221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1115030
Tăng giá điện sẽ phải cân nhắc nhiều khía cạnh
1
Article
null
Tăng giá điện sẽ phải cân nhắc nhiều khía cạnh
,

 - Chiều ngày 6/10, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến thời điểm này EVN chưa xây dựng xong dự thảo và cũng chưa nộp lên Bộ Công Thương phương án tăng giá điện.

"EVN không rõ các thông tin về phương án tăng giá điện từ đâu ra. Thông tin tăng giá đó có thể là một số ý tưởng của một số chuyên gia đưa ra. Còn cho đến thời điểm này EVN chưa có một đề xuất nào lên Chính phủ về việc này"- ông Tri nói.

Tuy nhiên, trao đổi về chuyện tăng giá điện, ông Tri cho rằng: EVN xây dựng cơ chế theo tiêu chí phù hợp cơ chế thị trường để làm sao các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể huy động vốn và phát triển các dự án điện. Nếu cơ chế giá điện không rõ ràng thì các nhà đầu tư sẽ không thu xếp được vốn vay.  Dự thảo của EVN có nhiều phương án.

"Chúng tôi cho rằng tổ công tác của Bộ Công Thương sẽ là người quyết định chứ không phải EVN. Chính phủ cũng có chỉ đạo chỉ trợ giá cho hộ tiêu dùng có thu nhập thấp và không có trợ giá cho người có thu nhập cao. Có nghĩa người nào sử dụng nhiều điện sẽ phải trả theo đúng giá quy định mà không có bù lỗ"- ông Tri cho biết.

Ông Đinh Quang Tri. (ảnh: moit)

Theo ông, nếu có một đề xuất tăng giá điện thêm 20% từ 2009  thì đề xuất đó có phù hợp?

- Hiện chúng tôi chưa có đề xuất nào như vậy. Việc tăng giá điện, Chính phủ sẽ phải nhìn nhiều khía cạnh. Đây là bước đi dài hạn chứ không phải chỉ riêng cho năm 2009.

Tôi nghĩ, mức tăng có thể dưới  20% hoặc bằng mức đó tùy vào tình hình cuối năm nay. Nếu chúng ta xử lý tình hình lạm phát tốt thì người dân có thể chấp nhận ở mức giá cao. Và nếu nhà đầu tư cảm thấy đầu tư vào được thì sẽ không thiếu điện. Còn nếu không thì nguy cơ thiếu điện sẽ không chỉ xảy ra trong trước mắt mà 5 – 7 năm sau vẫn diễn ra.

Tại Philippines chẳng hạn, khi Chính phủ không tăng giá điện, không điều chỉnh cơ chế kịp thời, khi thiếu điện đã buộc phải đưa một loạt các dự án chạy dầu BOT với giá thành rất cao vào vận hành. Giá điện của họ hiện trên 22 cent/kwh.

Nếu có chính sách huy động vốn tổng thể của tất cả các thành phần kinh tế và đưa ra một lộ trình để điều chỉnh từng bước, thu hút vốn và các thành phần kinh tế khác tham gia thì giá điện sẽ lên một cách từ từ hoặc điều chỉnh theo thị trường. Khi đó việc thiếu điện sẽ không xảy ra và giá điện ở Việt Nam sẽ cạnh tranh. Nếu cứ để thiếu điện rồi mới gấp rút đi xây nhà máy chạy dầu thì sẽ rất mệt.

Theo ông, để thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện thì giải pháp duy nhất là tăng giá bán điện?

- Tôi cho là mức giá tăng hoàn toàn không quan trọng. Quan trọng là họ xét cơ chế và thậm chí có khi phải giảm giá khi giá các yếu tố đầu vào giảm. Khi giá nguyên liệu tăng thì phải cho họ điều chỉnh. Họ cần nhất cơ chế chứ không phải là mức cam kết cố định về giá. Sau này, có thể giá nhiên liệu xuống thì họ sẽ giảm giá bán điện và ngược lại.

Rất nhiều dự án điện đang kêu có thể bị chậm tiến độ do thiếu vốn, sự khó khăn về vốn của EVN  đang ở mức nào, thưa ông?

Nhu cầu vốn của chúng tôi rất lớn. Hiện việc đi vay cũng rất khó do các ngân hàng không đủ vốn và lãi suất ngân hàng ở mức 21% thì hầu hết các doanh nghiệp không thể kinh doanh có lãi được. Tôi nghĩ nếu không có cơ chế cho các nhà sản xuất huy động vốn thì sẽ rất khó để có đủ điện.

Chính vì vậy cần có cơ chế giá điện để các nhà đầu tư, các công ty cổ phần, công ty tư nhân và cả các công ty nước ngoài bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Vì phải mất 4 – 5 năm mới xây xong một nhà máy. Nếu cơ chế không rõ ràng họ sẽ không bỏ tiền.

Trong khi đó, càng ngày thị trường vốn nước ngoài cho Việt Nam  vay càng khó do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính. Kể cả các ngân hàng lớn cũng bị khan hiếm về nguồn vốn. Họ cũng đưa ra các yêu cầu cao hơn. Người nào đi vay phải bảo đảm khả năng trả được nợ. Trước đây họ chỉ yêu cầu tỉ lệ tự đầu tư phải từ 25% trở lên, tỉ lệ thanh toán nợ từ 1,5 lần trở lên nhưng gần đây họ đưa ra thêm một loạt các yêu cầu khác như: tỉ lệ nợ đến hạn thanh toán chia cho lợi nhuận phải dưới 5 lần, lãi suất và phí cũng tăng lên

Cơ chế giá điện linh hoạt là yếu tố thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Ông đề cập đến cơ chế giá, vậy cơ chế đó cần đảm bảo những yêu cầu gì?

- Cơ chế đó là phải quy định rõ, giá bán lẻ sẽ được điều chỉnh như thế nào, ai sẽ là người quyết định. Mức giá bán lẻ phải được điều chỉnh trên cơ sở bù đắp được chi phí của nhà sản xuất. Hiện nay, không phải chỉ có EVN sản xuất điện, mà sắp tới chúng tôi chỉ chiếm tỷ lệ khoảng dưới 50% về cung cấp nguồn điện.

Với cơ chế này, mức tăng giá bao nhiêu không quan trọng, thậm chí có lúc phải giảm giá nếu như giá các yếu tố đầu vào giảm. Ví dụ như khi mua nhiên liệu với giá rẻ hơn,  doanh nghiệp điện phải giảm giá, còn khi phải mua nhiên liệu với giá cao hơn, thì cần cho phép người ta điều chỉnh giá điện theo hướng tăng lên, nếu không sẽ bị lỗ. Các nhà đầu tư đang rất cần cơ chế linh hoạt như vậy.

Cơ chế này sẽ khiến giá điện, nếu có tăng cũng sẽ tăng từ từ, và việc thiếu điện cũng không xảy ra. Chúng tôi hy vọng khi đưa được yếu tố cạnh tranh vào thì giá điện sẽ bình ổn hơn.

Cơ chế như thế liệu có phù hợp với thực tế độc quyền trong phần phối và truyển tài điện mà EVN đang nắm giữ?

- Nhà nước phải độc quyền trong khâu truyền tải điện và tổ chức thị trường mua bán điện. Vấn đề là ai sẽ là người thay mặt Nhà nước để làm điều đó? EVN sẵn sàng đề nghị Chính phủ tách công ty mua bán điện ra khỏi tập đoàn để thay mặt Chính phủ mua và bán điện.

Nếu lỗ thì Chính phủ sẽ bù, và nếu giá mua rẻ thì giảm giá cho người dùng điện. Chúng tôi rất muốn cơ chế đó. Tất nhiên, để cải tổ ngành điện thì cần phải có một lộ trình, bởi đối với ngành này nếu làm không cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng tới người dân. Đúng là để có giá điện linh hoạt là khó, nhưng không phải không làm được. Vừa rồi chúng tôi khảo sát ở một số nước như ở Philipines họ điều chỉnh giá bán lẻ điện từng tháng, ở Singapore cũng vậy, còn ở Thái Lan giá điện điều chỉnh 3 tháng/lần…

Việc tăng giá điện có thể sẽ sớm được quyết định nhưng người tiêu dùng rất muốn EVN công bố hoạch toán kinh doanh một cách minh bạch để làm cơ sở thuyết phục cho việc tăng giá, EVN có đáp ứng mong muốn rất chính đáng này, thưa ông?

Chúng tối rất muốn làm điều đó, hiện khâu phát điện đối với các nhà máy chúng tôi đã tách ra hết. Một loạt nhà máy đã cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khâu chuyền tải từ 1/7 cũng tách ra thành tổng công ty chuyển tải. Về mức phí chúng tôi cũng đề nghị cấp trên duyệt.

Các công ty phân phối hiện cũng hạch toán độc lập. Chi phí của họ kiểm toán cũng rất dễ. Cái  khó nhất hiện nay là công ty mua bán điện. Hiện chúng tôi phải mua của các nhà máy điện bên ngoài với giá rất cao nhưng phải bán lại cho các công ty điện lực với giá thấp. Đây là bài toán khó mà chúng tôi cũng muốn phải minh bạch.

Trong cơ chế giá điện sắp tới chúng tôi cũng đề nghị công ty mua điện rằng nếu họ mua trên thị trường điện lực mà giá lên thì phải điều chỉnh giá bán lẻ để họ có tiền trả điện cho công ty bán điện và ngược lại. Chúng tôi hy vọng đưa yếu tố cạnh tranh vào thì giá điện sẽ bình ổn lại.

Cảm ơn ông!

  • Phước Hà (thực hiện)

    Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,