- Ông Trần Ngọc Cảnh - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết, tập đoàn này đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc được tiếp nhận đầu tư xây dựng 13 dự án điện mà Tập đoàn Điện lực (EVN) trả lại.
"Chính phủ sẽ có kiểm tra năng lực thực tế để quyết định giao bao nhiêu dự án. Có thể sẽ không được giao tất cả nhưng giao bao nhiêu PetroVietnam cũng sẽ tiếp nhận và cố gắng hoàn thành"- ông Cảnh nói.
Theo ông Cảnh, hiện PetroVietnam đã có một Tổng công ty Điện lực Dầu khí quản lý 2.000 MW và đang triển khai nhiều dự án điện với công suất có thể lên tới 3000 - 4000 MW. Cho nên, không thể nói đơn giản là PVN thiếu năng lực và kinh nghiệm.
Về vấn đề vốn, ông Cảnh cho hay tuy việc lo đủ vốn sẽ rất khó khăn nhưng PetroVietnam đã có kinh nghiệm thu sếp vốn cho các dự án cực lớn. Cụ thể, tập đoàn này có nguồn vốn từ khai thác và kinh doanh dầu, nguồn vốn từ các đối tác, nguồn vốn từ các lĩnh vực kinh doanh khác..."Nếu được giao tôi tin là sẽ lo đủ"- ông Cảnh tự tin.
PVN có trong tay 2.000 MW từ các nhà máy nhiệt điện. (Ảnh: VNN)
Ông Cảnh nói thêm: "Tất cả 13 dự án mà EVN trả lại do khó khăn đều nằm trong quy hoạch Tổng sơ đồ điện 6. Nếu không triển khai sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế vì thiếu điện sẽ trầm trọng hơn. Những lúc kinh tế đất nước khó khăn, các tập đoàn lớn sẽ phải cùng nhau cố gắng để gánh vác cùng Chính phủ".
Bà Phan Thị Hòa - Ủy viên HĐQT PetroVietnam cũng cho rằng, việc PetroVietnam xin đầu tư các dự án điện không phải là vấn đề đột xuất. Hiện tại, các đơn vị của PVN đang quản lý 3 nhà máy điện và chuẩn bị triển khai các dự án lớn như: Thủy điện Luongphabang tại Lào, đầu tư với cổ phần chi phối vào các nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2, đầu tư Nhiệt điện Thái Bình.
-
Phước Hà