- Chiều 8/10/2008, Hiệp hội Ngân hàng đã nhóm họp với các thành viên phía Bắc. Dù cuối buổi họp, không có một kết luận hay thỏa thuận nào được đưa ra nhưng các thành viên đều đã đạt được nhiều điểm chung trong việc giảm lãi suất huy động và điều chỉnh lại cơ cấu lãi suất.
Loại bỏ giải pháp "cấp cứu"
Trong cuộc họp chiều ngày 8/10, vấn đề mới nhất trong việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng chính là việc loại bỏ những kỳ hạn cực ngắn dưới 1 tháng, thậm chí theo ngày ra khỏi bảng lãi suất huy động. Và vấn đề mới này ngay lập tức đạt được sự đồng ý của nhiều thành viên.
Kỳ hạn cực ngắn theo tuần và ngày đã được loại bỏ. (Ảnh: VNN)
Theo các ngân hàng thì đây là điều cần thiết. Thực tế, trong thời kỳ ổn định, không có những kỳ hạn này trong bảng lãi suất của các ngân hàng. Tuy nhiên, khi bước vào khủng hoảng thanh khoản, các ngân hàng chấp nhận tất cả và đã ra đời các kỳ hạn cực ngắn với lãi suất cực cao. Điều này đã làm biến dạng cơ cấu lãi suất huy động thông thường nhưng các ngân hàng vẫn chấp nhận để tồn tại.
Bà Phạm Thị Chinh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) thì cho rằng, trong giai đoạn lạm phát, nhiều tổ chức phải áp dụng những kỳ hạn cực ngắn với lãi suất cao như là một giải pháp "cấp cứu".
Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế đã dần ổn định, tốc độ lạm phát chậm lại, thanh khoản của các ngân hàng đã tốt lên thì việc bỏ những kỳ hạn như thế là cần thiết vì nếu duy trì sẽ không tốt có sự bền vững của nguồn vốn. Thực chất, việc loại bỏ dần những kỳ hạn cực ngắn đã được các ngân hàng có nhiều cách ứng xử khác nhau tùy vào tiềm lực và thể trạng của ngân hàng. Việc này đã được loại bỏ dần từ một tháng trước đây. Nhưng với những diễn biến thuận lợi gần đây thì càng nhiều ngân hàng thực hiện việc loại bỏ và chắc chắn những kỳ hạn như thế sẽ không còn tồn tại trong bảng lãi suất.
Giai đoạn vừa qua, cơ cấu lãi suất ngân hàng Việt Nam lại có sự đảo ngược, cao và rất cao ở những kỳ hạn ngắn và thấp ở những kỳ hạn dài. Điều này được hiểu ở dưới hai góc độ. Thứ nhất, với tình hình lạm phát người gửi tiền cũng không dám gửi tiền dài hạn vì không biết diễn biến kinh tế sẽ đi về đâu. Thứ hai, ngân hàng cũng chỉ muốn đạt mục tiêu đảm bảo thanh khoản trong giai đoạn khủng hoảng, không dám huy động vốn dài hạn với lãi suất cao.
Hy vọng giảm tiếp lãi suất cho vay
Không chỉ vậy, sắp tới sẽ có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động, đồng thời điều chỉnh cơ cấu lãi suất theo hướng hợp lý hơn ở các ngân hàng. Nếu đạt được điều này, Hiệp hội Ngân hàng kỳ vọng, các ngân hàng sẽ tạo ra một mặt bằng lãi suất mới thấp hơn và từ đó có điều kiện hạ lãi suất cho vay với đối với doanh nghiệp.
Kinh tế ổn định, nguồn tiền vào nhiều, ngân hàng tính giảm mạnh lãi suất. Nguồn ảnh: LienViet Bank Thăng long
Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng đã giảm dần qua các tháng và đặc biệt là tháng 9 thì chỉ số này tăng thấp nhất là 0,18%. Với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng như vậy, thì việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động vào thời điểm này là hợp lý bởi xét về quyền lợi người gửi tiền thì hiện nay phần lớn các khách hàng đều gửi tiền từ kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống, và với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng như tháng 9 vừa qua thì với mức lãi suất hiện nay khoảng 1.4%/tháng và với các kỳ hạn ngắn thì người gửi tiền vẫn được lãi suất thực dương.
Kể từ ngày 01/10/2008, Ngân hàng TMCP Liên Việt cũng đã hạ lãi suất cho vay xuống còn 18%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khối Ngân hàng TMCP hiện nay. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng cho biết việc hạ lãi suất nhằm hưởng ứng giải pháp chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ của NHNN, ưu tiên chống lạm phát nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong hoạt động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN trong cơn bão tài chính. Đồng thời, việc hạ lãi suất lần này cũng là nhằm hiện thực hóa chiến lược khách hàng mục tiêu trong tương lai.
"Hơn nữa, tính thanh khoản của các ngân hàng hiện nay đang khá tốt, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng lên trong giai đoạn cuối năm, vì vậy, để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp thì các ngân hàng hạ lãi suất huy động để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay là cần thiết"- ông Thắng nói tiếp.
Ông Thắng cho biết, trong giai đoạn hiện nay Techcombank sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất giảm đối với các kỳ hạn ngắn và duy trì mức lãi suất mức lãi suất hợp lý đối với các kỳ hạn dài trên nguyên tắc vẫn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Chính sách lãi suất này sẽ được điều chỉnh linh hoạt căn cứ vào tình hình thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô và nhu cầu vốn phục vụ khách hàng.
Bên cạnh lý do trên, bà Phạm Thị Chinh cho biết, trước diễn biến phức tạp của việc đầu tư vào thị trường bất động sản, chứng khoán thì xu hướng đầu tư vốn vào các ngân hàng đang có chiều hướng tăng, đặc biệt từ đầu tháng 9/2008 đến nay. Vì thế, việc giảm lãi suất là đi sát với những tín hiệu của thị trường.
Ngay sau khi trở về từ cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng, BIDV đã có quyết định giảm lãi suất huy động. Theo đó, việc giảm lãi suất lần này điều chỉnh giảm sâu hơn các lần giảm trước và nhất là ở những kỳ hạn dưới 3 tháng. Việc điều chỉnh hướng dần đến thông lệ là lãi suất kỳ hạn dài cao hơn các kỳ hạn ngắn.
Mức giảm của BIDV đối với những kỳ hạn dưới 3 tháng lên đến vài phần trăm. Cụ thể, từ mức 17,2 - 18% trước đây xuống còn 15%. Kỳ hạn 3 - 12 tháng xuống còn 16,5%, trên 12 tháng đến 24 tháng là 17% và trên 24 tháng là 17,3%. Lãi suất USD cũng được điều chỉnh giảm: dưới 3 tháng là 3%, đến 12 tháng là 4,5% và cao nhất là trên 24 tháng cũng chỉ là 4,9%.
Trong tuần đầu tháng 10/208, Ngân hàng Á Châu đã hai lần giảm lãi suất. Các ngân hàng khác như cổ phần Sài Gòn (SCB), Quân đội cũng đã giảm lãi suất huy động.
Nguồn cung USD tăng mạnh Hiện nay, các ngân hàng đang phải tìm cánh xử lý với việc dư giả nguồn vốn USD. Ngoài việc huy động trong nước dễ dàng thì nguồn tiền rút từ nước ngoài về để đảm bảo an toàn trước khủng hoảng khiến cho nguồn cung USD tăng lên. Các ngân hàng hiện nay đều muốn giảm lãi suất USD và chắc là sẽ điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, vấn đề USD trong cuộc họp Hiệp hội Ngân hàng chiều 8/10 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Rõ ràng, các ngân hàng đang bắt đầu có một đợt hạ lãi suất huy động mới. Mặt bằng lãi suất mới có thể ở mức 17,5% so với mức 18% hiện nay. Đó là mức hạ rất nhiều so với đỉnh 19% trước đây.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu người gửi tiền có bị thiệt khi lãi suất hạ mà lạm phát vẫn còn cao, ông Phạm Quang Thắng phân tích, với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng như tháng 9/2008 vừa qua thì với mức lãi suất hiện nay khoảng 1,4%/tháng, người gửi tiền vẫn được lãi suất thực dương.
Việc giảm và cơ cấu lại lãi suất lần này sẽ khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng giảm bớt. Điều này mở ra khả năng cho việc giảm lãi suất đầu ra.
Tuy nhiên, việc bao giờ diễn ra một đợt giảm lãi suất đầu ra mới thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo bà Chinh, đợt giảm lãi suất vừa rồi các ngân hàng đã đi trước thị trường. Giảm lãi suất cho vay khi lãi suất đầu vào chưa hạ, trong khi những hỗ trợ từ việc tăng lãi suất dự trữ và sử dụng tín phiếu là không đáng kể. "Hạ lãi suất lần này, trước hết các ngân hàng có cơ hội cân đối lại rồi tính tiếp. Và rất có thể, khi diễn biến kinh tế tốt hơn, ngân hàng lại có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay một lần nữa"- bà Chinh nói.
-
Phước Hà