- Riêng tại TP. HCM rượu giả tiêu thụ mỗi tháng lên tới cả 100.000 chai và 3/4 số đó là ở các vũ trường, nhà hàng. Theo các cơ quan chức năng, trình độ làm rượu giả tại Việt Nam hiện nay hết sức tinh vi, "giả như thật", gây ra rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện xử lý.
Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an... cùng các DN tổ chức buổi toạ đàm về: "Giải pháp ngăn chặn rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng và những vấn đề đặt ra cho ngành rượu Viêt Nam thời kỳ hội nhập" nhằm tìm ra các giải pháp ngăn chặn rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng.
Tại buổi toạ đàm, các DN sản xuất rượu trong nước đều lo ngại về hiện tượng rượu giả, rượu nhái ngày càng tinh vi phá hoại sản xuất kinh doanh cũng như gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Bất kể mọi loại rượu dù trong nước sản xuất hay nhập khẩu, nếu bán chạy trên thị trường đều bị làm giả. Càng gần đến dịp Tết nguyên đán, là thời điểm tiêu thụ rượu các loại tăng mạnh thì số lượng rượu giả, rượu kém chất lượng tung ra càng nhiều.
Một lô rượu ngoại giả bị phát hiện. (Ảnh: Web site chống hàng giả) |
Ông Nguyễn Mạnh Hoà, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico), cho biết riêng với Halico thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện tới trên 50 cơ sở làm giả các sản phẩm bán chạy, được người tiêu dùng ưa chuộng như Vodka Hà Nội, Nếp mới...
Mới đây, ngày 18/8/2008 cơ quan chức năng đã phát ra vụ làm giả 153 kg nhãn hiệu Vodka, 5.000 nút chai đã in hiệu Vodka và 35.000 nút chai chưa in tại đường Dương Văn Dương, quận Tân Phú (TP.HCM). Tại Hà Nội vụ làm giả trắng trợn rượu Vodka trong số nhà 20 Vĩnh Tuy, cũng mới bị phát hiện.
Trong kết quả phân tích một số chai rượu giả của Halico thu được, nồng độ rượu giả chỉ có 29,7%V, nhưng nồng độ Aldehyde là 61,88%V, Iso-propano là 29,29mg/l, Ethyacetate là 107,08mg/l, Iso amylic là 18,86mg/l và đặc biệt chỉ số Metanol khá cao trong khi rượu thật những chỉ số đó bằng 0 hoặc rất thấp so với tiêu chuẩn Việt Nam.
Đại diện các DN khác như Công ty cổ phần du lịch và XNK Lạng Sơn; Công ty CP Rượu Bình Tây; Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn; Công ty TNHH Thực phẩm và Đồ uống Anh Đào; Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng; Công ty CP Cồn Hà Thành… cũng cho biết các sản phẩm rượu của họ bị làm giả làm nhái khá nhiều.
Đặc điểm của rượu giả, nhái là dùng rượu kém chất lượng của các cơ sở nhỏ lẻ công nghệ chưng cất thấp, bớt công thức, nguyên liệu, dùng cồn công nghiệp pha chế với nước lã... nên chất lượng kém, rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, mặc dù rượu giả có chất lượng kém, nhưng trình độ làm rượu giả tại Việt Nam hiện nay hết sức tinh vi, "giả như thật", gây ra rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý.
Rượu ngoại bị làm giả nhiều nhất
Theo Cục QLTT, rượu ngoại là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Thủ đoạn sản xuất rượu giả của các đối tượng là dùng một số rượu rẻ tiền bán trên thị trường pha với hương liệu, nước đường nấu lên để tạo màu, mùi đặc biệt.
Nhiều đối tượng làm giả bằng cách pha trộn rượu của Halico với khoảng 20% rượu ngoại thật và chất tạo màu làm từ kẹo đắng, đóng vào các vỏ chai rượu ngoại dán tem thật hoặc tem giả. Cá biệt có đối tượng mua men rượu pha với hương liệu, axit acetic, cồn 90độ, nước lã, rồi ủ khoảng 2-3 ngày sau đó đóng vào chai.
Với rượu ngoại những đối tượng làm hàng giả thường khoan một lỗ nhỏ dưới đáy chai rồi rút bớt rượu thật ra và bơm rượu giả vào sau đó dùng 1 loại keo đặc dụng bịt lại.
Bên cạnh đó, tem rượu giả cũng được sản xuất cực kỳ tinh vi có xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, bất hợp pháp. Tem rượu giả làm rất khó phân biệt bằng mắt thường. Với cả lực lượng quản lý thị trường, muốn phân biệt được phải thông qua giám định vì vậy người tiêu dùng rất khó phát hiện được đâu là giả, đâu là thật.
Một số loại rượu bổ, rượu thuốc của Trung Quốc cũng bị các đối tượng làm giả bằng cách pha cồn thực phẩm 90 độ với nước lã và 1 ít thuốc bắc rẻ tiền là thành rượu thứ thiệt và đóng vào các chai rượu xịn đã qua sử dụng.
Năm nay , các cơ sở sản xuất rượu giả đã nhập cả nút chai và sử dụng công nghệ dập nút chai của Trung Quốc. Chỉ cần một máy ép bằng tay với bộ khuôn và nhôm cán mỏng sơn các màu tuỳ theo loại rượu một người thợ cũng cho ra hàng trăm nút chai rượu giả mỗi ngày. Còn nguồn cung cấp chai cho các lò rượu giả hiện nay chủ yếu ở các vũ trường nhà hàng và qua thu mua phế liệu.
Số liệu từ Cục QLTT cho biết, riêng tại TP.HCM rượu giả tiêu thụ mỗi tháng lên tới cả 100.000 chai và 3/4 số đó là ở các vũ trường, nhà hàng.
Rượu giả ngày càng đạt trình độ tinh vi với cả lưc lượng quản lý thị trường, muốn phân biệt được phải thông qua giám định vì vậy người tiêu dùng rất khó phát hiện được đâu là giả, đâu là thật, gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Thượng tá Bùi Văn Can, Phó trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Quản lý Kinh tế và Chức vụ (Bộ Công an) cho rằng, việc đấu tranh với các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhất là khi phát hiện ra số lượng lớn rượu có dấu hiệu vi phạm nhưng không thể đưa ra xử lý hình sự vì Viện kiểm sát yêu cầu phải đưa đi giám định từng chai, mất quá nhiều kinh phí và thời gian. Còn nếu chỉ phạt hành chính như hiện nay thì các đối tượng không "ngại" do lợi nhuận từ mặt hàng này lớn.
Ông Lưu Đức Thanh, Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ KH và CN) cũng cho biết, hành vi làm giả đồ uống là cực kỳ nghiêm trọng. Ở châu Âu nếu làm giả đồ uống đều bị xử lý hình sự còn ở ta các chế tài chưa đủ mạnh. Xử lý sản xuất rượu giả bằng xử phạt hành chính thì không ngăn chặn, răn đe được.
-
Trần Thuỷ