- Giá dầu thế giới đã giảm mạnh và ngày 30/10 ở mức 68,5 USD/thùng. Tuy nhiên, liên tục trong một tuần trước đó, giá dầu đã ở mức rất thấp, có khi xuống dưới 62 USD/thùng. Điều này khiến cho người tiêu dùng hy vọng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm tiếp. Vậy vì sao giá xăng dầu trong nước chưa giảm?
Cho đến cuối buổi chiều ngày 29/10, vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nào xin giảm giá xăng dầu. Họ còn cần thêm điều kiện gì để giảm giá bán?
Sau giá là những lý do gì?
Thời điểm giảm giá xăng dầu gần đây nhất của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu là 18/10. Lúc đó, giá dầu thế giới là 73 USD/thùng. Khi đó, trước các thông tin nói rằng giá xăng dầu có thể giảm thêm ở mức 1 -2 ngàn đồng chứ không phải 500 đồng/lít, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã khẳng định, nếu ở thời điểm đó DN nhập được ngay và bán được ngay thì xăng là hòa vốn, dầu các loại có lãi rất ít.
Giá xăng dầu còn chờ thêm nhiều điều kiện nữa mới giảm? (Ảnh: LAD) |
Nếu đúng như tính toán trên của ông Nguyễn Cẩm Tú là chính xác thì có thể coi mức giá 15.500 đồng ngày 18/10 là hòa vốn xăng với mức giá dầu thô thế giới tương đương 73 USD/thùng. Từ đó đến nay, giá dầu liên tục giảm, đạt mức thấp nhất 62 USD/thùng và mới chỉ tăng lại trong 1-2 ngày gần đây.
Tuy giá dầu thô chỉ được cho là yếu tố tham khảo và yếu tố quyết định trực tiếp là giá thành phẩm xăng dầu tại thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều tất yếu là khi giá dầu thô giảm thì giá các thành phẩm cũng giảm theo. Như vậy, từ gần 2 tuần nay, với giá trong nước giữ nguyên thì các DN lãi khá lớn nếu tính theo giá thế giới biến động hàng ngày.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương và các DN vẫn cho rằng, không thể lấy giá thế giới hàng ngày để so sánh với giá trong nước bởi còn rất nhiều điều kiện khác. Trước hết là do mức độ dự trữ 30 ngày lưu thông khiến việc điều chỉnh giá bao giờ cũng có độ trễ để DN tiêu thụ số hàng tồn này. Hơn nữa, ông Nguyễn Cẩm Tú cũng lưu ý rằng, việc tính giá xăng dầu thông thường phải là giá bình quân trong thời gian tháng. Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, điều hành giá sẽ dựa trên cơ chế thị trường dựa trên giá nhập khẩu, chi phí hợp lý và cả yếu tố lượng hàng hóa tồn kho để tính toán.
Bên cạnh yếu tố hàng tồn kho, thời điểm giá dầu xuống thấp hiện nay, các DN cũng đang nghe ngóng xem động thái của nhà nước về điều chỉnh thuế. Mức thuế hiện nay đối với xăng là 5% và 0% đối với dầu.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đã cho rằng, đã một thời gian dài, Chính phủ đã hy sinh lợi ích, không áp thuế để giữ ổn định giá và khi giá xuống là điều kiện để tăng thuế. Quan điểm này đang được Bộ Tài chính xem xét và khả năng tái áp thuế dầu và tăng thuế xăng là có thể để lấy tiền bù lỗ dầu và tăng thu cho ngân sách. Vì thế DN đang nghe ngóng mới quyết định.
Trong khi đó, vào thời điểm này, một lý do mới khiến các DN đang ngập ngừng là sự biến động tỷ giá. Tỷ giá USD và VND đang tăng lên. Đại diện nhiều DN đã thừa nhận mình có lãi nhưng để điều chỉnh giá thì ngoài thuế đang phải cân nhắc tỷ giá. Vì nếu giảm giá mà tỷ giá lại tăng mạnh thì có thể không còn lãi hoặc lãi ít.
Với mức giá dầu thế giới giảm như hiện nay, mỗi ngày giá bán xăng dầu trong nước không giảm, người tiêu dùng lại càng cảm thấy bức xúc vì việc giảm giá vẫn chưa theo kịp xu hướng giá thế giới. Người dân cảm thấy dường như cơ chế thị trường giá xăng dầu vẫn chưa được vận hành tốt.
Trong khi đó, cơ quan nhà nước cũng tỏ ra quá chậm trong việc điều hành công cụ thuế nên đã tạo cho DN cái cớ phải chờ lâu mới có đủ điều kiện giảm giá.
Vẫn có thể giảm giá
Cập nhật thông tin về giá xăng dầu từ đầu tháng 10/2008, nhiều chuyên gia ở Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, trong những phiên giao dịch nửa đầu tháng 10/2008 giá xăng, dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2007.
Có thể giảm giá vào cuối tuần? (Ảnh: LAD) |
Trước tình hình giá xăng dầu trên thế giới giảm, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm giá xăng dầu trong nước để tiếp cận giá thế giới như Mỹ (trung bình 15.393 đồng/lít xăng); Thái Lan (13.527 đồng/lít xăng); Trung Quốc (15.570 đồng/lít xăng); Malaixia (12.024 đồng/lít), Đài Loan (14.028 đồng/lít)...
Rõ ràng, với xu hướng giảm giá dầu hầu hết các nước tiêu thụ xăng dầu lớn và các nước trong khu vực đã giảm giá xăng dầu xuống mức khá thấp. Và với mặt bằng giá các nước trong khu vực trên đây thì Việt Nam hoàn toàn có thể giảm giá. Vì là nước nhập khẩu 100% có thể mức giá không thể thấp bằng nhưng xem ra mức giá 15.500 đồng/lít khó có thể duy trì với xu hướng giá hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng kể cả khi tăng thuế thì các DN vẫn có thể giảm giá. Mức thuế xăng dầu cao nhất đã từng áp dụng là 20%, tuy nhiên, với mức giá hiện nay, mức thuế này là khó áp dụng vì sẽ khiến giá tăng cao. Mức tăng 15% có thể tính đến nhưng khả năng thấp. Nhưng kể cả với mức thuế 15% thì so với mức giảm giá trung bình của giá dầu trong tháng 9/2008 và 20 ngày đầu tiên của tháng 10 là khoảng 20%, DN vẫn có lãi khoảng 5%. Và khả năng cao nhất là thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ phải áp trong thời gian tới là 10%.
Về tỷ giá, có lẽ đây chỉ là cái cớ mà DN đưa ra bởi lẽ sau đợt sóng nhỏ trên thị trường, giá USD đã chững lại và đứng ổn định. Các ngân hàng khẳng định, đây là mức đạt được nhiều mục tiêu kỳ vọng và phù hợp với thực tế cung cầu thị trường nên tỷ giá sẽ được duy trì ổn định.
Dường như, sau một thời gian xem xét, thông tin có được từ các DN đầu mối xăng dầu cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi nốt tỷ giá trong ngày 30/10 để đưa ra phương án trình lên Tổ Giám sát và Điều hành giá xăng dầu.
Vì thế, khả năng giá xăng dầu giảm trong một, hai ngày tới là hoàn toàn có thể. Người dân có thể lại có tin vui sau hai tuần chờ đợi.
-
Phước Hà
Ý kiến bạn đọc: