- Giá xăng ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một điều còn quan trọng hơn, đó là sự minh bạch để yên lòng dân.
Theo một số thông tin khác trên báo chí, nếu giá dầu thô dao động quanh mức 80-90 USD/thùng thì với giá bán hiện nay doanh nghiệp lãi 1.500 - 2.000 đồng/lít xăng.
Còn theo một tính toán khác, với giá nhập khẩu xăng tại Singapore ngày 13/10 ở mức 86,2 USD/thùng và giá bán lẻ hiện tại ở Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ có lãi khoảng 3.000 đồng/lít.
Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày hôm qua 14/10 có bài phỏng vấn Phó Tổng giám đốc Petrolimex, trong đó ông Vương Thái Dũng nói từ lần điều chỉnh giá xăng ngày 8/10 vừa qua, doanh nghiệp chỉ còn lãi từ 100 - 200 đồng/lít xăng.
Vậy con số nào là con số đúng? Tại sao không có một con số chính thức nào được công bố?
Năm 2007, Việt Nam nhập và tiêu thụ 3,296 triệu tấn xăng. Tính ra bình quân mỗi ngày các doanh nghiệp bán ra khoảng 12 triệu lít xăng. Còn ước tính năm 2008 thì mỗi ngày số xăng bán ra khoảng 13 triệu lít. Chênh lệch giữa hai con số tiền lãi 200 hay 3.000 đồng/lít cũng là chênh lệch hơn 36 tỉ đồng mỗi ngày!
Giá xăng bán FOB tại Singapore từ 7/10/2006 đến 7/10/2008 (Số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ)
Tiền là tiền của ai?
Ông Vương Thái Dũng cho biết, chỉ riêng với Petrolimex, tổng số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng từ năm 2007 đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng.
Petrolimex, cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu khác, đều là doanh nghiệp Nhà nước. Tiền lỗ của Petrolimex chính là tiền lỗ của Nhà nước, hay nói chính xác là tiền của toàn dân.
Cơ chế bù giá vừa qua cũng thể hiện rõ điều này. Để bù cho khoản lỗ 3.000 tỉ đồng của các doanh nghiệp trong thời kỳ giá xăng dầu tăng trước ngày 21/7, Nhà nước đã quyết định cho các doanh nghiệp đầu mối vay và sẽ trả lại 1.000 đồng trên mỗi lít xăng bán ra, dự kiến trong vòng tám tháng, khoản tiền bù lỗ sẽ được giải quyết xong. Dự kiến đó dựa trên cơ sở giá dầu thế giới lúc đó.
Nhưng trong bối cảnh thị trường thế giới đang chao đảo hỗn loạn như hiện nay, không ai có thể nói trước giá dầu thế giới ngày mai sẽ lên hay xuống. Các thông tin đang biến động liên tục, không phải từng ngày mà là từng giờ.
Khối OPEC vừa thông báo sẽ thảo luận về hạn chế sản lượng, giá lên. Lo ngại kinh tế thế giới suy thoái, giá xuống. Có tin các nước châu Âu đã tìm được giải pháp cho khủng hoảng, giá lại lên.
Liệu giá bán tại các cây xăng sẽ chạy theo thế giới từng ngày, từng tuần, hay từng tháng?
Trả lời phỏng vấn VietNamNet ngày 23/9, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá đã khẳng định: Dù vận hành theo giá thị trường nhưng xăng dầu vẫn là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, chịu điều tiết bởi các biện pháp bình ổn của Nhà nước. Tổ giám sát liên bộ (Công Thương - Tài chính) sẽ kiểm soát các yếu tố hình thành giá và yêu cầu doanh nghiệp phải bán theo giá hợp lý.
Hồi tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, giá dầu thế giới không phải là yếu tố duy nhất để quyết định giá bán lẻ xăng dầu.
Thế nhưng đến nay chưa thấy cơ quan quản lý nào hay doanh nghiệp nào công bố về cơ cấu các yếu tố hình thành giá bán.
Giá dầu thô trên thị trường New York từ tháng 10/2006 đến 14/10/2008 (nguồn: Thomsons Data) |
Có những điều còn quan trọng hơn tiền
Ông Phó Tổng giám đốc Petrolimex tiết lộ, Bộ Tài chính dự kiến từ ngày 15/10/2008, sẽ điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xăng từ 5% lên 10%, dầu diezel đang là 0% sẽ tăng lên 5%, dầu hoả đang từ 5% sẽ tăng lên 15%, dầu mazut sẽ tăng từ 0% lên 7%. Nếu các doanh nghiệp (hay Nhà nước) tăng giá xăng, tất cả những người dân đều lo lắng và bức xúc. Nếu giá xăng giảm nhưng khoản lỗ 3.000 tỉ đồng để mãi đó, những người dân đóng thuế cũng lại lo lắng và bức xúc. Có lẽ những lo lắng và bức xúc đó còn quan trọng hơn cả việc mỗi lần ghé vào cây xăng, mỗi người dân phải trả thêm hay bớt vài ngàn đồng. Và còn lo lắng bức xúc hơn nữa, đó là con số chênh lệch 36 tỉ đồng mỗi ngày, do các nguồn tin khác nhau như đã nói ở trên. Giải pháp là gì? Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển ngày 14/10 đã một lần nữa lên tiếng: “Nên công khai việc bù lỗ xăng dầu.” Một công ty cổ phần vốn đại chúng, có vài trăm cổ đông, theo qui định của pháp luật đã phải công bố thông tin. Những doanh nghiệp nhà nước có 86 triệu người dân Việt là cổ đông, càng phải công khai nhiều hơn.
Nếu doanh nghiệp không chịu công bố vì là “bí mật kinh doanh”, thì cơ quan quản lý giá cần phải công bố, ít nhất là một khung giá thành chuẩn, với đầy đủ các yếu tố cấu thành. Đặc biệt vào thời điểm này, khi giá xăng vẫn còn được nhà nước can thiệp, và các doanh nghiệp đầu mối vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Đó không chỉ là để thị trường khỏi phải đoán già đoán non. Quan trọng hơn, đó là để người dân biết tiền xăng và tiền thuế của mình đang được sử dụng hợp lý hay không. Cũng không chỉ là xăng dầu, điều này cũng cần áp dụng cho các mặt hàng khác mà còn thuộc quyền kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.