221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1119267
Tăng giá điện – Phải xem lại từ chính sách phát triển
1
Article
null
Tăng giá điện – Phải xem lại từ chính sách phát triển
,

- Tập đoàn Điện lực đang lên phương án tăng giá điện năm 2009. Đã có nhiều ý kiến nói về giá điện hay độc quyền điện. Trong bài viết dưới đây, Giáo sư Phạm Duy Hiển phân tích một vấn đề sâu xa hơn: chúng ta lãng phí điện thuộc hàng đầu thế giới. Lãng phí không phải do người tiêu dùng, mà từ chính sách phát triển.

Công trình mở rộng nhà máy điện Uông Bí (ảnh: Lilama)

Giá điện sắp tăng. Đành phải vậy thôi khi chúng ta muốn theo cơ chế thị trường và muốn thu hút đầu tư nước ngoài vào một lãnh vực đang rất kém hấp dẫn do giá điện còn thấp.

Vấn đề là liệu việc định giá có "sòng phẳng" không? Nhà kinh doanh phải tính giá thành sản phẩm bằng phép cộng vốn với lãi. Nếu vốn cao bất hợp lý, giá thành đội lên, người dân sẽ méo mặt khi nhận tờ biên lai điện hàng tháng, vì phải gồng thêm lượng điện không chạy vào nhà mình. Bởi vậy, chúng ta có quyền được biết những đồng vốn đó đi về đâu, dòng điện lưu thông như thế nào trong huyết mạch nền kinh tế? Một đòi hỏi chính đáng, bởi hầu như toàn bộ tiền của để dựng lên hệ thống điện ngày nay do EVN quản lý là của cải Nhà nước, tức cũng là sở hữu của mọi người.

Lãng phí điện vào hàng đầu thế giới

Việt Nam là nước phí phạm điện vào loại top trên thế giới. Cùng tiêu thụ 1 kWh, chúng ta chỉ làm ra chưa đầy 0,9 USD, trong khi người láng giềng Philippines làm ra nhiều hơn gấp đôi (1,9 USD), người Hàn Quốc còn nhiều hơn, tới 2,2 USD (xem bảng 1). Chưa kể các nước tiên tiến, họ còn làm ra 3-5 USD. Các nhà kinh tế gọi những con số này là cường độ năng lượng, tính bằng GDP chia cho lượng điện thương phẩm. Cường độ năng lượng càng cao nền kinh tế càng lành mạnh. Đáng buồn hơn, khi so sánh năm 2005 (cột thứ bảy) với năm 2000 (cột thứ tư), ta thấy các nước sử dụng điện ngày càng hiệu quả, trong khi chúng ta ngày càng phí phạm, đi ngược xu thế chung của thế giới.

Vì phí phạm nên đầu tư tiền của vào hệ thống điện cứ như rót nước vào thùng thủng đáy. Muốn có 1% tăng trưởng GDP hàng năm, chúng ta phải tăng điện năng lên 2,1%, trong khi các nước đang phát triển khác chỉ tăng chưa đầy 1,5%, thậm chí còn ít hơn, như Ấn Độ, một nước tăng trưởng kinh tế rất nhanh trong thời gian gần đây, chỉ có 0,78%. Ở các nền kinh tế tiên tiến, con số này còn thấp hơn nữa, dưới 0,5%. Các nhà kinh tế học gọi chúng là hệ số đàn hồi, ghi trên cột cuối bảng 1. Hệ số đàn hồi càng thấp nền kinh tế càng phát triển lành mạnh.

Bảng 1: So sánh GDP (tỷ USD) và điện thương phẩm (ĐTP, tỷ kWh) của một số nước châu Á và Việt Nam giai đoạn 2000-2005 (Nguồn: EIA – International Energy Data and Analysis)

 

2000

2005

HSĐH
 

 

ĐTP

GDP

GDP/
ĐTP

ĐTP

GDP

GDP/
ĐTP

Hàn Quốc

232

457

1.97

352

788

2.23

1.3

Thái Lan

83

122

1.47

118

177

1.50

1.4

Trung Quốc

1198

1080

0.90

2197

2234

1.02

1.35

Ấn Độ

375

457

1.22

488

806

1.65

0.78

Philippines

37

74.7

2.02

47

90

1.91

1.25

Việt Nam

22

31.3

1.42

45.5

52.4

0.87

2.1


Bỏ ra quá nhiều vốn để đầu tư không hợp lý làm cho giá điện đội lên và ta phải móc túi trả thêm tiền là chuyện dễ hiểu!

Nếu chúng ta có một hệ thống điện lành mạnh, một cơ cấu kinh tế hợp lý, có cách khuyến khích sử dụng điện hiệu quả bằng những chính sách đúng đắn, từ những dự án đầu tư đến chính sách phát triển vĩ mô, thì chẳng những Nhà nước sẽ không phải lấy tiền đóng thuế của dân để đầu tư phí phạm vào hệ thống điện, mà người dân cũng sẽ trả tiền điện ít hơn. Nhà nước lại có thêm tiền để khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, thứ của trời cho không hề cạn kiệt, mà lại rất thân thiện với môi trường. Chỉ tiếc là hiện nay nó còn đắt, nếu Chính phủ không ra tay, năng lượng tái tạo sẽ không phát triển được.

Cho nên, hạ thấp hệ số đàn hồi và nâng cao cường độ năng lượng là những mục tiêu cần phấn đấu của đất nước, cần đưa vào chính sách phát triển vĩ mô, thông qua Quốc hội như những chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản của đất nước. Chạy theo GDP đơn thuần mà không chú ý đến các tiêu chí này là phát triển một chiều, rất tai hại, tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, đất nước ngày càng lún sâu vào tình trạng lạc hậu. Chỉ có một thiểu số nào đó được hưởng lợi.

Một nhà máy luyện nhôm ở Hà Lan phải đóng cửa vì công nghệ lạc hậu (ảnh: picasaweb)

Vậy điện mất đi đâu?

Theo thống kê chính thức, hiện nay khối dân dụng (bao gồm nhà ở, cơ quan nhà nước và công trình công cộng) tiêu thụ 44% điện năng, công nghiệp chiếm 47%, còn lại 9% là của những ngành khác. Là người tiêu thụ điện, tôi và bạn đều biết lo cho túi tiền của mình, chỗ nào không cần ánh sáng thì ta tắt đèn. Chúng ta đang dùng những thiết bị gia dụng giống như người Phi, người Thái, mà đất nước họ sử dụng điện hiệu quả hơn ta, vậy tôi và bạn không phải là thủ phạm trong chuyện này. EVN và Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải biết ai là thủ phạm.

Trong khi chưa thấy ai trả lời câu hỏi này, thì những thông tin dồn dập về các dự án đầu tư công nghiệp nặng như luyện thép, luyện nhôm từ bốc xít Đắc Nông, đóng tàu thủy hàng vạn tấn... để xuất khẩu, khiến chúng ta đứng ngồi không yên. Tại sao đất nước này lại biến thành nơi tập kết các công nghệ lỗi thời, tiêu tốn năng lượng, không thể tồn tại và cạnh tranh được ở các nước khác?

Hàng loạt dự án sản xuất thép công suất 5 triệu tấn/năm đã hoặc đang xếp hàng chờ chữ ký. Nếu được duyệt hết, Việt Nam sẽ thừa rất nhiều thép để xuất khẩu. Lại được biết để bảo đảm điện cho một khu liên hiệp sắt thép 4,5 triệu tấn/năm ở một tỉnh nọ, người ta sẽ xây hai nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất 1450 MW. Nhôm rất cần, nhưng sản xuất ra nó rất tốn điện, người ta chỉ luyện nhôm ở những nơi thừa điện.

Rất tiếc là tình trạng sử dụng điện phí phạm hiện nay và kém hiệu quả đã bị bỏ qua khi quy hoạch phát triển điện năng giai đoạn 2006-2020 trong Tổng sơ đồ 6. Hệ số đàn hồi cho giai đoạn 2006-2010 vẫn duy trì như giai đoạn trước đó (= 2), vấn đề tiết kiệm và bảo tồn điện năng có đặt ra, nhưng chưa quyết liệt. Trong khi đó, không ít ý kiến vẫn không ngớt hô hào tăng trưởng mạnh điện năng, 16-17%/năm, thậm chí trên 20%/năm, chẳng thấy ai đả động gì đến chuyện phí phạm. Phải chăng vẫn chưa đủ thông tin về sự lạc lõng của chúng ta trong thế giới này?

Tương lai không thể là bản sao quá khứ

Cho nên có bệnh mà không chữa trị lại cứ bơm nhiều thức ăn vào cơ thể. Ngay cả đoàn chuyên gia JICA của Nhật Bản, những người rất muốn đầu tư vào xây nhà máy điện ở ta, cũng không hiểu nổi tại sao theo Tổng sơ đồ 6 của Việt Nam tiêu thụ quá nhiều điện so với Thái Lan. Họ khuyên ta: "Tương lai không nên, và không thể, là bản sao của quá khứ", ý nói đừng lấy hệ số đàn hồi và cường độ năng lượng của giai đoạn trước làm tiên đề để quy hoạch điện năng cho 15 năm sắp tới.

Theo Tổng sơ đồ 6, điện thương phẩm năm 2020 sẽ từ 200 tỷ kWh đến 240 tỷ kWh tùy theo tốc độ tăng trưởng GDP 8-8.5%/năm (kịch bản cơ sở) hoặc 10-11%/năm (kịch bản cao). Giờ đây chắc không còn ai tin rằng Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế 10-11%/năm từ nay đến 2020. Thậm chí, ngay cả tốc độ tăng trưởng GDP 8-8.5%/năm như kịch bản cơ sở dường như cũng quá sức. Trên thực tế, mới chạm ngưỡng 8% năm 2007, chúng ta đã phải trả giá cho suy thoái, ít ra là liên tiếp trong hai năm 2008-09. Điều này chứng tỏ cái ngưỡng tăng trưởng trong dài hạn phản ánh nội lực của đất nước trên thực tế sẽ thấp hơn nhiều, đâu đó khoảng 7%/năm. Tăng nhanh hơn, tức là phát triển nóng, mất sẽ nhiều hơn được.

Trong bối cảnh đó, thật dễ hiểu khi thấy tác giả Tổng sơ đồ 6 đã xin trả lại nhà nước 13 dự án nguồn điện lớn tổng công suất 14.000 MW. Không phải vì lý do thiếu vốn, mà thực chất vì chúng không cần thiết. Đâu đó thấy có giải trình từ EVN rằng các hạng mục này có thể dãn tiến độ ra sau 2015. Nghĩa là, ít ra mục tiêu 86.000 MW cho năm 2015 có thể rút xuống còn 72.000 MW. Tổng sơ đồ 6 đi được một phần năm đoạn đường mới nhận ra lạc đường. Phải quay lại thôi, dù muộn còn hơn!

Nếu nhà nước thấy hết những bất cập trong tiêu thụ điện hiện nay ở nước ta và có điều chỉnh hợp lý từ trong phê duyệt các dự án đầu tư và ngay trong chính sách phát triển thì phải sửa lại Tổng sơ đồ 6. Chắc chắn việc tăng giá điện sắp đến sẽ không gây bức xúc quá đáng trong xã hội vì mọi người đều được hưởng lợi.

  • GS. Phạm Duy Hiển
    Ý kiến bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,