221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1127065
Lãi suất ở Việt Nam vẫn quá cao so với thế giới
1
Article
null
Lãi suất ở Việt Nam vẫn quá cao so với thế giới
,

 - Bằng công cụ lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước vừa hạ trần lãi suất cho vay xuống còn 18%/năm (trước đó lần lượt là 21% và 19,5%/năm). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng lãi suất 18%/năm vẫn còn quá cao, nhất là với những doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Điểm độc đáo của lãi suất cơ bản ở Việt Nam là không ai dùng lãi suất cơ bản trong giao dịch thực tế. Trong nhiều năm thậm chí thị trường đã quên mất cả sự tồn tại của lãi suất cơ bản. Đến giữa năm nay, một điều khoản trong Luật Dân sự lại được viện đến: lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, từ đó hình thành ra một “trần” lãi suất cho vay và được nhìn nhận như một định hướng cho lãi suất đầu ra của các ngân hàng.

Lần giảm lãi suất cơ bản gần đây nhất là ngày 5/11, giảm từ 13% xuống 12%, cũng chỉ có ý nghĩa định hướng. Bởi vì trước ngay trước đó thì các ngân hàng cũng đã cho vay dưới mức trần 18%.

Diễn tiến lãi suất cơ bản  

Trước 1/2/2008

8,25%

Từ 1/2/2008 đến 19/5/2008

8,75%

Từ 19/5/2008 đến 11/6/2008

12%

Từ 11/6/2008 đến 21/10/2008

14%

Từ 21/10/2008 đến 5/11/2008

13%

Từ 5/11/2008 đến nay

12%


Lãi suất cao hay thấp?

Có người nêu quan điểm là trước tình hình lạm phát vừa qua (25%/năm) nhà kinh doanh dù có lãi 20%/năm vẫn không thể bảo lưu giá trị vốn ban đầu. Cũng có lập luận cho là lãi suất cho vay của ngân hàng 18% vẫn thấp, lãi suất huy động tiết kiệm đến 15% thì người gửi tiền tiết kiệm sẽ mua vàng để bảo toàn vốn. Xin nêu dưới đây một số lập luận khác:

(1) Lạm phát công bố là con số thống kê của quá khứ, trong khi lãi suất lại tùy theo kỳ vọng hướng đến tương lai. Tuy hai yếu tố này có thể so sánh với nhau, nhưng không thể gắn chặt với nhau, đặc biệt vào những giai đoạn thị trường có nhiều biến động mạnh.

Có thể lấy một ví dụ về biến động sau. Mới cách đây 3 tháng, giá dầu thô lên hơn 147 USD/thùng. Hầu hết các dự báo đều cho là giá sẽ lên đến 200 USD/thùng. Nhưng đến nay giá dầu thô đã xuống dưới 60 USD/thùng, thì các dự báo lại hướng đến con số 50 USD/thùng. Chỉ trong vòng không đầy 3 tháng, các con số dự báo đã chênh nhau đến 400%.

(2) Trong thời lạm phát, nhiều người chọn vàng làm công cụ cất giữ. Tuy nhiên, có một rủi ro là không Chính phủ nào có thể kiểm soát giá vàng để bảo vệ người giữ vàng. Theo biến động thế giới, giá vàng có thể lên hay xuống hết sức thất thường. Vì vậy, không phải ai cũng sẵn sàng cất giữ vàng, và không phải người mua vàng nào cũng đổ hết tiền của mình vào vàng.  

(3) Tiền đồng của Việt Nam so với USD nhiều năm qua có lúc tăng, có lúc giảm nhưng không đáng kể. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy từ năm 2005 đến tháng 10/2008, tỉ giá USD so với tiền đồng chỉ tăng 4,45%. Tiền đồng không mất giá so với USD, vậy tại sao lãi suất cho vay của USD trên thế giới chỉ khoảng 3-4%, còn lãi suất cho vay tiền đồng ở Việt Nam lại đến 18%?

Trên thế giới, ở thời điểm này không có nơi nào lãi suất cao như ở Việt Nam. (Ảnh: Sacombank)

Nguy cơ “treo trên đầu” doanh nghiệp

Do ảnh hưởng của cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, sức mua của các thị trường mạnh như Mỹ, châu Âu Nhật đều giảm sút. Các nhà sản xuất lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... đều phải tăng cường cạnh tranh về giá cả hàng hoá. Ngoài các biện pháp như thay đổi công nghệ và phương pháp quản lý, một chính sách quan trọng là hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp. Trong khi đó, dường như không tìm thấy nước nào trên thế giới hiện có lãi suất cao như ở Việt Nam.

Trước nguy cơ phá sản “treo trên đầu” hàng ngày, đây là thời điểm các doanh nghiệp phải nghiêm túc nhìn lại mình.

Kinh tế học có một chỉ tiêu lICOR để so sánh mức gia tăng vốn đầu tư với mức gia tăng sản lượng. Chỉ số này dùng để đánh giá hiệu quả  sử dụng đồng vốn của một ngành công nghiệp hay một nền kinh tế. Trên thế giới, chỉ số ICOR thường ở mức trên dưới 3, còn ở Việt Nam, các báo cáo cho thấy ICOR ở vào khoảng 5-6. Điều đó cho thấy Việt Nam tuy nghèo nhưng hiệu quả sử dụng vốn lại quá thấp so với thế giới.

Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vốn cao hơn mức vốn cần thiết chẳng hạn đầu tư lớn vào nhà xưởng, thiết bị, nhưng hàng hoá lưu thông chậm, nguyên liệu dự trữ tồn kho quá mức so với quy trình sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp có vốn vay chiếm tỷ lệ cao đến bất hợp lý so với vốn tự có, dẫn đến chi phí lãi vay cũng chiếm tỷ lệ cao trong giá thành.  

Về công nghệ, nhiều doanh nghiệp nhập thiết bị rất hiện đại nhưng trình độ sử dụng lại quá kém nên chưa khai thác hết công suất của nhà máy. Ngay cả việc ứng dụng tin học trong quản lý của các doanh nghiệp cũng thế. Đó là chưa tính đến chiến lược sản phẩm, chiến lược thị trường không rõ ràng. Không chuyên nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp. Không quan tâm đến sự an toàn của sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng.

Thách thức “treo trên đầu” ngân hàng

Các doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng cũng lo lắng. Nếu doanh nghiệp phá sản thì số tiền đã cho vay vào doanh nghiệp đó cũng khó thu hồi đủ.

Chính vì vậy, một thách thức với các ngân hàng là phải góp sức nuôi doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Thứ hai, một khi lãi suất giảm thì ngân hàng lại lo làm sao để đồng vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích. Nói cách khác, làm sao đồng vốn trong lúc khó khăn phải được dùng vào mục đích đầu tư mà không phải đầu cơ. Bất động sản đã xuống giá quá nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái, nên có thể lại trở nên hấp dẫn những người có tiền trong tay. Đây là thách thức đề ngân hàng thể hiện bản lĩnh của mình trong việc điều phối nguồn lực xã hội.

Thứ ba, cần có hệ thống phân loại doanh nghiệp rõ ràng. Kích cỡ nào là vừa, như thế nào là nhỏ, phân tích ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp, thị trường của doanh nghiệp, xác định nguồn vốn và cơ cấu vốn của doanh nghiệp… Từ đó mới có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng, mức độ khó khăn của doanh nghiệp, để việc hỗ trợ tín dụng đạt hiệu quả cao nhất.

Phải nắm tay nhau vượt bão

Không chỉ doanh nghiệp, mà ngân hàng phải bằng đồng vốn và lãi suất để tham gia cùng doanh nghiệp xác định lại loại hình kinh doanh và cơ cấu vốn, xác định quy mô sản xuất và kinh doanh thích hợp.

Trong giai đoạn hiện nay, nên tập trung vào ngành hàng có thế mạnh của doanh nghiệp, mạnh dạn cắt bỏ những loại hình kinh doanh không thuộc thế mạnh của doanh nghiệp, giảm bớt hàng tồn kho, kiểm tra tài chính và thu hồi các khoản nợ, hạn chế tối đa việc vay vốn vào những đầu tư không cấp thiết.

Trước mắt có dấu hiệu giảm phát, mọi người lo lắng về sự giảm phát. Có lẽ cần thấy giá tiêu dùng giảm hiện nay là đúng, vì nhu cầu tiêu dùng giảm thì giá phải giảm. Khi thấy giá giảm, người có tiền lại mua vào, người bán được hàng lại tiếp tục mua nguyên liệu để sản xuất, thị trường lại bắt đầu sôi động, khi ấy giá cả lại từ từ nhích lên.

Dự đoán của thị trường hiện nay còn rất phức tạp. Nhưng cơn mưa nào rồi cũng qua đi để trời lại sáng. Còn trong lúc này, ngân hàng vào doanh nghiệp phải hiểu nhau, nắm chặt tay nhau cùng vượt bão.

  • TS Nguyễn Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp.

    Ý kiến bạn đọc:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,