221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1118172
Không chờ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vẫn giảm mạnh
1
Article
null
Không chờ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vẫn giảm mạnh
,

- Không nhất thiết phải chờ giảm lãi suất cơ bản mới giảm được lãi suất thương mại. Các ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động.

Giảm lãi suất: Thêm nhiều ngân hàng vào cuộc

Cuối tuần qua, nhiều ngân hàng lớn nhỏ lại tiếp tục công bố giảm lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh lãi suất dường như không cần phải quá phụ thuộc vào tín hiệu lãi suất cơ bản từ Ngân hàng Nhà nước. Ngày 11/10, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm lên tới 1,3%/năm, lãi suất cho vay VND ngắn hạn sẽ được VietinBank điều chỉnh từ 19,5%/năm xuống còn 18,2%/năm.

Các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất để cung vốn ra thị trường. (Ảnh: thuongmai.vn)

Đối với các khách hàng có uy tín trong quan hệ tín dụng với VietinBank, khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trọn gói của VietinBank đang kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng có thể được xem xét áp dụng mức lãi suất bằng hoặc thấp hơn mức ưu đãi của các ngân hàng khác (17,5%/năm). Khách hàng truyền thống có sử dụng dịch vụ trọn gói của VietinBank hưởng lãi suất chiết khấu USD thấp nhất là 7%/năm.

VPBank cũng đã công bố mặt bằng lãi suất cho vay mới từ 13/10. Theo đó, lãi suất cho vay được ấn định linh hoạt tùy theo từng đối tượng khách hàng trên cơ sở xem xét tính khả thi của dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng. 

Ông Lê Đắc Sơn – Tổng Giám đốc VPBank - khẳng định lãi suất cho vay của VPBank kể từ 13/10/2008 thấp nhất sẽ là 18%/năm. Thời gian gần đây, VPBank đã từng bước điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Với một biểu lãi suất huy động có tính cạnh tranh trên thị trường cùng với mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, thủ tục giải ngân nhanh chóng, linh hoạt, đang có những bước đi thiết thực nhằm hỗ trợ các DN. Trước đó, ngày 30/9/2008, VPBank cũng khẳng định sẽ dành 2.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm nhằm đẩy mạnh tín dụng cho các đối tượng khách hàng mục tiêu của VPBank.

Trước đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã triển khai chương trình lớn về “Tài trợ xuất khẩu bằng VND” áp dụng đối với các khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu được ABBANK cấp hạn mức tài trợ xuất khẩu. Theo đó, ABBANK sẽ tài trợ ngay bằng VND khi doanh nghiệp có Hợp đồng xuất khẩu hoặc L/C xuất khẩu với mức lãi suất cho vay USD đang áp dụng hiện nay là 8-9%/năm.

Đồng thời, ABBANK cam kết sẽ mua lại ngoại tệ từ hợp đồng xuất khẩu theo tỷ giá tại thời điểm Ngân hàng giải ngân, giúp doanh nghiệp tránh rủi ro do biến động tỷ giá. ABBANK sẵn sàng tài trợ dựa trên các phương thức thanh toán quốc tế khác nhau như: L/C, D/P, D/A, CAD…. Tổng mức hỗ trợ xuất khẩu lên tới 1000 tỉ đồng, ABBANK ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu như: gạo, thuỷ sản, gỗ, cao su, may mặc...

Cũng trong thời gian này, ABBANK đã điều chỉnh lãi suất mới cạnh tranh nhằm đem lại ưu đãi tốt nhất dành cho doanh nghiệp đối với các khoản vay ngắn hạn. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, ABBANK hiện đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi là 19%/năm đối với VND và 8,00%/năm đối với USD (giảm từ 0,5 – 1,25% so với mức cũ).

Theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank, để đáp ứng nhu cầu vay vốn theo quy luật thường tăng cao vào những tháng cuối năm, các ngân hàng đã chuẩn bị nguồn vốn huy động khá dồi dào. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay còn đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp, cá nhân phải tính toán kỹ lưỡng khi quyết định vay vốn. Bởi vậy, việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay sẽ giúp các cá nhân tiết kiệm chi tiêu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tạo cơ sở để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Có nhất thiết phải giảm lãi suất cơ bản?

Hiện nay, các DN gần như đang kiệt sức vì thiếu vốn, ngân hàng đang khó khăn với nguồn vốn lãi suất cao đang lớn lên. Trong khi đó, tín hiệu kinh tế vĩ mô ngày càng khả quan, nhất là mục tiêu được ưu tiên kiềm chế lạm phát đã được thực hiện có hiệu quả thì nhiều ý kiến đã đề xuất nên giảm lãi suất cơ bản để tạo ra một mặt bằng lãi suất mới trên thị trường.

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, đừng vội lạc quan với lạm phát. Lạm phát mới chậm lại nhưng vẫn còn tăng và chắc chắn còn tăng trong những tháng cuối năm và chưa thể buông lỏng các chính sách kiềm chế lạm phát. Việc hỗ trợ DN là cần thiết nhưng cần ứng phó linh hoạt bằng nhiều biện pháp hơn là việc giảm lãi suất cơ bản.

Ngân hàng trước hết vì lợi ích và an toàn của mình để thực hiện các chính sách lãi suất. (Ảnh: VIB)

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái tăng lãi suất dự trữ bắt buộc và cho vận động khối tín phiếu bắt buộc để tạo vốn, một quan chức Ngân hàng Nhà nước đã cho rằng, ưu tiên kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu lớn của Chính phủ và chỉ đạo đó chưa có thay đổi. Ngân hàng Nhà nước đã có những tín hiệu linh hoạt để hỗ trợ các ngân hàng và từ đó tạo điều kiện hỗ trợ DN. Việc giảm lãi suất hay không là câu chuyện vi mô giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Vậy có cần thiết phải hạ lãi suất cơ bản các ngân hàng mới có điều kiện hạ suất? Giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cho rằng các ngân hàng tính toán giảm lãi suất hay không là tùy thuộc vào thực tế của mình và điều kiện của khách hàng. Lãi suất cơ bản chỉ là cái khung quy định trần thì không có gì ngăn cản các ngân hàng giảm lãi suất.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, đối với việc giảm lãi suất cho vay thì khá dễ vì điều này nằm trong sự chủ động của các ngân hàng. Họ có thể tự cân đối và tính toán để giảm. Nhưng giảm lãi suất huy động là một điều khó, nó không nằm trong tầm tay của các ngân hàng mà phải phụ thuộc vào tín hiệu thị trường. Nếu là ngân hàng lớn, nguồn huy động lớn và ổn định thì việc đó có thể nhưng đối với một ngân hàng nhỏ, nguồn huy động không lớn thì việc giảm lãi suất huy động là mạo hiểm dù rất muốn. Nói thẳng ra là, ai cũng muốn giảm lãi suất huy động nhưng vì năng lực yếu nên không dám làm vì sợ làm một mình thì sẽ mất khách và dẫn tới khó khăn huy động vốn, đe dọa tính thanh khoản.

Vì thế, các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ cứ nhìn nhau không ai dám làm và để an toàn, tất cả lại muốn Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cơ bản và xem đó là mốc để tất cả giảm lãi suất. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là hy vọng, thực tế có thể không diễn biến như ý muốn. Mới đây, các ngân hàng vẫn chưa thống nhất được việc bỏ các kỳ hạn cực ngắn trong huy động vốn theo kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng là một ví dụ.

Việc điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản thực chất đã được Ngân hàng Nhà nước tính đến và bàn bạc khá nhiều. Rất có thể, sau 3 tháng liền lạm phát giảm tốc, lãi suất cơ bản có thể được tính giảm nhẹ vào cuối tháng này. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng sẽ không quá trông chờ vào điều đó mà họ vẫn căn cứ vào thực lực của mình để thực hiện các chính sách kinh doanh. Nói như lãnh đạo một ngân hàng, nhằm đảm bảo an toàn, các ngân hàng phải làm tất cả để cứu mình.

  • Phước Hà

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;