221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1117058
Chứng khoán tuần mới: sẽ nhiều bất ngờ
1
Article
null
Chứng khoán tuần mới: sẽ nhiều bất ngờ
,

- Thị trường chứng khoán tuần mới sẽ phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư tiếp tục phản ứng với tình hình tài chính quốc tế.

Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa tại mức 379,06 điểm, giảm 73,08 điểm (tương đương 16,16%) so với phiên đóng cửa cuối tuần trước đó. Giá chỉ còn cách 13 điểm so với mức đáy cũ ngày 20/6/2008. Đa số cổ phiếu đã giảm giá nhiều so với tuần trước nữa, trung bình 25% nên khối lượng giao dịch (KLGD) tuy tăng nhưng giá trị giao dịch (GTGD) lại giảm. Tổng KLGD toàn thị trường đạt hơn 76,5 triệu đơn vị, tương ứng 2,300 tỷ đồng, tăng 12,32% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tuần giảm 8,29%.

Cùng chung xu thế, HaSTC-Index chốt tuần dừng lại ở mức 119,87 điểm, đánh mất 32,15 điểm tương đương với 21,15%. Bình quân có 9,3 triệu chứng khoán giao dịch mỗi phiên, tương ứng 291 tỷ đồng.

Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài hầu như bán ra liên tục với bán ròng đạt 308 tỷ đồng, tính lũy kế đến cuối tuần.

Chứng khoán tuần mới: Phần thưởng cho những người kiên nhẫn?

Bất chấp các nỗ lực không mệt mỏi của các chính phủ, thế giới tuần qua là một trong những tuần đen tối của lịch sử tài chính, khi các thị trường đều giảm rất sâu. Gói cứu trợ 700 tỷ USD, tưởng như một phao cứu sinh, nhưng đã không phát huy tác dụng. Sáng 10/10/2008, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước cắt giảm lãi suất.  Tất cả những nỗ lực đó như “muối bỏ bể”, không thể làm yên lòng được giới đầu tư đang quá lo sợ về đổ vỡ thị trường toàn cầu.

Vấn đề của thị trường thế giới là khủng hoảng lòng tin. Cổ đông thì đổ xô đi bán cổ phiếu. Người gửi tiền thì đổ xô đi rút tiền gửi. Cả thế giới tài chính cuồng loạn trong vòng xoáy đi xuống.

Khủng hoảng lòng tin và thiếu vắng chuyên gia

Theo các chuyên gia, sở dĩ TTCK Việt Nam tuần qua giảm điểm liên tục là do sự lo lắng về khủng hoảng của nền kinh tế thế giới sẽ có tác động đến Việt Nam và một số nhận định không khả quan của giới đầu tư vào báo cáo sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III.

Chính tại thị trường Việt Nam đang có một cuộc khủng hoảng lòng tin. Một nhà đầu tư nói: “Không thể bình tĩnh ôm cổ phiếu trong khi nhiều báo liên tục đưa ra nhận định của người này người kia về P/E thị trường quá cao, tình hình của nhiều công ty sẽ không khả quan do khó khăn vĩ mô từ những tháng trước đem lại. Tuy nhiên, có điều lạ là có quá nhiều cách tính toán mà chúng tôi không biết tin vào tính toán nào là đúng.”

Chúng ta đang thiếu những tiếng nói của các chuyên gia có uy tín. “Đến nỗi một nhà đầu tư nước ngoài đến PR cho công ty của họ, phát biểu rằng thị trường sẽ xuống, thế là cả thị trường đổ xô đi bán”. Vắng bóng những chuyên gia nội địa thực sự hiểu thị trường, đưa ra các nhận định có căn cứ tính toán khoa học để các nhà đầu tư tham khảo. Chính vì nhà đầu tư không biết tin vào đâu nên họ càng lo ngại, càng mong muốn bán ra.

Phần thưởng cho người kiên nhẫn?

Tuần mới, cả thế giới và Việt Nam hồi hộp mong chờ xem liệu các biện pháp được thông qua trong cuộc họp khối G7 và khối G20 (20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) sẽ phát huy tác dụng không. Thị trường chứng khoán tuần mới sẽ phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư tiếp tục phản ứng với tình hình tài chính quốc tế.

Viễn cảnh xấu nhất là thị trường tài chính quốc tế tiếp tục lao dốc,  ngày càng tồi tệ hơn, xác lập những đáy mới. Điều này có nghĩa là các gói cứu trợ thị trường của các chính phủ không phát huy được tác dụng. Khi đó chắc chắn TTCK sẽ tiếp tục giảm theo, với lo sợ của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Viễn cảnh tốt hơn là TTCK thế giới giảm đà lao dốc, đi ngang, có nghĩa ra tâm lý nhà đầu tư được ổn định lại, chắc chắn TTCK Việt Nam sẽ khôi phục ngay lại lực cầu. Thị trường hiện tại đã quá thấp, xấp xỉ đáy tháng 6, trong khi các yếu tố vĩ mô tốt hơn nhiều. Rõ ràng, nhà đầu tư sẽ làm phép so sánh và sẽ thấy nên mua vào hơn là bán ra.

Việc bán ròng mạnh của NĐT nước ngoài trong tuần qua sẽ có ảnh hưởng nhất định tới nhà đầu tư trong nước, cũng như lượng tiền có sẵn trên thị trường. Nếu NĐT nước ngoài tuân theo chiến lược của các công ty mẹ tại thị trường quốc tế, tức là chuyển bớt cổ phiếu thành tiền mặt, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới động lực tăng của TTCK Việt Nam.

Bán thời điểm này có nghĩa là nhiều NĐT nước ngoài chính thức chấp nhận lỗ lớn tại thị trường VN. Theo một báo cáo gần đây, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã lỗ tới 40-50% khi so với khi thị trường ở thời kỳ đỉnh cao.

Tuần mới là tuần nhạy cảm với UBCKNN, nếu như thị trường tiếp tục phá đáy mới, có lẽ cơ quan quản lý này nên có các biện pháp hành chính cần thiết để ổn định tâm lý thị trường. Mặc dù, “TTCK Việt Nam đủ sức chống đỡ trước cơn bão ngoại”, nhưng việc ngày nào thị trường cũng giảm hết biên độ, rõ ràng chúng ta không thể ngồi yên. Sẽ là oan uổng cho các cổ đông khi chỉ vì yếu tố tâm lý mà cổ phiếu của họ mất giá trị hàng ngày. UBCKNN không thể đứng ngoài nếu thị trường chứng khoán khủng hoảng (suy thoái kéo dài), trong khi các quốc gia trên thế giới đều có động thái cần thiết để vực dậy thị trường.

Thị trường đang ở mức rất thấp, gần tiếp cận đáy 366 điểm cuối tháng 6/2008. Thị trường sẽ phá đáy cũ, tiếp tục đi xuống hay sẽ đảo chiều đi lên? Tình hình vĩ mô trong nước hiện tại đã tốt hơn nhiều so với thời điểm cách đây 4 tháng, trong khi báo cáo quý III sắp ra sẽ là yếu tố kéo nhà đầu tư trở lại giao dịch. Chắc chắn thị trường sẽ sôi động, có khả năng sẽ đảo chiều đi lên nếu thị trường quốc tế có tin tốt.

  • Trần Long
    Ý kiến bạn đọc:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,