– Chủ tịch xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, nguồn cơn khiến một số doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại đây đang trong cảnh phải vật lộn, xoay sở, thậm chí “giãy chết” chính là do họ “đánh quả” vào bất động sản thời gian qua.
Được biết đến bởi nghề làm bánh kẹo và dệt len mà sản phẩm có thị trường rộng khắp cả nước, riêng dệt len còn xuất khẩu ra nước ngoài, xã La Phù, huyện Hoài Đức lâu nay vốn nổi trội về làm ăn, phát triển kinh tế hơn nhiều huyện, xã khách thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Đường vào làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh: N.N |
Hai bên đường vào làng từ vài năm trở lại đây san sát các công ty, tổng đại lý phân phối lớn. Hàng ngày, nhất là từ 4h chiều đến tối, phương tiện cơ giới các nơi tấp nập đổ về, nối đuôi nhau bốc hàng. Nhìn từ bên ngoài, đời sống vật chất của đại bộ phận người dân nơi đây không khác bao nhiêu so với phố thị.
Song nói về tình hình của các doanh nghiệp năm nay, nhất là những tháng gần đây, ông Nguyễn Hữu Quý - Chủ tịch HĐND xã, người từng hàng chục năm làm chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất mũ len xuất khẩu, rồi chủ một doanh nghiệp dệt len tư nhân tại đây, cho biết thực sự ông rất lo lắng, Dù chưa có DN nào tuyên bố phá sản nhưng nhiều đơn vị đang trong cảnh vật lộn, xoay sở, “cấp cứu”.
Ông Quý cho rằng, trong tình hình khó khăn chung về vốn vay, giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao…, nếu DN tập trung, dồn hết sức vào sản xuất, lao tâm khổ tứ tính toán chặt chẽ thì giai đoạn này chỉ vất vả hơn so với trước kia, cùng lắm nếu lỗ cũng chưa đáng kể. Để rơi vào tình cảnh cơ cực, gần phá sản thì nguyên do chính là DN “đánh quả” và bị kẹt vốn trong bất động sản thời gian qua.
Quan sát từ thời kỳ thị trường bất động sản đang sốt 1, 2 năm qua, giá liên tục lên cao, vay vốn ngân hàng để đầu tư lại dễ dàng, tâm lý lãi nhiều, giàu nhanh nên theo ông Quý, hầu như DN nào ở làng (làng nghề) cũng thích “cuốc” sang một vài miếng đất, mẫu ruộng để kinh doanh thu lợi.
Có thể hình dung, lúc đó với lãi suất vay 1,15%/tháng, DN làm quần áo len cần vay khoảng 4 tỷ đồng để sản xuất, nhưng thấy ngân hàng dễ cho vay ra, DN vay 10 tỷ rồi đi mua vài biệt thự hoặc vài miếng đất. Mỗi căn biệt thự, mỗi mẫu đất, giới kinh doanh lãi trung bình 2, 3 tỷ đồng một lần trao tay là chuyện bình thường.
Tham thì thâm, các hộ vay thêm tiền ngân hàng để mua nhiều nhà đất hơn. Đến khi bong bóng bất động sản vỡ, giá cả xuống liên tục, thị trường nguội dần đến mức đóng băng, hàng tỷ đồng vốn bị kẹt trong bất động sản, bị “tọp” nhiều lần về giá trị. Thêm vào đó, số vốn vay nợ ngân hàng không ít với lãi suất 1,75%/tháng vừa qua khiến nhiều hộ lâm vào cảnh cơ cực.
Ông Chủ tịch xã dẫn chứng một trường hợp “thường” trong làng, anh này trước mua một miếng đất với giá 2,7 tỷ đồng. Trong đó, tiền vay ngân hàng là 2 tỷ. Tính đến tháng 10 vừa qua, lãi ngân hàng đã lên đến 500 triệu đồng. Giờ miếng đất chỉ được trả với giá 1,2 tỷ đồng. Mất đứt 2 tỷ đồng. "Trường hợp “không thường” ở xã thì cũng “ôm” vài ba miếng, đại gia thì vài chục miếng đất" - ông Quý cho hay.
Một nghề cho chín...
Sản xuất giấy ở làng nghề xã Phong Khê, Bắc Ninh - Ảnh: TT |
Cũng theo ông Quý, nếu chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh, cụ thể là mặt hàng mũ len, thời gian qua nguyên liệu len lên từ 45.000 lên 67.000 đồng/kg, lãi vay ngân hàng đang từ 1,15%, đến giữa năm lên 1,75%/tháng; thậm chí, làm hàng xuất khẩu, thường xuyên phải vay tín dụng “đen” với lãi suất 30 – 40%/tháng khi tiền hàng xuất khẩu chưa về kịp, đó cũng chỉ khiến DN không có lãi hoặc có chăng lỗ 100 – 200 triệu đồng. Rồi làm nó lại dư ra, chứ không có chuyện “đi” một lúc hàng mấy chục tỷ một DN như hiện nay.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Vương – Chủ tịch Hợp tác xã Giấy Nhật Việt, ở xã Phong Khê, Bắc Ninh, đơn vị chủ yếu làm hàng xuất khẩu cũng cho rằng, “chết” lúc này chỉ những DN vì lợi ích ngắn hạn, dựa vào vốn ngân hàng đầu tư dàn trải…
Còn trong khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, DN phải “căng” mắt ra tính toán, có vốn là tập trung mua nguyên liệu tích trữ để sản xuất, chi tiêu tiết giảm thỉ chỉ vất vả, lãi suất ít đi chứ không hoàn toàn do đó mà thua lỗ, phá sản được.
Lý giải hiện tượng DN nhỏ và vừa, thay vì tập trung vào sản xuất lại chạy theo đầu tư tài chính ngắn hạn hòng tìm kiếm lợi nhuận càng nhanh càng tốt, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận, về chủ quan nó thể hiện tầm nhìn, chiến lược của DN không có, hoặc có nhưng không rõ ràng và năng lực quản trị yếu.
Về mặt khách quan, dẫn lời ông Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN về thể chế kinh tế nào thì doanh nhân ấy, ông Cung cho rằng, có thể trong cơ chế hiện tại, DN không thể tính được dài hạn, cũng không thể sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả và nhanh chóng. Ví dụ như có một khoản tiền để đầu tư, mở rộng sản xuất nhưng bị vướng bởi thủ tục, chưa làm ngay được nên họ chuyển sang đầu tư ngắn hạn nếu có một cơ hội khiến đồng vốn được quay vòng nhanh hơn.
-
Nguyễn Nga