221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1114560
Châu Âu thêm chia rẽ trước giải pháp cứu thị trường
1
Article
null
Châu Âu thêm chia rẽ trước giải pháp cứu thị trường
,

Trước cận cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính, cuộc họp khẩn của Bộ trưởng Tài chính 27 nước trong Liên minh Châu Âu đã kết thúc đêm thứ Ba 7/10 chỉ để nhất trí về nguyên tắc, mà không đạt được một giải pháp chung nào. 

>>> Toàn cảnh khủng hoảng tài chính - ngân hàng 2008
>>> Theo dòng sự kiện cuộc khủng hoảng tài chính 2008

Các lãnh đạo châu Âu bước ra khỏi phiên họp thượng đỉnh với mỗi người một hướng nhìn. (Ảnh: Reuters)

Tiếp theo cuộc họp khẩn ở cấp thượng đỉnh ngày thứ Bảy 4/10 của 4 nước lớn nhất Liên minh Châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý), ngày thứ Ba 7/10 đã có cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính 27 nước thành viên trong liên minh, nhằm thống nhất những giải pháp cứu thị trường tài chính đang lâm nguy.

Cuộc họp ngày thứ Bảy của nguyên thủ 4 nước lớn dường như châu Âu đã thêm chia rẽ. Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã lên tiếng chỉ trích là 4 nước này không có quyền quyết định cho toàn bộ Liên minh châu Âu.

Cuộc họp ngày thứ Ba của các Bộ trưởng Tài chính – là cuộc họp đầu tiên của 27 nước từ khi khủng hoảng bùng nổ - cũng chỉ đi đến những đồng thuận về nguyên tắc, còn điều thị trường cần là những giải pháp thì lại không đạt được.

Trong khi đó, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu nào tích cực. Chứng khoán Châu Âu, sau đợt giảm lịch sử trong ngày thứ Hai, đã gần như đứng yên trong ngày thứ Ba để chờ đợi kết quả cuộc họp. Trong ngày, Iceland đã phải viện đến khoản vay khẩn cấp 5,4 tỉ USD từ Nga để cứu trợ ngân hàng lớn nhất nước này.

Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán tháo cổ phiếu của các đại gia ngân hàng châu Âu, gồm cả ngân hàng Barclays, ngân hàng Hoàng gia Scotland, và Deutsche Bank.

Mới chỉ thống nhất về quan điểm

Thứ nhất, các nước đồng thuận về sự cần thiết phải cứu thị trường. Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde tuyên bố “Chúng ta sẽ không chấp nhận một tình thế như Lehman Brothers”. Đại gia hàng đầu này của Mỹ đã phá sản ngày 15/9, làm cuộc khủng hoảng tài chính đột ngột tăng tốc, cũng là nguồn cơn gây căng thẳng giữa Mỹ và Châu Âu.

Thứ hai, các nước nhất trí cần phải nâng mức bảo hiểm tiền gửi ngân hàng, nhưng không thống nhất được về mức nâng. Chủ tọa cuộc họp, bà Bộ trưởng Tài chính Pháp, đề nghị nâng từ mức hiện tại 20.000 Euro lên 100.000 Euro, nhưng các nước nhỏ và nghèo hơn trong khối chỉ đồng ý con số 50.000 Euro. Trước đó, Ireland, Hy Lạp, và Đức đã theo nhau nâng bảo hiểm lên mức “không hạn chế”. Còn Tây Ban Nha và Áo cho biết ngay trong ngày thứ Ba họ đã tự nâng lên mức 100.000 Euro.

Thứ ba, các bên cũng nhất trí với từ “trừng phạt”, nghĩa là khi một tổ chức bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn nhất phải thuộc về lãnh đạo và cổ đông. Nếu tiền giải cứu của chính phủ sau này có mang lại lợi nhuận, thì lợi nhuận đó phải thuộc về người dân.

Thứ tư, cuộc họp đồng ý “linh hoạt hóa” qui định kế toán buộc các ngân hàng và công ty bảo hiểm thường xuyên định giá lại tài sản theo giá thị trường. Điều này giúp các ngân hàng tránh phải bán tháo tài sản khi thị trường đang rơi tự do, đồng thời giúp các tổ chức tài chính Châu Âu không bị bất lợi trước các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ, nước đã đi đầu hồi tháng 9/2008 với qui định tạm thời này. Các tổ chức sẽ được phép áp dụng “hồi tố” quy định này vào báo cáo quý 3/2008.

Bộ trưởng Tài chính Pháp: "Chúng ta sẽ không chấp nhận một tình thế như Lehman Brothers" (ảnh: AP)

Không thể thống nhất về hành động

Kết quả của cuộc họp ngày thứ Ba vẫn đúng như phát biểu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sau cuộc họp thứ Bảy tuần trước: “Mỗi nước sẽ tự áp dụng phương pháp và biện pháp của mình, nhưng trên tinh thần hợp tác.”

Tin đồn trên thị trường về gói giải cứu khoảng 400 tỉ Euro tương tự như của Mỹ đã không thành hiện thực, ít nhất là đến thời điểm kết thúc cuộc họp 27 nước. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã thẳng thừng từ chối khả năng này. Đức lo ngại mình sẽ phải là nước góp nhiều nhất, với vai trò nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.

Tuần trước, ý tưởng về gói giải pháp này được nêu ra đầu tiên ở Ý, tiếp theo là từ Bộ trưởng Tài chính Pháp. Tuy nhiên, trước sự phản đối của nhiều nước, chính Tổng thống Pháp đã phủ nhận việc ủng hộ giải pháp này.

Ngày thứ Ba, Tây Ban Nha tuyên bố sẽ lập một quỹ 30 tỉ Euro để mua các tài sản ngân hàng. Tuy nhiên, Thủ tướng nước này cho biết sẽ chỉ mua “những tài sản chất lượng cao nhất”. Một số ngân hàng cho vay địa ốc đã tỏ ra rất nghi ngờ về tác động tích cực có thể đến với họ.  

Cuộc họp cũng không cởi bỏ được quy định hạn chế khi cần chi ngân sách khẩn cấp. Cụ thể, các nước trong khối liên minh từ trước đến nay vẫn bị hạn chế ở mức thâm hụt ngân sách không quá 3% và nợ ngân sách không quá 60% GDP. Hiển nhiên điều này vượt quá quyền hạn của cuộc họp cấp Bộ trưởng.

Theo các chuyên gia, đến nay các nước trong Liên minh Châu Âu đã thấy rõ một điều: họ mới chỉ thống nhất về đồng tiền chung, nhưng còn rất xa để thống nhất về quyền lợi kinh tế và chính trị.  

  • Bùi Văn (tổng hợp IHT, FT)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,