- Đón nhận tin tốt đầu tiên từ Mỹ nhưng sức cầu cổ phiếu tại các sàn chứng khoán tại Việt Nam lại giảm đáng kể do các nhà đầu tư e ngại những khó khăn sắp tới. Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu đã tăng điểm nhẹ.
Đầu giờ sáng nay 2/10 (giờ Việt Nam), Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Mỹ với số phiếu thuận áp đảo. Mặc dù vậy, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á vẫn mất điểm. Tại Việt Nam, tình hình sáng sủa hơi đôi chút với việc chỉ số VN-Index tăng gần 1,3%.
Hiện tại, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang chờ đợi quyết định của Hạ viện Mỹ (dự kiến vào thứ Sáu). Các chuyên gia cho biết, việc thông qua kế hoạch giải cứu tại Hạ nghị viện không dễ dàng như tại Thượng viện do đa số các hạ nghị sĩ đang chịu áp lực rất cao từ các cử tri. Vào tháng 11 tới, 100% hạ nghị sĩ sẽ được bầu lại.
>>> Toàn cảnh cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng
Biến động chỉ số VN-Index từ đầu năm tới 2/10. (BĐ: Hà Linh)
HOSE: VN-Index vượt ngưỡng 460 điểm
Kết thúc phiên giao dịch 2/10, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 5,84 điểm (tương đương tăng 1,28%) lên 460,25 điểm.
Trong tổng số 160 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 123 mã tăng giá (trong đó có 48 mã tăng kịch trần), 26 mã giảm giá (trong đó có 3 giảm kịch sàn) và 15 mã đứng giá.
Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 2/10 giảm xuống 14,6 triệu đơn vị, trị giá 528 tỷ đồng (so với 19,8 triệu đơn vị và 708,7 tỷ đồng trong phiên liền trước).
Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: IMP của Dược phẩm Imexpharm (tăng trần 4.500 đồng, lên 96.500 đồng/cp); 3 cổ phiếu BT6 của CTCP Bê tông 620 Châu Thới, SFI của Vận tải SAFI và SZL của CTCP Sonadezi Long Thành cùng tăng trần 2.500 đồng lên tương ứng 54.500 đồng/cp, 61.000 đồng/cp và 56.500 đồng/cp; NHC của Gạch ngói Nhị Hiệp (tăng trần 2.100 đồng, lên 45.100 đồng/cp).
Các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: PVD của PV Drilling (giảm 4.000 đồng, xuống 93.000 đồng/cp); NKD của Bánh kẹo Kinh Đô miền Bắc (giảm sàn 2.500 đồng, xuống 51.000 đồng/cp); VHC của CTCP Vĩnh Hoàn (giảm 1.200 đồng, xuống 26.800 đồng/cp); SDN của Sơn Đồng Nai (giảm 1.000 đồng, xuống 24.800 đồng/cp); GMC của Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (giảm sàn 900 đồng, xuống 18.100 đồng/cp).
Các cổ phiếu cố khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (1,83 triệu đơn vị); VTO của Vận tải xăng dầu Vitaco (0,92 triệu); HPG của Hoà Phát (0,90 triệu); SAM của CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (0,78 triệu); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (với 0,78 triệu).
Kết thúc phiên giao dịch 2/10, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tăng 5,84 điểm (1,28%) lên 460,25 điểm. (Ảnh: LAD)
Sàn Hà Nội: 122/153 mã tăng giá, HASTC-Index vượt ngưỡng 150 điểm
Kết thúc phiên giao dịch sáng 2/10, chỉ số HASTC-Index tăng 3,26 điểm (tương đương tăng 2,18%) lên 152,96 điểm.
Khối lượng giao dịch thành công sáng 2/10 giảm nhẹ xuống 10,5 triệu đơn vị, trị giá 352,1 tỷ đồng (so với 11,5 triệu đơn vị và 390,7 tỷ đồng phiên liền trước).
Thống kê cho thấy, trong tổng số 153 mã cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hà Nội, có 122 mã tăng giá, 24 mã giảm giá, 5 mã đứng giá và 2 mã không có giao dịch.
Các cổ phiếu có giá bình quân trong cả phiên tăng mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: CCM của Xi măng Cần Thơ (tăng 2.800 đồng, lên 43.200 đồng); DBC của Nông sản Bắc Ninh (tăng 2.200 đồng, lên 33.700 đồng); GHA của Giấy Hapaco Hải Âu (tăng 2.100 đồng, lên 32.500 đồng); TJC của Dịch vụ Vận tải và Thương mại (tăng 1.700 đồng, lên 26.400 đồng); ILC của Hợp tác Lao động với nước ngoài (tăng 1.600 đồng, lên 24.600 đồng).
Các cổ phiếu có giá bình quân trong phiên giảm mạnh nhất cả về giá trị tương đối và tuyệt đối bao gồm: TPP của Nhựa Tân Phú và C92 của Xây dựng và Đầu tư 492 cùng giảm 1.200 đồng xuống 16.100 đồng/cp và 17.100 đồng/cp; NGC của Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Ngô Quyền (giảm 1.400 đồng, xuống 20.900 đồng/cp); VBH của Điện tử Bình Hòa và HPS của Đá xây dựng Hoà Phát cùng giảm 900 đồng, cùng xuống 13.400 đồng/cp.
Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu KLS của Chứng khoán Kim Long đứng đầu với 1,32 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là ACB của Ngân hàng Á Châu (0,8 triệu); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,72 triệu); TBC của Thủy điện Thác Bà (0,5 triệu đơn vị); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,45 triệu).
-
Hà Linh