221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1119155
EVN đề xuất: lạm phát trên 5% sẽ điều chỉnh giá điện
1
Article
null
EVN đề xuất: lạm phát trên 5% sẽ điều chỉnh giá điện
,

Việc điều chỉnh giá điện sẽ phụ thuộc các yếu tố hình thành giá. Bỏ bù giá chéo giữa điện sản xuất và điện sinh hoạt.

Tại cuộc họp đầu tiên của tổ công tác liên ngành về giá điện năm 2009 mới đây, đề án giá điện theo cơ chế thị trường do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất đã được đưa ra bàn thảo. Trong đó, nội dung nổi bật là các vấn đề mức tăng bao nhiêu %, có nên điều chỉnh tăng giá điện định kỳ theo mức tăng giá nhiên liệu, lạm phát hay không...

(Ảnh: HTD - Pháp luật TP. HCM)

Mức tăng giá điện gấp đôi kỳ trước

Theo đề xuất của EVN, giá điện bình quân năm 2009 sẽ là 1.017 đồng/kWh; năm 2010 đến 2011 là 1.088 đồng/kWh và năm 2012 là 1.146 đồng/kWh. Như vậy, so với mức tăng giá gần nhất (từ 1/1/2007, chỉ tăng trung bình 7,6%) thì lần này mức tăng lên gấp đôi (khoảng 16%).

Theo đề án, giá bán điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5%, có phân biệt giờ cao điểm (sáng từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30; tối từ 17 giờ đến 20 giờ) và thấp điểm. Đồng thời, giá này chia thành ba nhóm đối tượng: ngành sản xuất thông thường; bơm nước tưới tiêu lúa rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày xen canh; biểu giá điện cho khu công nghiệp. Giá bán điện cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cũng như đối tượng kinh doanh dịch vụ tăng 16% so với hiện hành.

Giá bán lẻ điện cho sinh hoạt vẫn chia hai phương án, theo phương thức tính bậc thang. Phương án 1 theo sáu nấc bậc thang như hiện nay. Mức tăng của các nấc thang là 16% so với hiện nay, riêng nấc thang đầu tiên với 100 kWh đầu tăng 36%. Phương án 2 chia đôi nấc thang đầu tiên, mỗi nấc 50 kWh (tổng cộng có bảy nấc). Trong đó nấc thang một tăng 27%, nấc thang hai tăng 63%. Sáu nấc thang còn lại tăng 12% so với hiện hành.

Thực hiện điều chỉnh giá điện tự động

Theo đề án EVN trình Bộ Công thương thì việc điều chỉnh giá điện sẽ phải xem xét các yếu tố đầu vào và phải được thực hiện theo cơ chế tự động chứ không phải theo lộ trình. Đây là lần đầu tiên EVN đề nghị điều chỉnh giá điện theo phương án giá điện sẽ phụ thuộc các yếu tố hình thành giá: nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát... Theo đó, nếu mức lạm phát từ 5% trở xuống thì không điều chỉnh giá điện. Nếu mức lạm phát trên 5% thì điều chỉnh giá điện theo hướng tăng vào năm tới. EVN nhận định, theo phương án này, người tiêu dùng có thể sẽ bị sốc khi giá điện sẽ tự động được điều chỉnh nếu các yếu tố đầu vào tăng. Tuy nhiên, nó sẽ phản ánh đúng chi phí vận hành sản xuất và kinh doanh điện theo nguyên tắc giá bán phải đủ bù đắp chi phí sản xuất.

Quy trình điều chỉnh giá điện tự động khi các yếu tố đầu vào thay đổi sẽ được thực hiện theo lộ trình cứ sáu tháng một lần, EVN sẽ đề xuất với Bộ Công thương theo hướng: nếu yếu tố đầu vào tăng thì sẽ tăng giá điện và ngược lại. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định và quyết định mức điều chỉnh. Sau khi trình một tháng, nếu Bộ Công thương không có ý kiến, EVN được tự điều chỉnh trên cơ sở biểu giá bán điện Thủ tướng phê duyệt thi hành từ 1/1/2009 và mức điều chỉnh do Bộ Công thương quy định.

Theo EVN, phương pháp này phản ánh đúng thực tế phát sinh chi phí của sản xuất kinh doanh điện ở các khâu theo sự biến động của các yếu tố thị trường, giúp bảo đảm cung cấp điện ổn định cho nền kinh tế.

Bỏ bù chéo giữa điện sản xuất và sinh hoạt

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM mới đây, ông Phạm Mạnh Thắng - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho rằng phải hướng tới xóa bỏ bù giá chéo giữa điện sản xuất và điện sinh hoạt theo hướng tăng giá điện sinh hoạt. Bởi lẽ giá bán điện sinh hoạt đang thấp hơn giá chi phí 30%-40% và thời gian qua có việc bù chéo từ sản xuất sang khu vực sinh hoạt.

“Hiện nay giá bán bình quân của điện sinh hoạt và sản xuất gần ngang nhau trong khi giá thành chi phí cho điện sản xuất thấp hơn cho sinh hoạt. Cụ thể là chi phí truyền tải cho điện sản xuất chỉ đến cấp trung thế, sau đó bán “sỉ” theo khối lượng. Trong khi đó, bán điện sinh hoạt phải đầu tư cho cấp hạ thế và truyền tải, quản lý... rất tốn kém. Do đó phải điều chỉnh lại theo hướng giá điện sinh hoạt cao hơn điện sản xuất” - ông Thắng nói.

Trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh sẽ tiến tới điều chỉnh giá bán điện sinh hoạt và sản xuất theo hướng xóa bỏ bù chéo giữa kinh doanh và sinh hoạt, đồng thời áp giá chung thống nhất trên toàn quốc.

Một số đề xuất của EVN:

- Đến 2010, Bộ Công thương ban hành giá bán lẻ điện sinh hoạt thống nhất toàn quốc. Các công ty điện lực tự định giá cho các đối tượng (trừ điện dùng cho ánh sáng sinh hoạt); đến năm 2011 sẽ thực hiện giá điện theo vùng trong khung Bộ Công thương ban hành.

- Đề nghị Thủ tướng phê duyệt cơ chế điều chỉnh giá điện tự động khi các yếu tố đầu vào thay đổi, đồng thời giao cho Bộ Công thương xác định giá điện tự động điều chỉnh theo các thông số đầu vào thay đổi.

- Chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách: nếu mỗi hộ dùng 50 kWh/tháng sẽ vẫn được hưởng mức giá như hiện nay. Nếu trên 50 kWh/tháng sẽ không được hỗ trợ nhưng cộng ba tháng lại chia đều, nếu dưới 50 kWh sẽ được hỗ trợ cả ba tháng.

(Theo đề án giá điện theo cơ chế thị trường)

(Theo báo Pháp luật TP. HCM) 

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,