221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1121383
Chưa giảm giá sản phẩm vì lo người tiêu dùng “bị sốc”
1
Article
null
Chưa giảm giá sản phẩm vì lo người tiêu dùng “bị sốc”
,

 – Giá xăng dầu, yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất kinh doanh đã dần hạ nhiệt. Các doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thừa nhận đầu vào, đầu ra trong sản xuất đã giảm nhưng họ vẫn còn nhiều lý do để chưa giảm giá sản phẩm lúc này.

 

Vẫn “tăng nhiều hơn giảm”

 

Từ ngày 1/9, xà phòng Omo cũng đắt thêm 2.500 đồng với mỗi gói 800g.  Ảnh: N.N

 

Với nhận xét giá cả vẫn trong tình trạng “tăng nhiều hơn giảm”, giới kinh doanh thực phẩm tại nhiều chợ ở Hà Nội hiện không khó để liệt kê các mặt hàng có mức tăng giá cao trong 2 tháng nay, ngoại trừ dầu ăn, gạo, thịt lợn đã giảm hoặc đứng hơn so với tốc độ tăng giá rất mạnh trước đó.

 

Chủ một số ky-ốt tại chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Thượng Đình đều cho hay, mỳ chính, bột nêm, nước mắm (của một số hãng), hóa phẩm là các mặt hàng đứng đầu danh sách tăng giá gần đây.

 

Cụ thể, loại Hạt nêm Aji ngon tại các cửa hàng kinh doanh lớn trước bán ra 37.000 đồng/gói 1 kg, nay lên 42.000 đồng. Loại hạt nêm Maggi ngon gói 900g cũng tăng thêm 3.000 đồng, từ 31.000 lên 34.000 đồng/gói.

 

Sản phẩm mỳ chính của ba hãng lớn là Ajinomoto, Miwon, Vedan từ tháng 6 trở lại đây đều đã điều chỉnh giá 3, 4 đợt. Trong đó, sản phẩm của hãng Ajinomoto loại 400g trước được bán với giá 10.800 đồng, nay giá giao cho các cửa hàng đã lên 17.200 đồng/gói.

 

Nước mắm Nam Ngư, Long Vân sau khi giá xăng dầu trong nước tăng vào cuối tháng 7/2008, cũng điều chỉnh giá bán nhích lên. Riêng hãng Long Vân, từ 12.500 đồng đã lên luôn 17.500 đồng/chai 1 lít, tính trên đầu thùng.

 

Nước rửa chén Mỹ Hảo tăng 4.500 đồng/lít, lên 12.500 đồng. Xà phòng Omo từ ngày 1/9 cũng đắt thêm 2.500 đồng với mỗi gói 800g.

 

Các loại bia, nước ngọt, theo chủ cửa hàng kinh doanh tổng hợp Đài Tuấn, chợ Thành Công, gần đây cũng tăng giá thêm từ 5.000 – 7.000 đồng/két, thuốc lá nhích nhẹ lên 1, 2 giá do các thông tin tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5%.

 

Còn nhiều “lý do”

 

Doanh số bán ra hiện nay tại các siêu thị vẫn được duy trì nhưng tại các chợ truyền thống, sức mua đã giảm mạnh với những mặt hàng có mức độ tăng giá cao - Ảnh: N.N

 

Đại diện hai hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội là Intimex và Fivimart cũng xác nhận, cho đến nay, hầu hết nhà cung cấp mà trước đó xin nâng giá sản phẩm do giá xăng dầu, chi phí vận chuyển tăng, đều chưa có phản hồi gì về việc giảm giá sản phẩm.

 

Phụ trách kinh doanh siêu thị Intimex cho hay, nhà cung cấp đưa ra rất nhiều lý do như xăng dầu giảm nhỏ giọt nên chưa tác động giảm giá nhiều; hàng dự trữ vẫn còn; giá nguyên liệu đầu vào tăng hay còn nghe ngóng, xem xét trước các thông tin tăng giá điện, tăng lương cơ bản đầu năm sau…

 

Lãnh đạo hệ thống Fivimart đánh giá, mặt bằng giá cả hiện nay được tạo lập sau đợt tăng ồ ạt hồi giữa năm do lạm phát, đầu vào nguyên liệu tăng, đã khá ổn định, một số mặt hàng có tín hiệu giảm. Khả năng từ giờ đến cuối năm, nếu không có biến động gì lớn, giá cả sẽ không tăng mà vẫn duy trì ở mức này.

 

Nhà sản xuất lo người tiêu dùng “bị sốc”

 

Trao đổi với báo VietNamNet, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều khẳng định, giá xăng dầu thế giới và trong nước giảm có tác động tích cực đến hoạt động của họ.

 

Trưởng phòng kinh doanh Công ty Giấy Anh Phú, nhà sản xuất đồng thời phân phối các mặt hàng giấy vệ sinh An An, Puppy tại miền Bắc, anh Lê Thành Sơn lấy ví dụ, phí vận chuyển 1 container nguyên liệu từ Bình Dương ra, trước đây là 25 triệu đồng thì nay xuống còn 21 triệu đồng. Với đó, nhà sản xuất có thể điều chỉnh giảm từ 5 - 7% giá sản phẩm. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu bột giấy từ ngày 1/8 tăng thêm 10%, lên 20% nên thành ra doanh nghiệp chưa tính đến chuyện giảm giá bán.

 

Cũng tương tự, anh Trần Văn Thắng – Giám đốc Bán hàng Công ty Kinh Doanh và Chế biến Lương thực Hà Việt, đơn vị sở hữu nhãn hiệu mỳ ăn liền Viami cũng thừa nhận, giá cả đầu vào và đầu ra đều có xu hướng giảm, nhưng nhà sản xuất khó có thể giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng lúc này vì sợ khách hàng “bị sốc”, thị trường gián đoạn.

 

Anh Thắng phân tích, dù là mặt hàng thiết yếu, có giá trị nhỏ nhưng mỳ ăn liền cũng bị ảnh hưởng phần nào về sức mua, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi dưới tác động của lạm phát thời gian qua. Nhu cầu, thói quen, tâm lý tiêu dùng mặt hàng này ở một bộ phận người có thu nhập thấp bị mất đi. Nếu giảm giá sản phẩm ngay bây giờ, đến cuối năm lượng khách hàng trên cũng chưa thể quay trở lại được.

 

Quan trọng hơn khi giảm giá, các cấp kinh doanh trung gian, người tiêu dùng sẽ sinh ra nghe ngóng, chờ đợi giảm hơn nữa để mua vào nên sẽ làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp – anh Thắng nói.

 

Cách giảm giá được cho là “êm” nhất của doanh nghiệp lúc này là gián tiếp thông qua các cấp trung gian (nhà phân phối, đại lý, cửa hàng). Bằng cách nâng chiết khấu, tăng cường thưởng, khuyến mãi vào các dịp lễ, tết, sau khi có lợi nhuận chớp nhoáng trong một thời gian nhất định, các cấp trung gian sẽ tìm cách hạ giá xuống cho người tiêu dùng.

  • Nguyễn Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,