221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1116712
Hạ lãi suất tiền gửi vì ngân hàng khó đầu ra
1
Article
null
Hạ lãi suất tiền gửi vì ngân hàng khó đầu ra
,

 -  Dù tốc độ tăng nguồn vốn huy động tiền đồng mấy tháng nay vẫn ở mức thấp, nhưng các ngân hàng vẫn liên tục giảm lãi suất (LS) tiền gửi. Một trong những nguyên chính là ngân hàng vừa bị hạn chế, vừa khó cho vay vốn.

Có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục hạ LS huy động tiền đồng trong thời gian qua,  nhưng có nguyên nhân là sự dè dặt  tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn hiện nay. Rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường… do lạm phát trong nước cao, ảnh hưởng khủng hoảng tài chính Mỹ làm khả năng trả nợ của khách hàng giảm sút khiến các NH không muốn đẩy mạnh cho vay mà chú trọng vào việc bảo đảm an toàn hoạt động.

Phó Tổng giám đốc một NHTM (xin giấu tên) nói: “Tiền gửi vào chúng tôi trong 3 tháng gần  đây sụt giảm trung bình vài trăm tỷ đồng/tháng, nhưng chúng tôi vẫn hạ LS huy động, không cho vay ra được nhiều, tội gì phải trả LS cao để lỗ” . 

Ông Kiều Trọng Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng: “Giảm LS huy động để giảm áp lực LS cho vay, mặt khác không nên để LS tiền gửi cao khiến một số doanh nghiệp không muốn đưa vốn vào sản xuất - kinh doanh mà lại gửi NH lấy lãi”.

Chứng khoán và bất động sản ảm đạm, tiền chỉ còn kênh gửi ngân hàng (ảnh minh họa: KLS)
Mặt khác, NH nào cũng chỉ muốn cho vay khách hàng tốt, nhưng khách hàng tốt thì chỉ vay khi LS ở mức hợp lý (chỉ có khách hàng xấu là vay bằng mọi giá). Vì vậy để có vốn rẻ khuyến khích  nhu cầu vay của DN tốt thì phải hạ LS huy động.  So sánh mức LS huy động cao nhất tại thời điểm hiện nay với cách đây 2 tháng thì LS tiền gửi của NHTM Nhà nước đã giảm 1%/năm và của NHTM cổ phần giảm 1,15%/năm. 

Trong những tháng tới, mặc dù nhu cầu vốn cuối năm theo quy luật bao giờ cũng tăng cao,  nhưng nếu tình hình chứng khoán và bất động sản vẫn ảm đạm như hiện nay, thì dòng tiền vẫn vào ngân hàng mà không còn kênh đầu tư khác. Vì vậy, LS huy động có thể vẫn tiếp tục giảm.

Chưa dám hạ lãi suất huy động ngoại tệ

Huy động ngoại tệ tại nhiều NHTM đến cuối tháng 9/2008 có dấu hiệu dư thừa. Tháng 4 và 5/2008 do nhu cầu vốn các NH đã đẩy LS huy động USD lên mức rất cao (từ 6,2%-8,5%/năm). Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay do nguồn tiền gửi ngoại tệ tăng khá lớn, việc cho vay ngoại tệ lại hạn chế (do đối tượng được vay thu hẹp, nền kinh tế giảm nhập siêu) vì vậy  các NH đã giảm  dần LS huy động xuống mức phổ biến hiện nay là 5%-5,4%/năm. Theo một số NHTM Nhà nước  thì nên có sự đồng thuận trong Hiệp hội Ngân hàng để hạ mặt bằng LS huy động USD xuống chỉ ở mức trên 2%/năm. Tuy nhiên, đại diện một số NH khác không tán thành.

Phó Tổng Giám đốc một NHTM cổ phần nói: " Mặc dù có hiện tượng thừa nguồn USD tại một số NH nhưng đây chỉ là hiện tượng tạm thời. Diễn biến về nguồn vốn ngoại tệ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính lan rộng hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bất ngờ. Chúng tôi có thông tin là các NH thế giới hiện nay rất khó vay trên thị trường liên NH. Ai cũng lo phòng thân cả. Nếu có vấn đề gì về ngoại tệ trong nước thì các NH Việt Nam cũng khó tiếp cận được vốn cho vay của NH nước ngoài vì xếp hạng tín nhiệm của ta còn thấp. Vì vậy, chưa nên hạ tiếp LS ngoại tệ trong lúc này, phải để xem diễn biến tình hình vài tuần nữa".

Mấy ngày nay, vài NH đã cân nhắc tăng lại LS huy động USD, ngày 9/10 Eximbank tăng lãi suất huy động USD khoảng 0,25%-0,5%/năm so mức cũ, tuỳ theo từng kỳ hạn. Hiện mức LS huy động USD cao nhất của NH này là 6%/năm. 

Lãi suất cơ bản có thể giảm nhẹ?

Tại 2 cuộc họp thành viên Hiệp hội Ngân hàng tại Hà Nội và TP. HCM vừa qua, đa số các ngân hàng đề nghị giữ nguyên lãi suất cơ bản (LSCB) ở mức 14%/năm trong những tháng còn lại của năm 2008. Lý do đưa ra là lạm phát tính theo năm của Việt Nam vẫn ở mức cao, cần hỗ trợ các NHTM giảm lỗ, giảm rủi ro và đa dạng hóa khách hàng (có khách hàng có thể cho vay LS thấp, nhưng có đối tượng khách hàng xếp hạng tín nhiệm thấp hơn phải chịu LS cao hơn).

Hạ LSCB để “ép” lãi suất cho vay xuống, hay giữ nguyên mức LSCB để đỡ khó khăn cho NH?  Tổng giám đốc một NHTM cổ phần nói: “Hệ thống NH có mạnh thì nền kinh tế mới khỏe. Khủng hoảng tài chính Mỹ là một ví dụ. Nếu NH có vấn đề gì là nền kinh tế “chết” nhanh hơn. Vì vậy, Chính phủ phải ưu tiên bảo vệ ngân hàng trước”.

Tuy nhiên, có ý kiến lại  cho rằng hỗ trợ các NH giảm chi phí để giảm LS cho vay bằng các giải pháp tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, cho phép sử dụng tín phiếu bắt buộc trên thị trường mở… thì chưa có tác động làm giảm LS cho vay ngay bằng hạ LSCB.

Thêm nữa, trong mấy ngày qua, Ngân hàng Trung ương của Mỹ, Úc, Anh, châu Âu, Canada, Thuỵ  Điển, Trung Quốc… đã đồng loạt giảm lãi suất cơ bản để giải quyết những vấn đề khó khăn của nền kinh tế mỗi nước trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang lan rộng ra toàn cầu. Đây cũng là một động thái đáng chú ý và có thể có những tác động nhất định đến việc điều hành lãi suất thời gian tới của Việt Nam.

Một nhà đầu tư nói: “Với giá nguyên, nhiên liệu đầu vào trên thế giới đều giảm,  nền kinh tế toàn cầu tăng chậm thì áp lực chống lạm phát rõ ràng là không còn nhiều. Việc NHNN giảm lãi suất cơ bản trong giai đoạn tới là tất yếu để tạo sức bật cho nền kinh tế”. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì cho rằng đúng ra nên duy trì mức LSCB ở mức như hiện nay cho đến hết năm 2008, tuy nhiên để dung hòa lợi ích của các bên và phù hợp với diễn biến của lạm phát cũng như tình hình tài chính thế giới thì có thể nên hạ LSCB xuống  mức 13,5%/năm là hợp lý.

  • Trịnh Ngọc Lan
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,