221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1126135
Hà Nội: ngoại thành vẫn thiếu hàng thiết yếu
1
Article
null
Hà Nội: ngoại thành vẫn thiếu hàng thiết yếu
,

Liên tục những ngày gần đây, các siêu thị, hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội đã mở rộng nguồn và lượng hàng, đưa thực phẩm thiết yếu từ các nơi khác về cung ứng trên thị trường. Song lượng hàng đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nhất là ở những vùng ngập lụt ngoại thành.  

 

Các siêu thị khẳng định đủ hàng hóa

 

Các siêu thị đảm bảo đủ lượng hàng và giá cả bình ổn ở mức ngày thường cho người dân - Ảnh: N.N

 

Có thể nói, các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội đã phản ứng khá kịp thời khi nguồn cung thực phẩm của thành phố này bị gián đoạn do ngập lụt, mưa lớn.

 

Ngay chiều 4/11, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo hệ thống Fivimart – đơn vị có 9 siêu thị tại Hà Nội đã cho hay, 10 tấn rau củ quả các loại đã được Fivimart đặt hàng từ Sapa, Đà Lạt đưa về trong 2 ngày liền. Các mặt hàng khác như gạo, thịt lợn, thịt gà cũng được gấp rút đặt và đưa về từ các nhà phân phối. Đến nay không lo thiếu hàng.

 

Dự đoán nguồn cung các thực phẩm tươi sống từ các vùng sản xuất của Hà Nội sẽ sụt giảm đến 50%, ngày 6/11, hệ thống siêu thị BigC thông báo, 13 tấn rau, củ, quả từ TP.HCM và Đà Lạt đang được vận chuyển bằng đường không và đường bộ ra Hà Nội. Còn hệ thống siêu thị Metro cho biết, tính từ ngày 1/11 đến nay, 30 tấn rau quả đã được chuyển tới Metro Hà Nội.

 

Hệ thống siêu thị Intimex cũng cho hay, vừa qua, lượng mua các mặt hàng thiết yếu tăng gấp 4, 5 lần. Với rau, thịt, gạo, không chỉ dựa vào các nhà cung ứng hiện có, Intimex đã khai thác, đặt hàng thêm một số nguồn hàng khác, nâng gấp đôi lượng hàng so với trước đó.

 

Tổng diện tích các kho dự trữ khoảng 2.000 m2, đến nay có thể nói các kho đã được chất đầy hàng hóa. Những ngày tới, nếu tình hình thời tiết không có những đột biến bất khả kháng, nằm ngoài dự kiến thì Intimex sẽ không lo bị thiếu hàng – cán bộ phụ trách kinh doanh của Intimex khẳng định.

 

Tin từ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, 22 siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart đang đảm bảo cung ứng đầy đủ 3 mặt hàng: rau xanh, thịt lợn tươi, thực phẩm đông lạnh và chế biến. Ngoài ra, Tổng Công ty cũng chuẩn bị lượng hàng hoá gồm 30 tấn gạo, 20.000 thùng mỳ tôm, 30.000 lít dầu ăn, 15.000 lít nước mắm, 30.000 thùng nước tinh khiết… sẵn sàng cung ứng với giá cả ổn định.

 

Chưa thể chủ quan!

 

Tuy các siêu thị tại Hà Nội khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, song Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú  cũng chỉ ra rằng, kênh siêu thị mới chỉ chiếm 10% trong cung ứng hàng hóa ra thị trường. Số còn lại là các chợ, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi…

 

Một thống kê khác từ Sở Công Thương Hà Nội cũng cho thấy, 70% hàng hóa trên địa bàn Hà Nội được lưu chuyển qua 369 chợ, 30% còn lại là các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…

 

Chợ truyền thống vẫn là kênh lưu thông hàng hóa chủ lực, nhất là tại vùng ngoại thành - Ảnh: N.N

 

Đó là chưa kể, hầu hết hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội mới tập trung ở khu vực các quận nội thành; hàng hóa và mức giá chủ yếu vẫn chọn lọc đối tượng khách hàng là người có thu nhập trung bình khá trở lên. Có thể dẫn chứng, mặt hàng gạo tại nhiều siêu thị hiện vẫn phổ biến là các loại gạo thơm, gạo cao cấp đắt tiền chứ hiếm gặp những loại gạo có giá 10.000 đồng/kg.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính đến ngày 5/11, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã giao tổng cộng 27.662 thùng mỳ tôm, trong đó cụ thể UBND thành phố Hà Đông: 5.222 thùng; UBND phường Tân Mai: 2.390 thùng; UBND phường Định Công: 3.400 thùng; UBND huyện Thạch Thất: 2.000 thùng; UBND quận Long Biên: 1.050 thùng; UBND xã Liên Trung, huyện Đan Phượng: 2.000 thùng.

 

Về nước uống đã giao 44.400 chai cho huyện Chương Mỹ; 10.000 chai cho quận Long Biên và 10.000 chai cho huyện Hoài Đức.

  

Hơn nữa, đối phó với tình hình ngập lụt hiện nay, siêu thị vẫn chủ yếu bán hàng cố định, gần như chưa đơn vị nào tổ chức bán hàng lưu động đến các huyện ngoại thành, vùng sâu xa cho nên khó khăn, thiếu thốn và cần thiết nhất lúc này chính là các “vùng trũng”, các huyện ngoại thành Hà Nội.

 

Ước lượng, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ hết khoảng 700 tấn rau, 300 tấn thịt lợn, 200 tấn thủy hải sản, 80 tấn thịt bò… Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay, lượng thực phẩm cung ứng cho Hà Nội vẫn thiếu khoảng 40%, tập trung vào các vùng ngoại thành.

 

“Đủ trên quầy thôi, còn đủ cho thị trường lại là chuyện khác. Do đó, chưa thể chủ quan. Khi nội thành đã tạm ổn thì cần tiếp tục bổ sung cho vùng nghèo, vùng sâu xa”.

 

Ông Phú nêu quan điểm như trên và nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục kêu gọi, khơi mạnh cung ứng từ các tỉnh lân cận, sẵn sàng mở cửa; tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, thậm chí miễn phí, miễn thuế cho hàng từ các tỉnh vào; nhanh chóng sản xuất các loại rau ngắn ngày và đa dạng các nguồn rau củ thay thế như măng, khoai tây, su su… trong giai đoạn hiện nay.

  • Nguyễn Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,