221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1123133
Sức mua nhiều mặt hàng giảm mạnh
1
Article
null
Sức mua nhiều mặt hàng giảm mạnh
,

 – Trái với tình hình mọi năm, bước vào quý IV năm nay, sức mua của thị trường từ mặt hàng thiết yếu là thực phẩm, đến đồ gia dụng, điện tử hay tiêu dùng xa xỉ dành cho thời trang hàng hiệu cũng đều sút kém hơn trước.

Từ thiết yếu...

Giá hàng lương thực, thực phẩm liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay, hơn ai hết, giới kinh doanh nhỏ lẻ tại các chợ, các phố ở Hà Nội đều thấm thía sự giảm mạnh sức mua của người dân. Dù hai tháng nay, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt, dầu ăn giá đã “dễ chịu” hơn nhưng thị trường vẫn rất trầm lắng.

Hàng hóa càng tăng giá mạnh, sức mua càng giảm - Ảnh: N.N

Theo một chủ cửa hàng thực phẩm số 43 phố chợ Chính Kinh, quận Thanh Xuân, sức tiêu thụ các loại thịt cá, trứng, giò chả... hiện chỉ bằng 30 – 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mặt hàng có mức tăng giá cao gần đây là mỳ chính, bột nêm, hiện cửa hàng chị chỉ bán được nửa thùng/tháng (mỗi thùng 12 gói) so với mức 4, 5 thùng/tháng trước đây.

Tương tự, chủ cửa hàng tổng hợp Đài Tuấn, phố Thành Công (Hà Nội) cũng thừa nhận chậm chạp là tình cảnh chung của các mặt hàng tại đây. Ngay cả thuốc lá – chủ cửa hàng dẫn chứng, thường cứ cách một ngày, những người bán hàng nhỏ lẻ lại đến lấy hàng một lần, thì nay phải vài ba ngày; lượng bán đã giảm một nửa.

Giám sát bán hàng của Nestlé Việt Nam – hãng thực phẩm và đồ uống lớn, tại một tỉnh phía Bắc cũng cho hay việc bán hàng của hãng 2 tháng nay đã gặp khó khăn. Sức mua giảm từ 10 – 15% so với các tháng trước đó.

Không chỉ các sản phẩm sữa và liên quan đến sữa (sụt giảm do người tiêu dùng hoang mang trước thông tin về chất melamine) mà kể cả các sản phẩm không liên quan như Trà chanh Nestea, bột nêm Maggi ngon đợt này bán ra cũng rất chậm.

Cạnh tranh gay gắt, sức mua kém khiến lợi nhuận của nhà sản xuất, nhà phân phối năm nay đều giảm - Ảnh: N.N

Ở lĩnh vực hàng điện tử, chị Hoàng Thu Thanh – quản lý bán hàng của hãng TCL tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Việt Trì nhận định, từ tháng 3 đến nay, doanh số bán ra của mặt hàng TV nói riêng đã liên tục giảm. Đặc biệt những tháng gần đây, mức giảm đã là 25%, chỉ đạt khoảng 4.000 chiếc/tháng, so với mức 5.000 – 7.000 chiếc/tháng cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù số lượng các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu mua sắm đã nâng lên đáng kể, trung bình ít nhất 1 chương trình khuyến mại rầm rộ/tháng nhưng đến nay Trung tâm điện máy Pico – nơi phân phối hàng chục nghìn mặt hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh cũng nhận thấy, sức mua năm nay chưa bằng được năm ngoái.

Một lãnh đạo của Pico chia sẻ, xét về doanh số thì không giảm nhưng do cạnh tranh gay gắt, lãi suất trên sản phẩm giảm mạnh khiến lợi nhuận năm nay có khả năng giảm đến 50% so với năm ngoái.

... đến hàng hiệu

Thời trang, mỹ phẩm hàng hiệu vốn "kén" người, nay càng im ắng hơn - Ảnh: N.N

Ở lĩnh vực thời trang cao cấp, đại diện Công ty Duy Anh - nhà phân phối chính thức nhiều nhãn hiệu tên tuổi như Salvatore Ferragamo, Bally, Burberry cho biết, trong quý III vừa qua, doanh số hầu hết mặt hàng đã giảm đến 20% so với cùng kỳ.

Khách hàng trước “xài” nhiều và dễ dàng thì nay đang đắn đo, suy nghĩ nhiều hơn là nhận xét tương đồng của các hãng.

Bà Phạm Tú Cầu – Giám đốc Công ty Thanh Bắc Thời trang – nhà phân phối độc quyền các thương hiệu như kính mắt Catier, quần áo Levi’s, mỹ phẩm Revlon & Pupa... nêu ví dụ, số khách tiêu 20 – 30 triệu đồng cho mỗi lần mua sắm trước đây không phải hiếm thì nay mức phổ biến dừng ở 3 – 5 triệu đồng/người/lượt.

Mùa thu đông, mùa tiêu thụ cuối năm đang đến gần chắc chắn sẽ khiến thị trường ấm lên. Song, các nhà phân phối thời trang hàng hiệu nói riêng và giới kinh doanh trong nước nói chung ngay bây giờ đã xác định, bước sang năm 2009, để chơi tốt một “ván cờ” không đơn giản, họ sẽ phải lựa chọn, tính toán kỹ càng, chủ động và linh hoạt hơn.

  • Nguyễn Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,