Sự đổ vỡ của ngân hàng tiết kiệm lớn nhất Mỹ Washington Mutual (WaMu) hôm 25/9 là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử nước này. Đây đã là vụ đổ vỡ kinh hoàng thứ 6 liên tiếp tại Mỹ trong tháng này. Nhưng điều mà nhiều người lo ngại là vụ việc xảy ra khi mà Chính phủ Mỹ sắp đạt được một gói giải pháp tổng thể nhằm giải cứu thị trường tài chính Mỹ. Gói giải pháp có chi phí lớn nhất trong lịch sử Mỹ, lên tới 700 tỷ USD.
>>> Toàn cảnh khủng hoảng tài chính - ngân hàng Mỹ
Hiện tại, các con mắt đang đổ dồn về một ngân hàng lớn khác nằm trong tốp 10 tập đoàn tài chính lớn nhất nước Mỹ là Wachovia. (Ảnh: Boston) |
Giống như sau vụ gục ngã của Bears Stearns hồi tháng 3/2008 mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong gần 80 năm qua tại Mỹ, một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là nạn nhân kế tiếp sau vụ đổ vỡ của đại gia tài chính WaMu ?
Hiện tại, các con mắt đang đổ dồn về một ngân hàng lớn khác nằm trong tốp 10 tập đoàn tài chính lớn nhất nước Mỹ là Wachovia.
“Sự sụp đổ của Washington Mutual cho thấy bất kể tập đoàn tài chính lớn tới cỡ nào cũng có thể sụp đổ, và nếu bạn nhìn trong số 10 tập đoàn lớn nhất tại Mỹ đang chịu nhiều áp lực nhất thì đó chính là Wachovia”, Stan Smith, một chuyên gia ngân hàng tại Đại học University of Central Florida tại Orlando nhận định.
Washington Mutual sụp đổ là do thua lỗ 19 tỷ USD phát sinh từ các khoản nợ xấu cho vay thế chấp và phải đối mặt với một đợt sóng rút tiền gửi ồ ạt của khách hàng. Chỉ trong vòng 10 ngày (kể từ 15/9), các khách hàng của WaMu đã rút tổng cộng 16,7 tỷ USD từ ngân hàng có trụ sở tại Seattle này. Việc rút tiền ồ ạt đã khiến Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) buộc phải phong toả ngân hàng tiết kiệm lớn nhất nước Mỹ này.
Wachovia có thể rơi vào tình cảnh tương tự
Louise Pitt, một chuyên gia phân tích tín dụng tại Tập đoàn Goldman Sachs Group Inc., viết trong một bản báo cáo ngày 26/9 cho biết Wachovia có thể đối mặt với một đợt rút tiền “lặng lẽ” giống như những gì mà WaMu đã phải trải qua.
Dòng tiền chảy ra có thể sẽ xuất hiện bởi vì “những tín hiệu xấu từ ngành ngân hàng và sự lo sợ của người gửi tiền”, bà Pitt nói và cho biết bà đã cắt định mức tín nhiệm của Wachovia xuống mức khuyến nghị bán. Ngân hàng Wachovia hiện đang có tổng huy động vốn tiết kiệm từ khách hàng lên tới 391 tỷ USD.
Hiện các nhà đầu tư đang tỏ ra rất lo ngại về các khoản nợ đang ngày càng tăng lên của ngân hàng này. Cổ phiếu Wachovia đã giảm 64% kể từ đầu năm tới hết ngày 25/9.
Riêng trong ngày 25/9, cổ phiếu Wachovia đã giảm 1,1 USD xuống chỉ còn 8,9 USD/cp.
Các chuyên gia cho rằng các khoản nợ kỷ lục liên quan tới các khoản cho vay thế chấp bất động sản có thể sẽ buộc ngân hàng này phải sáp nhập vào Citigroup Inc. (New York), Wells Fargo & Co. (có trụ sở tại San Francisco) hoặc Banco Santander SA của Tây Ban Nha. Các cuộc đàm phán được cho là đang bắt đầu.
Mặc dù vậy, CEO Robert Steel của Wachovia trong một bức thư gửi nhân viên của mình vẫn khẳng định ông rất lạc quan về kế hoạch giải cứu của chính phủ.
Trong khi đó, Christy Phillips-Brown, một phát ngôn viên của Wachovia cho biết ngân hàng không có bình luận gì về các bản báo cáo hay các nhận định tiêu cực về tương lai của Wachovia. Bà Christy cho biết kể từ tháng 6/2008 ngân hàng đã có thêm 745.000 tài khoản tiết kiệm, nếu tính trung bình theo ngày thì đã tăng 6% so với kết quả trong 6 tháng đầu năm. Các khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi (certificates of deposits - CODs) tại Wachovia cũng tăng mạnh hơn so với 2 quý đầu năm.
Tối 25/9, JPMorgan Chase & Co. đã trả 1,9 tỷ USD để sở hữu toàn bộ các tài khoản tiền gửi tiết kiệm và các chi nhánh của WaMu.
-
Hà Linh (Bloomberg, Reuters, MarketWatch, Financial Times)