221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1127473
Một trong hai người làm nóng giải Nobel năm nay đến VN
1
Article
null
Một trong hai người làm nóng giải Nobel năm nay đến VN
,

Khi các quốc gia, các địa phương, và các doanh nghiệp đang quay cuồng trong cuộc chạy đua về năng lực cạnh tranh, thì Ủy ban trao giải Nobel năm nay lại làm nóng thêm cuộc đụng đầu của hai chiến lược gia hàng đầu thế giới: Michael Porter và Paul Krugman.

Một người là Giáo sư Trường Đại học Harvard, tác giả bộ giáo trình kinh điển nhất của các trường đào tạo ngành quản trị trên thế giới: Chiến lược cạnh tranh, Lợi thế cạnh tranh, Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia, và mới đây nhất là cuốn “Về cạnh tranh”.

Người kia là Giáo sư Trường đại học MIT và Princeton, nhà bình luận của báo New York Times, và ngắn gọn là vừa đoạt giải Nobel Kinh tế 2008.

Michael Porter và Paul Krugman

Những gắn bó ở cấp độ quốc gia với Việt Nam

Tuy GS. Krugman chưa bao giờ đến Việt Nam, và GS. Porter tháng 12 này sẽ có cuộc ra mắt lần đầu tiên ở Việt Nam, nhưng lý thuyết của cả hai đều đã từ lâu gắn bó với quá trình phát triển của Việt Nam.

Porter là đồng tác giả bản báo cáo hàng năm “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), để hàng năm vào mỗi tháng 10 chúng ta lại chờ đợi xem Việt Nam lên hạng hay xuống hạng, các nước xung quanh ai vượt ta và ai tụt lại sau ta.

Bản báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu đó được xây dựng trên cơ sở một mô hình nổi tiếng có tên là “mô hình kim cương của Porter”.

Mô hình kim cương của Porter là khối tứ giác gồm: Doanh nghiệp (chiến lược, cơ cấu, cạnh tranh); các yếu tố cung; các yếu tố cầu; các ngành công nghiệp bổ trợ và liên quan. Toàn bộ tứ giác đó, cũng như mỗi thành phần, lại chịu tác động của hai yếu tố “bên ngoài” là cơ hội và chính phủ.

Trong khi đó, Krugman lại gắn bó với Việt Nam ở một góc cạnh khác. Ông là tác giả của lý thuyết hiện đại về thương mại toàn cầu. Việt Nam mới đầu năm 2007 đã có một bước tiến lịch sử là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang là một công cuộc đầy thách thức và hứa hẹn của cả dân tộc hiện nay.

Những gắn bó ở cấp độ doanh nghiệp

Michael Porter cùng với Peter Drucker được coi là hai nhà chiến lược đặt nền móng cho quản trị học hiện đại.

Michael Porter - “cha đẻ” chiến lược cạnh tranh, nhà tư tưởng chiến lược bậc thầy của thời đại sẽ đến Việt Nam vào ngày 1/12/2008 theo lời mời của Học Viện Giám Đốc PACE.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên này, ông sẽ chủ trì một hội thảo với chủ đề “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam”

Hội thảo dự kiến sẽ quy tụ khoảng 1.000 người tham dự là các doanh nhân hàng đầu, những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, những nhà lãnh đạo cấp tỉnh/thành, các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế … của Việt Nam và từ các quốc gia trong khu vực và châu lục.

Học sinh tất cả các chương trình quản trị của phương Tây đều mặc nhiên dùng cụm từ “5 lực đẩy của Porter” để nói về mô hình nổi tiếng phân tích khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của một ngành công nghiệp. Mô hình này hết sức phổ biến, chính bởi vì sự đơn giản đến kinh ngạc. Chỉ vẽ ra một tứ giác là nhìn thấy toàn bộ tiềm năng lợi nhuận của một ngành. Bất cứ ngành nào.

Rất nhiều ngành hàng của Việt Nam đã có vị trí cao trên thế giới: gạo, cà phê, tiêu, điều… Hàng loạt các ngành khác đang muốn chiếm vị trí “xứng đáng hơn” trên thị trường thế giới, trong đó có may mặc, giày da, đồ gỗ, đóng tàu… Trong khi đó, không ít ngành lại đang thấp thỏm trước cuộc cạnh tranh của nước ngoài, trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Mỗi lần có một câu hỏi đặt ra cho một ngành, đó lại là một cơ hội để chiếu vào mô hình “5 lực” của Michael Porter.

Còn về phần mình, Paul Krugman và một tác giả khác là Maurice Obstfeld lại làm chủ một bộ sách không kém phần kinh điển ở các trường đại học. Cuốn “Kinh tế học Quốc tế: Lý thuyết và Chính sách” đã phát hành đến lần thứ 8. Một trong những điểm khởi đầu của cuốn sách này, hai tác giả chứng minh “lợi thế so sánh”, không phải “năng lực cạnh tranh” mới là nền tảng của một ngành kinh tế hay một nền kinh tế.

Và những phản biện gay gắt

Lý thuyết về cạnh tranh của Porter đã được nguyên Tổng thống Bill Clinton của Mỹ vận dụng vào ý tưởng coi mỗi địa phương, mỗi quốc gia là một doanh nghiệp. Tất cả phải cạnh tranh để thu hút vốn, thu hút con người, thu hút khách hàng, và phải vượt trên các đối thủ.

Lý thuyết của Porter cũng đã được vận dụng vào đến cấp tỉnh của Việt Nam, khi từ nhiều năm nay chúng ta đã có đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, để mỗi tỉnh hàng năm lại thấp thỏm đợi chờ kết quả.

Tuy nhiên, GS Krugman từ năm 1994 đã có những phản biện gay gắt với hệ lý thuyết về năng lực cạnh tranh.

Bài viết nổi tiếng của ông là “Năng lực cạnh tranh - Nỗi ám ảnh nguy hiểm”.

Thứ nhất, ông cho là nỗi ám ảnh về năng lực cạnh tranh có thể làm cho quốc gia phí phạm tiền đầu tư cho những công trình không cần thiết. Mỗi tỉnh ở miền Trung đều ước mơ xây dựng một cảng nước sâu và một sân bay quốc tế, đó là chiêm nghiệm đúng lời của Krugman.

Thứ hai, nỗi ám ảnh này có thể dẫn đến bảo hộ và chiến tranh thương mại. Điều này hiển hiện ở cấp quốc gia, nhưng còn thậm chí xuất hiện ở cấp địa phương. Một tỉnh này buộc các công trình xây dựng phải dùng xi măng của tỉnh. Một tỉnh kia buộc các bữa tiệc dùng ngân sách địa phương phải uống bia của địa phương… Không thể nói Krugman không hiểu Việt Nam.

Thứ ba, Krugman cũng chứng minh là nỗi ám ảnh về năng lực cạnh tranh đã từng làm Chính phủ bị lạc hướng, ưu tiên nguồn lực cho những yếu tố kém quan trọng hơn, trong khi xao lãng những yếu tố quan trọng.

Hai nhà chiến lược Porter và Krugman thường xuyên phản biện nhau, bổ trợ nhau, và liên kết với nhau, cũng giống như hai trường đại học hàng đầu mà họ xuất thân ra: Harvard và MIT.

Dù sao đi nữa, Paul Krugman tháng 10/2008 vừa qua đã nhận giải Nobel về kinh tế. Còn Michael Porter đều đặn hàng năm vẫn lại đăng đàn với các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới để thảo luận chiến lược cạnh tranh.

Tháng 12/2008, Michael Porter sẽ có mặt tại Việt Nam. Đây chính là cơ hội để kiểm chứng trực tiếp những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai chiến lược gia, khi áp dụng cụ thể vào tình thế của Việt Nam.   

  • Bùi Văn
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,