- Trong ngày 29/10, Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế tổ chức buổi hội thảo “Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO - Những thành tựu và thách thức”. Những bài học được rút ra chủ yếu là vẫn là năng lực điều hành, ứng phó của Chính phủ và doanh nghiệp. Bên lề cuộc hội thảo, VietNamNet đã trao đổi với ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng Ban Hội nhập Kinh tế quốc tế thuộc Viện quản lý kinh tế Trung ương về một số vấn đề đang đặt ra.
Ông Trương Đình Tuyển nói: Có 3 cơ hội mới xuất hiện. Thứ nhất, đó là đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đây là cơ sở quyết định để thúc đẩy, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm và đảm bảo tăng trưởng.
Thứ hai là thị trường xuất khẩu được mở rộng, với các điều kiện ưu đãi thuận lợi. Đầu tư và xuất khẩu tăng, thị trường nội địa mở rộng tạo điều kiện cho công nghiệp và dịch vụ phát triển, đưa GDP tăng mạnh.
Thứ ba là giúp VN hình thành tư duy quản lý mới và chuẩn mực kinh doanh mới. Việc thực thi các cam kết về mở cửa thị trường, minh bạch các cơ chế chính sách, không phân biệt đối xử, chỉnh sửa luật, cải cách hành chính, xóa bỏ bao cấp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… đã giúp nước ngoài đánh giá tốt môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO lan truyền khắp thế giới vào thời điểm này cách đây hai năm. Ông Trương Đình Tuyển đứng ngoài cùng bên phải. Ảnh: Reuters |
- Ông Võ Trí Thành: Cái được lớn nhất khi gia nhập WTO là đã giúp Chính phủ, Nhà nước VN đẩy nhanh cải cách hành chính và thay đổi lối tư duy. Điều dễ nhận thấy nhất là Chính phủ đã linh hoạt hơn, động thái phản ứng nhanh hơn, biết lắng nghe chuyên gia hơn, dám quyết định dứt khoát hơn.
+ Các ông đánh giá thế nào về việc tận dụng ở hội của nước ta sau hai năm gia nhập WTO?
- Ông Trương Đình Tuyển: Tuy có được những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng những chuyển biến này không đồng đều và không đủ mạnh để để có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tạo ra những bứt phá mới. Môi trường kinh doanh của ta theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) vào năm 2007 vẫn đứng ở mức thấp của bảng xếp hạng, 68/131, tụt đi 4 bậc so với trước gia nhập.
Hai năm chỉ mới là bước khởi đầu thăm dò. Còn rất nhiều thách thức. Chẳng hạn về nội tại, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn là vấn đề phải lo nghĩ. Sự biến động của thị trường thế giới tác động rất mạnh đến thị trường trong nước, trong khi khả năng dự báo và phân tích của ta còn hạn chế, yếu kém là yếu tố rất bất lợi, cũng là thách thức lớn.
- Ông Võ Trí Thành: Cái đáng tiếc nhất của ta rút ra sau 2 năm gia nhập, là ta đã quá hứng khởi. Hứng khởi quá mức để rồi lúng túng về chính sách. Điều thấy rõ nhất là thời gian qua cách giải quyết và điều hành kinh tế vĩ mô của ta rất lúng túng. Vì vậy mới nảy sinh những biện pháp cứng rắn đến mức không cần thiết, ở mức độ nào đó có gây ra hiệu ứng bất lợi.
Vậy nên việc nhanh chóng bình tĩnh lại, nhìn nhận lại những sai sót là điều cần phải làm. Những sai sót, thất bại chính là những bài học tốt nhất.
+ Thời gian qua nổi lên vấn đề nhập siêu tăng cao, gây ra nhiều hệ quả khiến thị trường trong nước có lúc bất ổn, đó có phải là một trong thách thức lớn từ việc gia nhập WTO mà chúng ta chưa lường trước?
- Ông Trương Đình Tuyển: Trước khi gia nhập WTO, tỷ lệ nhập siêu của ta luôn ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng sau gia nhập, nhập siêu đến 30%. Tuy nhiên nhập siêu không phải do WTO, mà do cơ cấu sản xuất chuyển dịch chậm, công nghiệp phụ trợ kém phát triển, làm cho kinh tế trong nước phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới. Cũng nhờ gia nhập WTO, VN mới mở ra các thị trường xuất siêu rất lớn như Mỹ, châu Âu, còn Nhật thì ngang bằng. Đó là thành quả lớn, quan trọng.
- Ông Võ Trí Thành: Theo tư duy thông thường, nhập siêu trung và dài hạn chỉ từ 5% đến 7% là vừa phải. Còn 30% như năm rồi là quá cao. Tuy nhiên với các nước phát triển nhanh, nhập siêu cũng không có gì bất ngờ. Nhưng nhập siêu đến mức nào là vừa đủ, cần trả lời câu hỏi là với mức nhập đó có tốt cho SXKD không, và có phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô hay không? Nếu không, thì cũng không phải quan ngại.
Chính sách nhập siêu không thuộc về chính sách thương mại, mà liên quan đến tổng cầu, gồm có đầu tư và tiêu dùng. Vì vậy, điều chỉnh nhập siêu thì phải điều chỉnh các yếu tố này.
+ Trước việc kinh tế thế giới được dự báo là còn bất ổn, trong khi đó nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, vậy theo các ông Việt Nam nên làm gì trong năm 2009 để hạn chế những tác hại của kinh tế toàn cầu?
- Ông Trương Đình Tuyển: Kinh tế 2009 vẫn còn là một năm khó khăn. Kinh tế khó khăn, chắc chắn năng lực cạnh tranh cũng sụt giảm. Tuy nhiên 2009 cũng là năm thế giới khó khăn chứ không chỉ riêng VN. Vậy nên, để tăng cường năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, cần phải tranh thủ giải quyết những vấn đề thuộc về nội tại trước. Trong những việc phải làm, đáng chú ý là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật.
- Ông Võ Trí Thành: Năm tới vẫn là một năm còn đầy khó khăn. Lạm phát tuy giảm nhưng cán cân kinh tế vẫn còn có vấn đề, điều hành kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn. Bức tranh tăng trưởng còn chưa đoán định được. Trong tình hình đó, giải pháp quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Có ổn định mới cạnh tranh được.
+ Các ông nhìn nhận thế nào về những tác động mới sau 2 năm nước ta gia nhập WTO?
- Ông Trương Đình Tuyển: WTO không phải là liều thuốc thần, cũng không phải là cạm bẫy, chỉ có cơ hội và thách thức là hiện hữu và đang tác động đến nền kinh tế. Cơ hội là lớn nhưng chúng ta chưa tận dụng thật tốt do những điểm nghẽn cản trở. Thách thức nặng nề nhưng chúng ta chưa đương đầu tốt do thể chế chưa hoàn thiện, trình độ năng lực còn yếu. Vậy nên sắp tới, công cuộc cạnh tranh sẽ còn nhiều gay gắt.
- Ông Võ Trí Thành: Có thể nói một cách ngắn gọn về cơ hội và thách thức là nếu chúng ta yếu, thiếu bản lĩnh, không nhận biết thời cuộc, tình huống, không biết nỗ lực sửa đổi, cải cách để vươn lên, thì tất cả cơ hội đều biến thành thách thức.
-
Đặng Vỹ thực hiện