221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1114124
Chứng khoán Việt Nam đang gặp nhiều yếu tố bất lợi?
1
Article
null
Chứng khoán Việt Nam đang gặp nhiều yếu tố bất lợi?
,

 - Cũng có quan điểm là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không rút vốn khỏi thị trường nhưng ông Ken Tai Chee Ming, một trong 7 chuyên gia phân tích kỹ thuật giỏi nhất Singapore cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp nhiều yếu tố bất lợi.

Xu hướng giảm chung trên thế giới

Yếu tố đầu tiên mà ông Ken Tai nhắc tới là xu hướng giảm giá chung trên thị trường chứng khoán thế giới, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ mà hiện đang dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng gần 80 năm qua.

Mặc dù sự sụp đổ dây chuyền của hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước sẽ không ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng tác động gián tiếp của nó tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán các nước trong đó có Việt Nam thì không thể phủ nhận.

Theo ông Ken Tai, thị trường tài chính và chứng khoán quốc tế đã giảm rất mạnh trong thời gian vừa qua nhưng có thể còn giảm tới hết năm 2009. Dự đoán này được đưa ra dựa trên mức độ nghiêm trọng của đợt khủng hoảng lần này và độ dài trung bình của các đợt khủng hoảng lớn trong lịch sử (theo thống kê là 1 năm 11 tháng).

Hiện tại, mức tụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ 19 trên thế giới với mức mất điểm là 48,33%, so với mức cao nhất được ghi nhận tại Thượng Hải là 56%.

Lịch sử cho thấy, tại Mỹ cuộc khủng hoảng mà thị trường chứng khoán mất điểm nhiều nhất là vào năm 1928 với 87,7%, mất điểm ít nhất là vào năm 1966 với 22,3%.

>>>
Toàn cảnh khủng hoảng tài chính Mỹ 2008

Hiện tại các nhà đầu tư đang chờ đợi Hạ viện Mỹ sẽ thông qua gói giải pháp cứu thị trường tài chính như là một thông tin hỗ trợ để giúp thị trường hồi phục trong tuần tới sau khi giảm 31,67 điểm (tương đương giảm 6,55%) trong tuần này. (Ảnh: LAD)

Các chỉ số cơ bản không hấp dẫn

Yếu tố thứ 2 mà ông Ken Tai đưa ra là những chỉ số cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với các số liệu thu thập từ Bloomberg, chuyên gia phân tích hàng đầu tại Tập đoàn Chứng khoán Kim Eng cho biết trong buổi toạ đàm ngày 2/10 tại Hà Nội, chỉ số giá trên thu nhập cổ phiếu (P/E) trung bình của Sở GDCK TP.HCM tính tới ngày 29/9/2008 đang đứng ở mức 20,21 lần.

Đây là một chỉ số khá cao so với mức P/E trung bình thấp nhất và cao nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 7,64 và 20,37.

Trong khi đó, chỉ số P/B (thị giá/giá trị sổ sách) tại sàn chứng khoán TP.HCM tính tới ngày 29/9/2008 lên tới 3,65 lần, so với mức trung bình thấp nhất và cao nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 1,22 và 2,83 lần.

Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn bỏ ra đầu tư vào cổ phiếu tại sàn TP.HCM chỉ là 4,95%, so với mức lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay từ 16-18% và mức lạm phát tính tới hết tháng 9/2008 là 27,9% thì là quá thấp.

Các số liệu phân tích sàn chứng khoán Hà Nội cho thấy tới hết ngày 30/9/2008, P/E trung bình là 19,39%; P/B là 4,11 và tỷ suất lợi nhuận đồng vốn bỏ ra là 5,16%.

Cuối 2008: VN-Index dao động 400-500 điểm?

Một điểm mà ông Ken Tai khá lo lắng là đồ thị diễn biến chỉ số VN-Index có trong thời kỳ suy thoái vừa qua có rất nhiều nét giống với sự đi xuống của chỉ số NASDAQ của Mỹ năm 2000 khi nổ ra bong bóng công nghệ.

Khi đó chỉ số NASDAQ suy giảm từ 5.000 điểm và sau 3 lần bull-trap (hình thành 3 đỉnh giả) đã thiết lập một đáy mới là 2.000 điểm. Chỉ số này sau đó đã cố gắng tăng trở lại và liên tục thử ngưỡng bình quân 200 ngày (khoảng 2.500 điểm) nhưng đều không thành công và rốt cuộc đã giảm xuống thêm 20% (so với mức 2.000 điểm).

Tại sàn chứng khoán TP.HCM, chỉ số VN-Index từ mức hơn 900 điểm vào đầu năm đã xuống dốc và sau 3 lần bull-trap (xem biểu đồ) đã thiết lập một mức đáy là 366 điểm hồi cuối tháng 6. Trong vài tháng gần đây chỉ số này liên tục thử ngưỡng bình quân 200 ngày (ở mức trên 570 điểm) nhưng không thể xuyên qua được.

Theo ông Ken Tai, nếu kịch bản xảy ra giống như NASDAQ thì chỉ số VN-Index sẽ giảm trở lại và nếu phá đáy cũ (366 điểm) thì sẽ giảm thêm 20% nữa.

Mặc dù vậy, ông Ken Tai cũng cho rằng nếu kịch bản tồi tệ nói trên xảy ra thì nhiều khả năng không nằm trong năm 2008. Dự kiến chỉ số VN-Index sẽ nằm trong khoảng 419-493 điểm vào cuối năm 2008.

Biến động chỉ số VN-Index tính từ đầu năm tới hết 2/10/2008. (BĐ: Hà Linh)

Các cách tính và nhận định khác

Trái ngược với quan điểm của ông Ken Tai đến từ Công ty Chứng khoán Kim Eng, một số công ty chứng khoán khác cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tích luỹ để phát triển bền vững.

Trước đó, một số công ty chứng khoán nhận định chỉ số VN-Index của sàn chứng khoán TP.HCM sẽ dao động trong khoảng 550-600 điểm vào cuối năm 2008.

Hơn thế, theo tính toán sơ bộ của một số chuyên gia và khá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, chỉ số P/E trung của 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội không cao như tính toán của ông Ken Tai.

Một chuyên viên môi giới tại TP.HCM cho biết, chỉ số P/E trung bình của sàn chứng khoán TP.HCM tính tới cuối tháng 9/2008 tính theo lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) điều chỉnh nằm ở mức 13,8%, với sai số do các số liệu có thể chưa hoàn toàn chính xác là khoảng 15%.

Trong khi đó, theo tính toán của Công ty Chứng khoán VCBS, chỉ số P/E trung bình tính theo phương pháp bình quân gia quyền với trọng số là vốn hoá thị trường của 50 cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường (trên cả 2 sàn) tính đến ngày 1/10 là 10,23 lần. Chỉ số P/B trung bình của 50 cổ phiếu này cũng rất thấp, ở mức 1,91.

Đặc biệt, theo tính toán của một nhóm phân tích của một công ty trong lĩnh vực đầu tư ở Láng Hạ thì P/E trung bình của tất cả các cổ phiếu trên sàn TP.HCM không tính trọng số của quý II/2008 quy theo năm chỉ ở mức 7,9 lần.

Như vậy, có thể thấy nếu dựa trên những tính toán ngay ở trên thì giá cổ phiếu ở Việt Nam không phải hoàn toàn đắt.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay thì nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng thị trường còn lình xình và có thể còn giảm tiếp. Theo họ, sức cầu cổ phiếu gần đây đang có chiều hướng đi xuống. Khối các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm mua và tăng bán. Các tổ chức lớn trong nước cũng tăng cường bán ra trong khoảng 2 tuần gần đây…

Anh Hoàng Giang, một chuyên viên phân tích chứng khoán tại Hà Nội dự đoán, nhiều khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục đi xuống và có thể xuống tới dưới 400 điểm một chút. Sau đó sẽ dao động xung quanh mốc này trong một thời gian khá dài.

Hiện tại các nhà đầu tư đang chờ đợi Hạ viện Mỹ sẽ thông qua gói giải pháp cứu thị trường tài chính như là một thông tin hỗ trợ để giúp thị trường hồi phục trong tuần tới sau khi giảm 31,67 điểm (tương đương giảm 6,55%) trong tuần này.

  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,