221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1123833
Giảm bội chi xuống 4,3% trong năm 2009
1
Article
null
Giảm bội chi xuống 4,3% trong năm 2009
,

 -Tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2008 tổ chức chiều ngày 1/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 10/2008 vừa diễn ra trước đó, Chính phủ đã dành toàn bộ thời gian đánh giá, thảo luận về kinh tế 2008 kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế 2 tháng còn lại của năm 2008 và cả năm 2009.

Điểm đáng chú ý là Chính phủ cho rằng lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng  vẫn cao hơn nhiều so với năm 2007, kinh tế thế giới suy giảm đang tác động trực tiếp vào Việt Nam. Các hoạt động xuất khẩu, đầu tư và du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo 1/11/2008. (Ảnh Trần Thuỷ)

Chính phủ nhận định tình hình kinh tế thế giới thay đổi nhanh, khủng hoảng kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, năm  2009 dự báo kinh tế sẽ còn suy giảm hơn 2008. Sau khi thảo luận, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế 2 tháng còn lại của năm 2008 và năm 2009 báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét thông qua.

Theo đó mục tiêu quan trọng nhất từ nay đến hết năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Để hạn chế lạm phát, sẽ có các gói giải pháp như kiểm soát nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng và giảm bội chi ngân sách. Năm 2008 bội chi ngân sách khoảng 4,8%, mục tiêu năm 2009 giảm xuống còn 4,3%, trong đó sẽ giảm nhiều với các khoản chi tiêu thường xuyên.

Tiếp theo là chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế. Các giải pháp chính là hạ lãi suất, giảm tỷ giá, giảm thuế có thời hạn, kích cầu sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Các chính sách này hiện đang được thực hiện và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.  Bên cạnh đó là đẩy mạnh kích cầu miền núi và nông thôn về sức mua và đầu tư hạ tầng có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và giải ngân nhanh hơn.

Để duy trì sự phát triển bền vững, Chính phủ cho biết sẽ phấn đấu giữ tăng trưởng GDP ở mức 6,5% trong năm 2009, dù tình hình khó khăn, cũng  không để tăng trưởng dưới 6%. Đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo mức sống không thấp hơn năm 2008. Bên cạnh đó, vẫn sẽ theo đuổi chính sách giá theo thị trường với các mặt hàng như xăng dầu, điện, than ...

Nợ xấu không đáng ngại

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến 30/9/2008 là 35.000 tỷ đồng, chiếm 2,92% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Theo đánh giá mức nợ xấu chiếm dưới 5% là đảm bảo an toàn. Dự báo từ nay đến cuối năm 2008, nợ xấu có thể tăng lên nhưng không vượt quá con số 4% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Trong khi đó, việc dự phòng rủi ro được các tổ chức tín dụng trích lập đến nay là 22.000 tỷ đồng. Trong nợ xấu, nợ có khả năng không thu hồi được ( nhóm 5) chỉ chiếm chưa đến 1/2 số dự phòng rủi ro đã được trích lập và chưa chi trả.

Xuất khẩu dệt may  10 tháng đầu năm 2008 đạt 7,64 tỷ USD. (Ảnh Web site UBND tỉnh Đồng Nai)

Về vốn cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng, ông Tiến cho biết, tính đến hết ngày 30/9/2008 là hơn 100.000 tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ và ở dưới mức 10% là tương đối an toàn, thấp hơn so với năm 2007 (11%). Hiện tại TP.HCM có số dư nợ cho vay bất động sản chiếm 50% cả nước và Hà Nội chiếm 15%. Trong số vốn cho bay bất động sản, nợ xấu mới chỉ chiếm có 2,5%.

Đến nay, các tổ chức tín dụng vẫn hoạt động rất an toàn, không có ngân hàng nào mất khả năng thanh toán, thu lớn hơn chi.

Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách điều hành linh hoạt, lãi suất sẽ tiếp tục được giảm xuống, ông Tiến nói.

 Có hay không việc các DN xăng dầu trục lợi lớn?

Có nhiều ý kiến băn khoăn về việc phân bổ lợi ích giữ người tiêu dùng với DN và Nhà nước trong giá xăng dầu, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá xăng dầu là dựa trên nguyên tắc kiềm chế lạm phát và ưu tiên cho an sinh xã hội.

Khi giá dầu thô tăng cao Nhà nước bù lỗ, khi giá dầu thô giảm là  giảm ngay như vậy là luôn ưu tiên cho đảm bảo an sinh xã hội.  Hiện nay giá dầu thô đã giảm xuống còn 65 USD/thùng là lúc cần cân nhắc lợi ích giữa người tiêu dùng, Nhà nước và DN. Đây là lúc cần tăng thuế để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, tuy nhiên không áp thuế cao và vẫn tiếp tục giảm giá cho người tiêu dùng.

Theo ông Tú, từ ngày 25/2-21/7 trong 5 tháng, giá dầu thô trên thế giới liên tục tăng cao, Nhà nước đã phải bù lỗ lớn. Từ 21/7 giá dầu giảm, thì giá trong nước đã giảm liên tục. Khi giá dầu thế giới tăng cao thì giá xăng dầu trong nước được hoãn tăng còn khi giá dầu thế giới giảm thì giá trong nước giảm ngay như vậy là có lợi cho người tiêu dùng.

Ông Tú cũng cho biết, giá xăng dầu đã thực hiện theo cơ chế thị trường, việc điều tiết chỉ dùng các biện pháp kinh tế. Nếu thấy lợi nhuận cao các cơ quan chức năng sẽ điều tiết bằng thuế và các chính sách khác. Hiện các cơ quan chức năng vẫn hoàn toàn kiểm soát được giá xăng dầu không có chuyện để cho DN trục lợi lớn.

  • Trần Thuỷ

  Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,