- Đến thời điểm này hiện tượng phá sản trong lĩnh vực dệt may bắt đầu diễn ra. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP.HCM, đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn VietNamNet về ngành dệt may Việt Nam, sau 2 năm chúng ta có “chỗ ngồi” trong “ ngôi chợ lớn toàn cầu” - WTO.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang đứng trước những thách thức lớn. Ảnh: VNN. |
- Việt Nam gia nhập WTO với rất nhiều kỳ vọng đặt vào ngành dệt may. Hai năm đã trôi qua, ông đánh giá thế nào về những cái được và những tổn thất?
- Cái được lớn nhất là nhờ vị trí thành viên WTO, dù vẫn đang bị giám sát từ phía Hoa Kỳ nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã được đối xử tương đối bình đẳng với nhiều cơ hội mở ra. Cái chưa được là hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa được trang bị kỹ lưỡng để hội nhập nên đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy thoái kinh tế thế giới đặc biệt là kinh tế Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất.
Nói cách khác, chúng ta mở cửa ra để “chiến đấu” nhưng mỗi doanh nghiệp lại chưa được trang bị “vũ khí” đầy đủ, đặc biệt là luật. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp được làm mà không làm hoặc không được mà lại làm, cuối cùng doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại.
- Nói đến thiệt hại, trước khi vào WTO, ngành dệt may đã dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp dệt may nhỏ, yếu phải phá sản. Cho đến nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp lâm vào tình trạng này, thưa ông?
-Năm đầu tiên dự báo này không đúng nhưng đến thời điểm hiện nay hiện tượng phá sản đang bắt đầu diễn ra với các doanh nghiệp có sức đề kháng yếu kém, đầu tư dàn trải nhiều ngành nghề ngoài dệt may.
Trung Quốc đã thống kê tới 67.000 doanh nghiệp phá sản, tôi đoán, sắp tới Việt Nam sẽ bị tác động, trong đó chắc chắn lĩnh vực dệt may sẽ bị thiệt hại nặng. Lý do là các hợp đồng đặt hàng đang giảm vì kinh tế Mỹ khó khăn nhưng quan trọng hơn là các chi phí, đặc biệt chi phí lao động đang tăng cao. Bằng chứng là vừa rồi nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã phải “bỏ của chạy lấy người” do không đủ khả năng xử lý những khó khăn, thách thức này.
-Điểm lợi nhìn thấy được khi là thành viên WTO là không bị ngăn trở bởi những rào cản thương mại, ông có thể cho biết các doanh nghiệp đã tận dụng điều đó như thế nào?
-Rào cản thương mại đã được hạ rất rõ nhưng thực tế rào cản thương mại vừa hạ xuống thì những rào cản kỹ thuật như các tiêu chuẩn về hoá chất, an toàn sản phẩm nâng cao… đã được nâng lên ngay.
Doanh nghiệp dệt may dù đã được cảnh báo từ rất lâu về chuyện này nhưng tôi thấy vẫn thực sự không phải ai cũng thấy được và tránh được. Cũng có lý do là doanh nghiệp chưa nhận thức hết nhưng cũng có khi họ muốn phòng tránh mà không tìm được thông tin cụ thể. Ngay cả Hiệp hội dệt may cũng chưa giúp được nhiều cho doanh nghiệp vì nhiều khi chính cán bộ thực thi không nắm hết được các điều khoản này.
-Lợi thế của dệt may Việt Nam là lao động rẻ nhưng với sức ép tăng lương hiện nay, lợi thế này khó mà được duy trì lâu. Theo ông, ngành dệt may cần phải làm gì?
-Thực tế lợi thế chi phí rẻ vẫn còn nếu doanh nghiệp đi đúng hướng. Cụ thể, nếu tiếp tục gia công thì phải làm những sản phẩm có đẳng cấp, có giá thương mại cao để bù đắp chi phí nhân công. Ngoài ra, ngành dệt may cần tăng năng suất lao động, đưa máy móc thiết bị vào dây chuyền, làm sao cho cũng nhân công đó mà có thể tạo ra giá trị cao hơn.
Thứ hai là doanh nghiệp phải bán được hàng FOB thay vì chỉ gia công đơn thuần. Thế giới đang thay đổi hàng ngày nêu cứ “bình chân như vại”, ôm mãi lợi thế cũ thì khó khăn, thậm chí phá sản là khó tránh. Tôi cho rằng, câu chuyện chi phí nhân công tăng cao là bài học của tất cả các nước đang phải đối đầu chứ không riêng Việt Nam. Thái Lan, Malaysia … đều đã trải qua nhưng đứng trên cục diện chung thì họ vẫn ổn và đứng về từng lĩnh vực ngành nghề thì cũng không thất bại. Dĩ nhiên vẫn có những doanh nghiệp đóng cửa nhưng xét thực chất thì ngoại tệ thu được và giá trị gia tăng vẫn cao hơn.
- Cơ chế giám sát dệt may của Hoa Kỳ đã khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, thậm chí lùi lại chuyển về gia công đơn thuần?
-Đúng là cơ chế giám sát này có ảnh hưởng không tốt nhưng sau 2 đợt giám sát, Hoa Kỳ đều công bố là không có vấn đề gì nên tôi cho rằng sự lo ngại lớn nhất là kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng và hạ đơn giá sản phẩm.
Còn việc một số doanh nghiệp lùi về gia công hoàn toàn, có lẽ là do thắt chặt tiền tệ khiến họ không đủ tiền mua vật liệu mà phải phụ thuộc đối tác chứ không phải do cơ chế giám sát.
- Từ 1/1/2009, Trung Quốc sẽ được hưởng chế độ phi hạn ngạch. Có những ý kiến lo ngại các đơn hàng sẽ đổ về Trung Quốc thay vì Việt Nam, thậm chí còn có thông tin là các đơn hàng đã được các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn tất chỉ còn chờ thời điểm xuất sang Hoa Kỳ?
- Về vấn đề này không có gì phải quá lo ngại. Hiệp hội dệt may đã đưa ra 3 phương án. Thượng sách là Hoa Kỳ sẽ bỏ cơ chế giám sát với Việt Nam trong khi vẫn tiếp tục giám sát Trung Quốc. Cũng như trước đây, vào năm 2005 khi Trung Quốc được bỏ quota thì Hoa Kỳ có ngay kế sách đối phó chứ không có chuyện để nhập khẩu ồ ạt vào. Trong phát biếu của tân Tổng thống Obama cũng có hơi hướng là sẽ kiểm soát nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Trung sách là Hoa Kỳ duy trì cơ chế giám sát với cả Trung Quốc và Việt Nam và cuối cùng là phương án bỏ lỏng Trung Quốc, siết chặt Việt Nam. Nhưng tôi cho là khả năng thứ 3 khó xảy ra vì Trung Quốc mới là quốc gia xuất khẩu vào Mỹ nhiều nhất trong khi Việt Nam mới nằm trong top 10.
Về việc “ém sẵn” chờ 1/1/2009, tôi lại nghe thông tin ngược lại, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đang muốn chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí tăng cao, nhất là chi phí nhân công.
- Là người trong cuộc, ông nhận định thế nào về dệt may Việt Nam và những thách thức sắp tới với nền kinh tế?
-Các ngành trong đó có dệt may đã đứng trước triển vọng có những đơn hàng lớn nhưng không may là vừa vào WTO lại gặp đợt kinh tế thế giới suy thoái. Tôi nghĩ giống như một con thuyền mớí cất buồm ra khơi thì trúng bão ở đâu ập đến vậy. Đây là điều không thể tiên liệu được, không thể đổ thừa cho vào WTO không hiệu quả. Cá nhân tôi vẫn tin tưởng là càng vào sâu WTO, Việt Nam càng có thêm nhiều lợi thế, mà những thách thức thế này là các bài học tốt, giúp Việt Nam phát triển hơn nữa.
-Xin cảm ơn ông!
-
Phan Hùng (thực hiện)Ý kiến bạn đọc: