- Từ ngày 21/10/2008, sau quyết định giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã nhanh chóng giảm lãi suất. Nhiều ngân hàng đã giảm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh hạ lãi suất sẽ được ngân hàng sớm thực hiện đồng loạt vì đây là điều họ đã muốn làm và chỉ chờ tín hiệu chính thức từ NHNN mà thôi.
Lãi suất giảm cả hai đầu
Ngay trong ngày 21/10, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã áp dụng mức lãi suất tiết kiệm mới. So với mức lãi suất cũ, lãi suất mới giảm 1%-1,5% ở tất cả các kỳ hạn.
Hiện ABBANK đang áp dụng mức lãi suất 16,5% đối với tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, 16,75% đối với kỳ hạn 6 tháng; 16,4% kỳ hạn 9 tháng và 16,3% kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động cao nhất của ABBANK đang dừng ở mức 16,75%.
Lãi suất cho vay dự kiến sẽ giảm xuống 17%-18%. (Ảnh: ABB) |
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, ABBANK cũng đã giảm lãi suất cho vay 3 lần trong vòng một tháng lại đây và hiện nay lãi suất cho vay là 18-19%. Đối với các khách hàng thân thuộc, sử dụng nhiều dịch vụ của ABBANK, mức lãi suất ưu đãi chỉ còn 17%. Ngoài ra ABBANK đang triển khai chương trình tài trợ xuất khẩu bằng tiền đồng với mức lãi suất cho vay USD áp dụng hiện nay là 7,5-8,5%/năm.
Agribank cũng quyết định đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với hai đối tượng khách hàng truyền thống đó là hộ sản xuất và các DN vừa và nhỏ. Theo đó, lãi suất cho vay nội tệ đối với các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp xuống còn 16,5%/năm (giảm 4,5% so với đầu năm); đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu giảm xuống còn 16,8%/ năm. Đây là lần thứ 2 trong 10 ngày, Agribank đã hai lần liên tiếp thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với hai đối tượng khách hàng truyền thống này.
Vietcombank giảm lãi suất cho vay thông thường từ 19,5% xuống còn 18,5%/năm.
VPBank cũng điều chỉnh lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất không kỳ hạn chỉ còn 3,6%, kỳ hạn 1 tuần là 7%, 3 tuần là 9%, 1 tháng là 15,4%, 3 tháng là 15,6%. Mức lãi suất này thấp hơn so với lãi suất ban hành cách đây gần 2 tuần từ 0,6-0,8%.
Ngân hàng Liên Việt cũng ban hành biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 22/10 với sự điều chỉnh ở khá nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất không kỳ hạn là 3,6%, 1 tháng 15,6%, 3 tháng là 15,8%, 6 tháng 15,85% là kỳ hạn có lãi suất cao nhất và 12 tháng chỉ còn 15,7%.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đã thực hiện đợt điều chỉnh lãi suất thứ 5 liên tiếp trong vòng 3 tháng trở lại đây. Cho vay xuất khẩu, thu mua lúa gạo, lãi suất tối đa là 16,2%/năm, giảm 1,3%/năm so với mức lãi suất đang áp dụng và giảm 4,8%/năm so với thời điểm đầu quý III. Riêng với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trực tiếp tạo sản phẩm, tham gia xác lập và bình ổn cân đối lớn của nền kinh tế; các DN nhỏ và vừa lãi suất cho vay tối đa là 16,5%/năm. Các đối tượng khác lãi suất cho vay tối đa là 17,2%/năm.
Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Tổng giám đốc ABBANK - nhận định: “Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã giúp thanh khoản thị trường được cải thiện, chỉ số CPI giảm liên tục qua từng tháng, và chắc chắn sẽ được kiềm giữ dưới 25% cho cả năm 2008, do đó các ngân hàng đã chủ động và cân đối được nguồn vốn và sử dụng vốn của mình. Tất cả các tác nhân này đã dẫn tới lãi suất huy động giảm như là một hệ quả tất yếu, và tôi tin là sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới”.
Chính sách tiền tệ nới lỏng, liệu lạm phát có quay lại?
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua những quyết định mới đây của NHNN được các ngân hàng thương mại đón nhận rất nhiệt tình. Giảm lãi suất cho vay cũng vì chính lợi ích của các ngân hàng thương mại, bởi lãi suất cho vay quá cao trước đó đã hạn chế nhiều nhu cầu vay vốn. Dù tăng trưởng tín dụng năm nay có giới hạn 30%, nhưng sau 9 tháng mới chỉ tăng 18,03%, đặc biệt tăng chậm trong 3 tháng trở lại đây.
Hạ lãi suất là đi sát với nhu cầu thực tế. (Ảnh: VNN)
Theo ông Lê Đắc Sơn – Tổng Giám đốc VPBank, thực tế hiện nay chỉ ra rằng nếu tiếp tục thắt chặt tiền tệ, không ít doanh nghiệp sẽ thờ ơ với vốn ngân hàng do lãi suất quá cao. Hàng loạt doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn. Các chỉ số thống kê cũng cho thấy, mức tăng CPI tháng 9 là 0,18% và tháng 10 có thể giảm. Vậy thì, nền kinh tế đang có nguy cơ chuyển từ lạm phát sang giảm phát. Giảm phát nguy hiểm hơn, bởi sẽ kéo theo những hệ lụy lớn làm nền kinh tế không phát triển, công ăn việc làm không có, doanh nghiệp phá sản… Ông cho rằng, NHNN đã đưa ra những quyết định kịp thời trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới có những diễn biến mới phức tạp.
Liên quan việc nới lỏng chính sách tiền tệ và duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ông Sơn cho rằng, Chính phủ nên rạch ròi và kiểm soát tận gốc rễ nguyên nhân của lạm phát. Những tháng đầu năm, Chính phủ tập trung chống lạm phát và xoáy mạnh vào các biện pháp tiền tệ, thắt chặt tiền tệ. Thực tế chứng minh lạm phát không chỉ bắt nguồn từ các ngân hàng. Việc thắt chặt tiền tệ quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ gây giảm phát cho nền kinh tế. Chính phủ đã lựa chọn giải pháp chống lạm phát một cách linh hoạt tức là bơm ngược dòng vốn trở lại cho khu vực các DN vừa và nhỏ, khu vực làm ăn thực sự hiệu quả.
Nguyên nhân gây lạm phát bắt nguồn từ hiệu quả đầu tư thấp kém của nhiều dự án đầu tư công và sự đầu tư tràn lan (mang cả tính chất đầu cơ) của các doanh nghiệp và tập đoàn. Nếu những sự đầu tư này được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết hơn nữa thì việc chống lạm phát vẫn đạt hiệu quả cao mà sản xuất kinh doanh không bị đình trệ. Các ngân hàng cổ phần hầu hết phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các DN nhà nước thường tìm đến các ngân hàng quốc doanh.
Nếu để khu vực DN nhà nước tiếp cận vốn ào ạt trở lại thì bao công sức chống lạm phát trong 2 quý đầu năm của chúng ta sẽ là vô nghĩa. Và lạm phát một khi bùng phát trở lại sẽ vô cùng nguy hiểm, hậu quả còn khó lường hơn thời gian trước đây.
Theo dự đoán, với sự điều chỉnh vừa rồi của NHNN, lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã dịu đi. Tuy nhiên, tính toán cụ thể thì lãi suất bình quân đầu vào của các ngân hàng vẫn đang ở mức khoảng 16%/năm và cho vay ở mức khoảng 18%/năm. Qua thực tế tiếp xúc với doanh nghiệp, các ngân hàng cho biết mức lãi suất cho vay mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được tại thời điểm này là khoảng 16%/năm. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, xu hướng chính là các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống 1–2% nữa.
Cụ thể, vào thời điểm này, phần lớn các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay là 18%/năm và có thể hạ dần xuống 17%/năm. Tùy theo từng ngân hàng, tùy vào tốc độ điều chỉnh lãi suất huy động của từng ngân hàng mà lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Lãi suất cho vay luôn có một độ trễ nhất định vì nó còn căn cứ vào giá vốn huy động của ngân hàng, ông Sơn nhận định.
-
Phước HàÝ kiến bạn đọc: