- Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2008 và 25 tỷ USD vào 2020.
"Đây là mục tiêu rất tham vọng tuy nhiên cũng rất khả thi. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam được đánh giá còn tiềm năng phát triển mạnh trong 10 - 20 năm tới. Tốc độ phát triển sẽ phụ thuộc lớn của doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quốc gia. Nhưng chúng tôi tin điều này là rất hiện thực"- ông Ân nói.
Nhiều cơ hội nhưng dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước Châu Á . (Ảnh: moit)
Hiện nay, làn sóng chuyển dịch đầu tư và thương mại dệt may từ các nước khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Đông, Tây và Nam Âu sang các nước châu Á là khá rõ nét. Việt Nam là nước có lợi thế trong việc thu hút đầu tư dệt may. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh giữa các nước châu Á cũng rất khốc liệt. Thêm vào đó, các rào cản kỹ thuật thương mại ngày càng nhiều đang là thách thức lớn cho dệt may Việt Nam.
Nằm trong chương trình xây dựng thương hiệu và quảng bá hàng dệt may Việt Nam, ngày 30/9, Hiệp hội dệt may Việt Nam đã tổ chức trao giải doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam năm 2008.
Đây là lần thứ 5 cuộc bình chọn được tổ chức với sự tham gia của 315 doanh nghiệp trong cả nước. Trong số 51 doanh nghiệp được bình chọn tiêu biểu năm 2008, có 10 doanh nghiệp được bình chọn là tiêu biểu toàn diện gồm: Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, Công ty cổ phần dệt Việt Thắng, Công ty liên doanh Coats Phong Phú, Công ty cổ phần may Tiền Tiến, Công ty cổ phần may 10, Công ty cổ phần may Nhà Bè, Công ty cổ phần Scavi, Tổng công ty cổ phần may Hoà Thọ, Công ty cổ phần may Sài Gòn 3, Công ty cổ phần dệt may Thái Tuấn. Riêng Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến là doanh nghiệp tiêu biểu nhất của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2008 và dẫn đầu các doanh nghiệp được bình chọn trong 5 năm qua.
-
Phước Hà