- Những tranh cãi xoay quanh các vụ việc xảy ra trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn của ngân hàng ACB đã đặt ra yêu cầu phải có những quy định của pháp luật để quản lý, đưa hoạt động này đi vào quy củ, minh bạch.
Ngân hàng ACB gặp khách hàng để thỏa thuận giải quyết thiệt hại do sàn vàng trục trặc. Buổi đối thoại được tổ chức tại sàn chứng khoán ACBS. Ảnh: Khắc Dũng Mua bán vàng khống hay vàng vật chất?
Theo quy định của ngân hàng ACB, khách hàng chỉ cần ký quỹ với ngân hàng ACB một số lượng bằng 7% tổng giá trị giao dịch, là được ACB cho vay 93% còn lại đề tham gia mua bán trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn.
Về vấn đề này, có người, trong đó có cả chuyên gia về tài chính, cho rằng đây là hoạt động mua bán khống.
Nếu vậy thì hoạt động này vi phạm pháp luật, vì đến giờ chưa có quy định cho phép mua bán khống. Ngay cả sàn giao dịch chứng khoán cũng chưa được phép, mặc dù đây là một nghiệp vụ, và nếu áp dụng sẽ tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu.
Trong một văn bản trước đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đã cho rằng sàn vàng là một sòng bạc là ám chỉ hoạt động mua bán vàng ảo này.
Tuy nhiên, theo ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, số vàng mua bán là khách hàng vay của ngân hàng ACB. Theo cách hiểu này, thì việc mua bán ở đây là mua bán vàng vật chất.
Theo ông Hải, Sàn giao dịch vàng Sài Gòn chỉ là một bộ phận kinh doanh vàng của ACB, chứ không phải là pháp nhân mới. Gần đây, trong các buổi làm việc, thay vì gọi là “Sàn giao dịch”, ngân hàng Á châu đã gọi đó là “Trung tâm”.
“Thực tế đây không phải là sàn giao dịch vàng tài khoản và không phải là Sở giao dịch hàng hóa. Do đó, Trung tâm giao dịch vàng ngân hàng Á châu không phải là đối tượng điều chỉnh của nghị định số 158/2006 của Chính phủ”, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Á châu Trần Xuân Giá, nói.
"Chúng tôi lâu nay vẫn cứ tưởng đây là sàn giao dịch qua tài khoản", một khách hàng cho biết."Giờ mới biết là không phải, nhưng việc mua bán vẫn rất giống như là một sàn thật sự. Giờ mới biết nên lo vì không biết rủi ro sẽ như thế nào".
Theo quy định của Ngân hàng ACB, khi giá vàng giảm khiến cho giá trị ký quỹ thấp hơn 7%, ngân hàng ACB sẽ yêu cầu khách hàng tiếp tục nộp vào để duy trì đúng tỷ lệ. Khi giá hạ còn từ 4% trở xuống, ACB có quyền bán số ký quỹ này để thu hồi nợ.
Như vậy, có thể hiểu vàng của khách hàng gửi vào là tiền thế chấp. Nếu vàng vay là vàng vật chất, khách hàng có quyền lấy ra để sử dụng, thì rủi ro cho ngân hàng sẽ rất cao, vì tiền (vàng)cho vay gấp tới hơn 13 lần tài sản thế chấp.
"Điều này chỉ có thể được giải thích khi đây là một sàn vàng giao dịch khớp lệnh liên tục, và số vàng vay không phải là vàng vật chất", một nhà đầu tư nêu lên suy nghĩ. "Nó chỉ là con số giao dịch bằng giấy tờ mà thôi".
Sàn vàng chỉ giao dịch vào những thời điểm nhất định trong ngày. Nên vào những giờ sàn vàng không hoạt động, khách hàng không thể nào bán để cắt lỗ, nhưng có thể ngân hàng sẽ bán để thu hồi. Trường hợp này phần thiệt thuộc về khách hàng.
Mất oan không được bồi thường
Điều 17 hợp đồng cung cấp tín dụng và dịch vụ:
“ACB không chịu trách nhiệm về các trường hợp: Trục trặc của mạng điện tử, của thiết bị, lỗi phần cứng, phần mềm của hệ thống trong quá trình vận hành và bất cứ lý do gì dẫn đến lệnh giao dịch của bên được cung cấp tín dụng không thể nhập được vào hệ thống, bị ngưng không thể xử lý, không khớp lệnh”. (Ngân hàng Á châu) |
Gần đây nhất, cuối tháng 6, khi giá vàng lên trên 19 triệu/lượng, khách hàng đặt lệnh bán nhưng không được. Ngân hàng ACB giải thích là do mạng bị nghẽn vì lượng đặt lớn (tuy nhiên khách hàng đặt mua thử thì lại mua được, và khách hàng nghi ngờ tính không minh bạch của sự cố).
Sau đó, ACB đưa ra giải pháp mua cho những tài khoản không bán được, nhưng với mức giá thấp hơn là 18,83 triệu/lượng. Các nhà đầu tư phản đối vì chiều hôm trước họ đã mua với giá 19,1 triệu/lượng. Nhưng vì không có luật nào để căn cứ, nên tranh cãi mãi vẫn không thành.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB, trả lời rằng không có quy định nào buộc sàn vàng phải bồi thường. “Chúng tôi sắp sửa gia nhập sàn giao dịch vàng Dubai, và có hỏi về trường hợp này, người ta trả lời rằng không hề có chuyện bồi thường”, ông Kiên nói. “Chuyện trục trặc xảy ra là ngoài ý muốn”.
Tuy nhiên, sẽ trở nên khập khiễng nếu Phó Chủ tịch HĐQT lại lấy quy định của sàn vàng chính hiệu, có nghiệp vụ mua khống bán khống, để vận dụng cho một bộ phận chuyên trách kinh doanh vàng của một ngân hàng.
Cần phải có luật để phân xử và quản lý sàn vàng
Tuy nhiên mọi lập luận của cả hai bên đều trở nên vô nghĩa nếu không có luật để phân xử. Trong khi đó, đến nay, chưa có quy định nào trong luật quản lý hoạt động này.
Có thể thấy rằng tất cả mọi vướng mắc trong giao dịch trên sàn vàng không thể giải quyết được, là do thiếu quy định của luật. Hiện tại, những quy định trên sàn vàng là do chủ sàn đưa ra. Dù bị thiệt, người muốn tham gia phải chấp nhận.
Điều đáng để suy nghĩ là hoạt động này không phải là mới mẻ, hoạt động mua bán vàng theo hình thức này đã một năm qua kể từ sàn vàng đầu tiên là ACB thành lập. Từ đó đến nay đã có 8 sàn vàng nữa đã và sẽ đi vào hoạt động, thế nhưng đến giờ vẫn không có lấy một nội dung nào từ Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quy định về vấn đề này.
Đây là nguyện vọng không chỉ là của người mua bán trên sàn, mà của cả những người tổ chức kinh doanh sàn vàng.
“Chúng tôi cũng rất cần điều này”, một lãnh đạo ngân hàng ACB, nói. “Ai lại không muốn hoạt động kinh doanh của mình được pháp luật bảo vệ”.
-
Đặng Vỹ
Ý kiến của bạn: