- Không chỉ sức mua các loại sữa bột, sữa nước giảm mạnh mà những sản phẩm có liên quan đến sữa, được làm từ sữa cũng bị ảnh hưởng nặng. Nhất là đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, rất ít người tiêu dùng chọn mua vào lúc này.
Sợ sản phẩm Trung Quốc
Khảo sát tại Trung tâm Thương mại Q.10 (Lý Thường Kiệt, Q.10), một khu thương mại chuyên bỏ sỉ các loại bánh kẹo ngoại nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… trong thời điểm này đa phần bánh kẹo được trưng bày trên quầy kệ chủ yếu là bánh kẹo Malaysia, Thái Lan, hiếm thấy sản phẩm nào của Trung Quốc.
Hiện tượng này khác hẳn so với trước đây - sản phẩm Trung Quốc chiếm phần lớn diện tích của các quầy hàng. Trao đổi vấn đề này với chị Thu Hà, quầy A18, chị Hà cho hay, trong những ngày qua doanh thu từ mặt hàng bánh kẹo, những sản phẩm có liên quan đến sữa giảm sút đáng kể, ước chừng từ 30-40%.
“Các mối hàng của chúng tôi cho hay rằng người tiêu dùng hiện rất e ngại mua sản phẩm bánh kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc, do vậy chúng tôi tạm ngưng nhập mặt hàng này. Số hàng nhập trước đây cũng không dám trưng bày nhiều vì sợ mất khách” - chị Hà nói.
Tương tự, nhiều tiểu thương khác cũng cho hay, giai đoạn này đã bước vào quý IV của năm, là thời điểm chuẩn bị hàng bán Tết. Thế nhưng, do “sự cố melamine" này năm nay họ phải thay đổi kế hoạch nhập hàng Tết khác hẳn so với mọi năm.
“Các năm trước hàng Tết chủ yếu là hàng Trung Quốc vì giá cả mềm hơn cả và mẫu mã đa dạng, dễ bán. Năm nay trước tình hình người tiêu dùng lo sợ như vậy buộc chúng tôi phải thay đổi kế hoạch” - một tiểu thương cho biết thêm.
Chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Quang Diệu (Q.3) kể rằng, cách đây vài hôm một khách hàng mua một số bánh tuyết (có xuất xứ từ Trung Quốc), sau đó mang ra lại cửa hàng năn nỉ cho trả lại hoặc đổi sản phẩm khác. “Họ nói trước đây họ vẫn mua loại này cho chủ nhà tiếp khách nhưng nay mang sản phẩm này về bị chủ nhà la quá trời, bắt mang đi trả. Tôi thấy cũng tội vì họ là người làm công ăn lương nên đồng ý nhận lại hàng” - bà chủ tiệm kể lại.
Tại Hà Nội, cho đến nay các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Intimex, Fivimart tại Hà Nội đều đã rút khỏi kệ, thông báo tạm thời ngừng bán những sản phẩm sữa, thậm chí bánh kẹo, đồ uống có nguồn gốc từ sữa của Trung Quốc chưa có chứng nhận an toàn.
Thu hồi và trả lại hàng cho nhà cung cấp trong lúc chờ kiểm nghiệm chất lượng, thắt chặt quản lý đầu vào là những biện pháp mà hầu hết siêu thị đều thực hiện để đem lại sự tin tưởng cho khách hàng.
Đại diện các siêu thị đều khẳng định, sức mua các sản phẩm sữa nói chung lúc đầu đều bị giảm do có thông tin sữa độc nhưng hiện tại đã ổn định.
Phụ trách kinh doanh siêu thị Intimex cho hay, người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị vốn đã rất khắt khe về chất lượng, do đó, sản phẩm sữa Trung Quốc từ trước đã không xuất hiện, không phải là lựa chọn của họ tại đây.
Riêng về bánh kẹo, đồ uống, đây là những mặt hàng không thiết yếu, người tiêu dùng lại chọn mua tùy hứng, không mấy trung thành một hãng, cho nên không có hàng của Trung Quốc thì họ chọn hàng các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore..., doanh số cũng không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, các đại lý trên phố Tây Sơn, cửa hàng bánh kẹo nhập khẩu trên đường Láng Hạ, Giảng Võ lại phản ánh, tâm lý dè dặt, nghi ngại, thậm chí hoang mang của người tiêu dùng đối với một số mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc hiện đã ảnh hưởng, làm sụt giảm sức mua các mặt hàng khác.
Điêu đứng vì melamine
DN chủ động kiểm nghiệm sản phẩm Ngày 30/9 Công ty CP bánh kẹo Kinh Đô công bố kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm có liên quan đến sữa. Cụ thể, Kinh Đô đã chủ động gửi toàn bộ 10 mẫu sữa nguyên liệu bao gồm: sữa Galax, sữa Belcolac, sữa Whey Murray, sữa Whey Demin, sữa lạt Úc, sữa béo Úc, Bonigrassa, sữa béo dự trữ 26%, sữa Ngôi sao Phương Nam và Ông Thọ đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM). Kết quả cho thấy các nguyên liệu sữa trên không nhiễm Melamine. Kết quả từ 10 phiếu kiểm nghiệm cũng cho thấy nguyên liệu sữa dùng trong sản xuất sản phẩm bánh kẹo Kinh Đô và sản xuất kem, sữa chua... của Công ty Ki Do không nhiễm Melamine. |
Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh hệ thống Citimart - ông Ngô Văn Hải cho rằng, cơ quan chức năng nên sớm công bố các sản phẩm, tên doanh nghiệp có sản phẩm chứa melamine và danh sách sản phẩm an toàn để siêu thị tiện việc xử lý.
Hiện siêu thị bán sỉ Metro cũng đang tạm ngưng kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến từ sữa có nguồn gốc Trung Quốc.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng, trong đó có phân phối hàng Trung Quốc như Kim Liên, Thiên Ân… cũng đang điêu đứng vì bị các siêu thị, cửa hàng dồn dập trả hàng về. Được biết, lý do siêu thị trả hàng cho những công ty này là “công ty chưa đưa ra được các hồ sơ chứng minh sản phẩm không chứa melamine”.
Một số công ty trong nước cũng bị loại khỏi quầy hàng là Công ty CP bánh kẹo Phạm Nguyên, Đức Phát. Bà Lê Quỳnh Chi, Phó Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho hay siêu thị này đã yêu cầu các nhà sản xuất và cung cấp bánh kẹo có sử dụng nguyên liệu từ sữa tự kiểm nghiệm chất lượng và thông báo kết quả cho siêu thị trước tháng 10/08 này.
“Nếu mẫu kiểm nghiệm của công ty nào không đạt yêu cầu chúng tôi sẽ cắt hợp đồng với công ty đó ngay” - bà Chi nói.
Theo các siêu thị, việc rút và trả lại hàng cho đối tác cũng là việc làm “chẳng đặng đừng”, vì đối với những sản phẩm, doanh nghiệp bị nghi vấn oan thì phải chịu rất nhiều thiệt thòi, có doanh nghiệp tổng doanh thu mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ đồng thì nay phải ngưng trệ hoàn toàn. Hơn nữa, nhà bán lẻ như siêu thị, cửa hàng cũng bị ảnh hưởng khi doanh thu giảm sút. Nhưng trong lúc này phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết.
Đồng thời, nhà kinh doanh cũng chỉ còn biết trông đợi vào tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, kết quả kiểm nghiệm nghiêm túc trong thời điểm hiện nay có thể cứu cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mặc dù không bán các sản phẩm sữa cũng như bánh kẹo của Trung Quốc nhưng chị Trang, chủ cửa hàng NTA trên đường Láng Hạ, Hà Nội cho biết, 2 tuần nay lượng bán ra đã kém hơn, một số mặt hàng chậm đến một nửa so với trước kia.
Tình hình buôn bán ế ẩm hơn cả phải kể đến các quầy bánh kẹo, đường sữa trên phố Hàng Buồm.
“Giảm lắm, thị trường đang nghe ngóng” là khẳng định của nhiều chủ cửa hàng tại đây. Anh Bình – chủ cửa hàng Bình Hà cho biết, một ngày có thể chỉ 1 vài khách vào hỏi mua. Kéo lại lúc này là một số đám cưới, đám hỏi, còn đâu phải trông chờ đến Tết, sức mua mới rõ được.
Hàng bị các siêu thị, đại lý trả về nhiều, ngay cả những mặt hàng không liên quan gì đến sữa như Trà hoa quả cũng bị trả về, mà thời gian kiểm nghiệm phải mất đến 2 tuần, lãnh đạo Công ty TNHH Minh Anh – nhà nhập khẩu, phân phối nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó chiếm 20% hàng từ Trung Quốc, chia sẻ, chị đang rất “đau đầu” trong việc tìm hướng giải quyết.
“Nhiều siêu thị khó tính, cứ sản phẩm từ Trung Quốc là họ trả lại hết và bảo từ bây giờ không nhập hàng Trung Quốc nữa. Thế là mất bao nhiêu công đưa hàng ra được thị trường thì bây giờ như vậy, chưa biết khi nào mới trở lại được” – chị trăn trở.
Ngay cả hàng nhập có sữa, nguồn gốc từ các nước châu Âu hiện cũng phải xác minh chất lượng. Nhưng không hoàn toàn cho đây là những khó khăn, lãnh đạo Công ty Minh Anh nhìn nhận sự kiểm soát chặt chẽ đầu vào của cơ quan chức năng, sự thận trọng của người tiêu dùng sẽ là cơ hội tốt để làm “sạch” thị trường, giảm bớt những “lộn xộn” do việc nhập hàng theo đường tiểu ngạch tràn lan hiện nay.
-
Nguyễn Sa - Nguyễn Nga