tiêu chống lạm phát vừa giúp doanh nghiệp phát triển, tạo đà tăng trưởng cho năm sau"- ông Sơn nhận định.
-
Phước Hà
Ý kiến bạn đọc: