Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 29/10 đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,5% để xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 50 năm qua là 1%, nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái tồi tệ nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Trước đó, từ 6/2003-6/2004, Fed cũng đã từng áp dụng mức lãi suất thấp này.
Thị trường chứng khoán New York chờ quyết định của Fed ngày 29/10. (Ảnh: BLB)
“Những nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn còn” Uỷ ban thị trường mở liên bang Mỹ nói trong một tuyên bố tại Washington. “Những chính sách gần đây, bao gồm cả quyết định cắt giảm lãi suất hôm nay, cùng với việc phối hợp cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương các nước, các biện pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường, và các biện pháp chính thức làm tăng sức mạnh cho các hệ thống tài chính, dần dần sẽ giúp cải thiện tình trạng tín dụng hiện nay và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại với tốc độ vừa phải.
Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang cố gắng làm sống lại thị trường tín dụng và ngăn chặn đà suy giảm cả trong hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động cho vay của các ngân hàng nhằm ngăn chặn một đợt suy thoái toàn cầu.
Quyết định ngày 29/10 của Fed nằm trong nỗ lực phối hợp giữa Fed với Ngân hàng Trung ương châu Âu và 4 ngân hàng trung ương khác cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất hôm 8/10.
Trước đó, cũng trong ngày 29/10 Trung Quốc và Norway cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản.
Được biết, nền kinh tế Mỹ trong quý III/2008 đã suy giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, Mỹ có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 25-50 điểm cơ bản, thậm chí đưa lại suất về 0%.
“Nếu nền kinh tế còn tiếp tục suy yếu thêm, Mỹ có thể sẽ cắt giảm thêm 25-50%”, John Silvia, nhà kinh tế trưởng tại Wachovia Corp., Charlotte, North Carolina nói.
Giá cả hàng hoá đang giảm rất mạnh, trong đó dầu giảm tới 54% so với đỉnh cao thiết lập ngày 11/7, đã giảm áp lực lạm phát lên nền kinh tế Mỹ. Đây là một yếu tố hỗ trợ cho quyết định cắt giảm lãi suất của Fed.
Mặc dù cắt giảm lãi suất mạnh như vậy, nhưng các nhà phân tích cho rằng động thái trên của Fed chỉ mang tính tượng trưng do lãi suất ngắn hạn đối với các khoản vay liên ngân hàng trên thực tế đã thấp hơn mức đó nhiều do những nỗ lực bơm tiền vào hệ thống ngân hàng trong thời gian qua. Lãi suất qua đêm đối với các khoản vay liên ngân hàng hiện đã ở mức từ 0,6-0,93% kể từ ngày 16/10.
Một điều đáng lo ngại là hiện tại Fed gần như không còn biện pháp hữu hiệu nào khác để cứu vãn nền kinh tế ngoại trừ cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, ngay cả khi lãi suất cơ bản xuống 0%, như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã làm những năm 90s, cũng không giúp đưa nước Mỹ mau chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.
Không như mong đợi của nhiều người, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/10 đã không có thêm được một phiên hồi phục như trước đó. Hai chỉ số chủ chốt là Dow Jones và S&P 500 đều giảm điểm. Trong khi đó, đồng USD nhanh chóng giảm mạnh và kéo theo vàng và dầu tăng giá lên tương ứng 761 USD/ounce và 67,93 USD/thùng.
-
Hà Linh (Theo Bloomberg, CNBC)