- “Với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, một khi sức mua, nhu cầu của thị trường thấp đi nhiều thì hàng hóa làm ra bán cho ai?” – nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đặt câu hỏi như vậy trước thực tế mà họ đang phải đối mặt.
Tại thị trường nội địa, nhiều DN đang phát “sốt” trước sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu tiêu dùng, khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ - Nguồn ảnh: VNN |
Trong hai vấn đề làm “đau đầu” DNNVV hiện nay là vốn và đầu ra cho sản phẩm thì ông Nguyễn Danh Truyền - Giám đốc Công ty CP Đóng Tàu Hà Nội (HaShip) cho rằng, khó khăn bản chất nhất vẫn là sự giảm sút về “đầu ra” do nền kinh tế bước vào giai đoạn trì trệ.
Là đơn vị có năng lực đóng tàu trọng tải lên đến 12.500 tấn, sản phẩm cạnh tranh cao trên thị trường nhưng hiện HaShip cũng không tránh khỏi sự giảm sút các đơn hàng. Cùng với việc khó tiếp cận vốn vay, nhiều dự án, hợp đồng của HaShip lâm vào cảnh dở dang.
Ông Truyền phân tích, nếu sức tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm vẫn tăng trưởng thì việc vay vốn ngân hàng có khó khăn, lãi suất lên một chút, DN đóng tàu như ông chỉ phải chịu lợi nhuận thấp đi, còn sản xuất vẫn được duy trì. Đáng ngại nhất là đầu ra cứ tiếp tục giảm dần thì mọi hoạt động “coi như nghỉ luôn”.
Tương tự, DN sản xuất hàng tiêu dùng cũng như các sản phẩm phục vụ ngành xây dựng nội địa cũng không mấy lạc quan khi nói sức tiêu thụ hiện tại.
Nếu ông Nguyễn Ngọc Thực – Trưởng Văn phòng tại Hà Nội của Công ty CP Nhựa Bạch Đằng, Hải Phòng – đơn vị chuyên sản xuất ống nhựa cấp thoát nước phục vụ các công trình xây dựng cho rằng, sức tiêu thụ đã giảm từ 10 – 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thì ở lĩnh vực thép, Phó Giám đốc Công ty FSC thừa nhận, DN đang gặp rất nhiều khó khăn bởi lượng hàng tồn kho do sức mua giảm, đã ở mức rất lớn.
DN xuất khẩu gỗ đã thấy rõ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế ở các thị trường châu Âu, châu Mỹ qua sự cắt giảm, hủy bỏ các đơn hàng – Nguồn ảnh: VNN |
Tuy nhiên, ảnh hưởng rõ rệt nhất phải kể đến DN làm hàng xuất khẩu. Giám đốc Công ty CP Nội thất Shinec tại Hải Phòng - đơn vị xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu sang thị trường châu Âu, ông Nguyễn Đắc Hạnh cho biết, các khách hàng đều cắt giảm hoặc cho đến nay vẫn chưa xác định được đơn hàng.
“Thường cuối năm, họ đã ký hợp đồng cho cả năm sau nhưng lúc này, các khách hàng vẫn chưa quyết định gì cả. Họ nói phải chờ tín hiệu thị trường, đến tháng 4/2009 mới có thể xác định được” – ông Hạnh phản ảnh.
Thậm chí, đơn hàng xuất khẩu ván sàn lớn sang Hàn Quốc của công ty ông Hạnh vừa qua, dù đã ký kết hợp đồng, tiến hành sản xuất rồi, phía Hàn Quốc mới thông báo hủy bỏ do tỷ giá đồng Won/USD lên cao, Chính phủ nước này không mở LC cho các ngân hàng để nhập khẩu nữa. “Thiệt hại đó rất lớn nhưng không thể kiện hoặc khiếu nại họ được” – vị lãnh đạo DN chia sẻ.
Biết khó có thể trông chờ vào các đơn hàng ngoại, ông Hạnh đã tìm cách hướng nội bằng việc phát triển các sản phẩm như cửa, đồ trang trí nội thất; tham gia nhiều hội chợ đồ gỗ, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh thành, nhưng kết quả thu được không mấy khả quan.
“Thị trường nội trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định thì sẽ rất tốt nhưng đây lại đang là thời điểm cực kỳ khó khăn” – ông Hạnh nhìn nhận, đồng thời nhớ lại, chỉ cùng kỳ năm ngoái, các đơn hàng đến tới tấp khiến DN ông phải chọn những đơn hàng tốt để làm, vậy mà năm nay không có chuyện kén chọn, có đơn hàng để duy trì sản xuất, công nhân có việc làm đã là tốt lắm rồi.
Cần phân loại, làm rõ khó khăn của DN
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), đội ngũ DNNVV chiếm tới 96,5% trong tổng số gần 350.000 DN cả nước; hàng năm đóng góp khoảng 40% tổng thu nhập quốc dân (GDP), thu hút 50% tổng số lao động trong DN.
Nếu đem tiêu chí DNNVV là dưới 300 lao động và vốn dưới 10 tỷ đồng thì có đến 96,5% DN của VN thuộc nhóm này - (ảnh N.N) |
Là một lực lượng đông đảo, góp phần lớn cho phát triển an sinh xã hội, nhiều năm qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển khối DN này. Tuy nhiên, DNNVV nói chung vẫn thường được nhắc đến với nhiều khó khăn, yếu kém về chủ quan như trình độ quản trị DN, nguồn nhân lực chất, ứng dụng công nghệ, tiếp cận vốn…
Tại diễn đàn DNNVV diễn ra ngày 18/11 trong khuôn khổ Tuần lễ Quốc gia DNNVV 2008 do VCCI tổ chức, ông Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Ban đổi mới và Phát triển DN, thuộc Văn phòng Chính phủ thừa nhận hạn chế rất lớn trong chủ trương, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ DNNVV đó là sự chậm đổi mới, chưa bắt kịp với yêu cầu thực tế.
Sự chậm trễ thể hiện ở kết quả các hoạt động xúc tiến về khoa học công nghệ, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Cụ thể, từ 2001, Quỹ bảo lãnh tín dụng đã được thành lập. Song đến nay, mới chỉ có 11 địa phương thành lập được. Trong đó, chỉ có 3 quỹ ở Trà Vinh, Yên Bái, Đồng Tháp là hoạt động tương đối hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, ông Trương Văn Đoan còn cho rằng, một số nội dung trong Nghị định 90 của Chính phủ cũng như chính sách Trợ giúp Phát triển DNNVV còn bất cập, thiếu cụ thể.
Theo ông Đoan, để trợ giúp DNNVV một cách hiệu quả thì việc cần làm lúc này là phải cụ thể hóa định nghĩa về DNNVV (trên cơ sở số lao động trung bình hàng năm và quy mô vốn hoạt động của DN); phân loại theo nhóm ngành chính của hệ thống ngành kinh tế, là căn cứ thống kê, phân loại DNNVV; cần quy định cụ thể về quy mô DN, làm căn cứ khi xây dựng chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực cần khuyến khích, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Cũng có quan điểm tương đồng, ông Trần Duy Toàn – GĐ Công ty TNHH Dây và Cáp điện Vạn Xuân, Hà Nội nêu quan điểm: mọi người thường nói chung là DNNVV thiếu có thông tin, không có vốn, quản trị, nhân sự kém… điều đó không hoàn toàn đúng. Nó có thể đúng với DN này, không đúng với DN khác.
Cho nên, phải phân loại DNNVV ra xem DN này cần cái gì, DN kia cần giúp gì; mỗi loại có một cơ chế, chính sách riêng phù hợp thì việc hỗ trợ mới có hiệu quả.
-
Nguyễn Nga