221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1130429
Giá dầu có thể giảm xuống mức 45USD/thùng
1
Article
null
Giá dầu có thể giảm xuống mức 45USD/thùng
,
Bất chấp OPEC có thể sắp cắt giảm sản lượng, thời tiết đang lạnh hơn tại Mỹ, Nhật đang tranh thủ tăng cường nhập khẩu năng lượng…, dầu thế giới vẫn đang chịu áp lực giảm giá rất lớn và có thể xuống 45 USD/thùng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/11 tại Sàn Giao dịch hàng hoá New York (đầu giờ sáng 20/11 giờ Việt Nam), dầu đã giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp và đang dần hướng tới ngưỡng 50 USD/thùng.

Cụ thể, giá dầu giao tháng 12 đã giảm 77 cent (tương đương giảm 1,4) xuống 53,62 USD/thùng, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/1/2007.

Tới 12h40 chiều 20/11 (giờ Việt Nam), giá dầu giao tháng 12 tại châu Á xuống chỉ còn 52,65 USD/thùng, giảm 64,25% so với mức cao nhất 147,27 USD/thùng được thiết lập vào ngày 11/7 vừa qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng, dầu sẽ nhanh chóng phá vỡ ngưỡng 50 USD/thùng và có thể chạm tới 45 USD/thùng.

Dầu thế giới vẫn đang chịu áp lực giảm giá rất lớn và có thể xuống 45 USD/thùng. (Ảnh: BLB)


Quá nhiều áp lực giảm giá


“Tất cả mọi người đang nhìn vào nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới và thấy rằng họ có lý do để bán dầu ra”, Clarence Chu, một chuyên viên môi giới tại Hudson Capital Energy, Singapore cho Bloomberg biết sáng 20/11.

“Họ đang nhìn vào chỉ số Dow Jones như là một chỉ báo về tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế thế giới mà theo đó sẽ phản ánh nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới”, Clarence Chu nói.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones - chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Mỹ, hôm 19/11 đã tuột dốc và ngay lập tức đánh mất mốc 8.000 điểm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2003 sau nhiều lần bật trở lại khi xuống gần sát ngưỡng này.

Tất cả các thị trường chứng khoán khác trên thế giới hôm qua và sáng nay (20/11) đều đã giảm giá rất mạnh báo hiệu nền kinh tế thế giới đang rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua.

Theo một báo cáo vừa được công bố ngày 19/11 của Bộ Năng lượng Mỹ, khối lượng tiêu thụ dầu trung bình trong 4 tuần qua của nước này chỉ đạt 19,1 triệu thùng/ngày, giảm tới 7% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn thế nữa, khả năng suy giảm về nhu cầu dầu còn rất lớn khi mà hệ thống tài chính Mỹ  được cho là không thể phục hồi trong năm 2009 sau vụ cắt giảm 52.000 nhân viên của tập đoàn tài chính khổng lồ Citigroup. Trong khi đó, nền kinh tế sản xuất của Mỹ cũng bị giáng một đòn trời đánh khi mà 3 đại gia ô tô của Mỹ GM, Chrysler và Ford đang đứng trên bờ vực phá sản và đang kêu gọi sự trợ giúp khổng lồ của chính phủ.

Trong trường hợp tập đoàn ô tô lớn nhất Mỹ GM sụp đổ, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp nước này là cực lớn.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Nhật - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và có nền kinh tế chỉ đứng sau Mỹ, đang chứng kiến nền kinh tế rơi vào một thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất trong 7 năm qua với tăng trưởng GDP âm quý thứ 2 liên tiếp.

Tổng giá trị xuất khẩu của Nhật trong tháng 10 cũng đã chứng kiến mức tụt giảm mạnh nhất trong 7 năm qua (giảm 7,7%) do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang ngày càng mạnh lên, nhấn chìm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.

Nền kinh tế đầu tàu ở khu vực Đông Nam Á là Singapore - trung tâm buôn bán dầu lớn nhất châu Á - được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong quý IV do sản xuất tụt giảm, đẩy nước này vào một đợt suy thoái đầu tiên kể từ năm 2002.

Trước đó, 15 nước sử dụng đồng tiền chung euro cũng đã rơi vào suy thoái và nền kinh tế đang nổi lớn nhất thế giới là Trung Quốc giảm tốc rất mạnh.

Các số liệu từ Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu của nước này gần đây hàng tháng đang giảm khoảng 11%.

Một trong những chỉ số cho thấy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tối quan trọng đối với nền kinh tế thế giới là dầu giảm là dự trữ năng lượng của Mỹ.

Thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ ngày 19/11 cho thấy, dự trữ dầu của nước này trong tuần trước bất ngờ tăng mạnh 1,6 triệu thùng lên 313,5 triệu thùng. Trong khi đó, dự trữ xăng của nước này cũng tăng 539.000 thùng lên 198,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 14/11.

Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2008, nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ giảm 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1981, số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết ngày 19/11.

Theo một số chuyên gia, hiện tại đang có 2 yếu tố ảnh hưởng trái chiều tới giá dầu bao gồm: Khả năng cắt giảm dầu trong hiện tại và tương lai của OPEC và sự lưỡng lự của nhà đầu tư trong quyết định bỏ tiền vào tất cả các kênh đầu tư trong đó có dầu và các loại hàng hoá khác, do nhu cầu đang và được dự báo sẽ suy giảm.

Về dài hạn, các chuyên gia nghiêng về phía cung giảm, theo đó, giá dầu sẽ được kéo trở lại về ngưỡng 60-70 USD/thùng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn xu hướng giảm giá đang tiếp tục.

Tại NYMEX, giá dầu giao kỳ hạn trong vài ngày qua thấp nhất có lúc xuống tới 30 USD/thùng.
 
Một chuyên gia của Tập đoàn Manisha Gupta vừa nhận định trên CNBC-TV hôm 18/11 cho biết, giá dầu đang hướng tới 52 USD/thùng và nếu xuống dưới mức này nó sẽ chạm 45 USD/thùng.

Ngân hàng Deutsche Bank hôm 19/11 thậm chí còn đưa ra nhận định giá dầu có thể xuống tới 40 USD vào tháng 4/2009 do nhu cầu tiêu thụ giảm và các doanh nghiệp sẽ lựa chọn các giải pháp hạn chế chi phí trong sản xuất.

Theo Deutsche Bank, OPEC cần phải cắt giảm khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày để tạo ra sự cân bằng nhưng các thành viên của tổ chức này cũng khó làm điều này do doanh thu quốc gia của họ đang giảm mạnh theo giá dầu.

Hơn thế nữa, OPEC vừa cho biết họ có thể không cắt giảm sản lượng trong cuộc họp ngày 29/11 tới mà quyết định cắt giảm sẽ được đưa ra trong cuộc họp trong tháng 12/2008. Nếu điều này xảy ra, thì khả năng dầu giảm tiếp cho dù sắp chạm 50 USD/thùng là rất lớn.

Về dài hạn, theo một dự báo của Uỷ ban thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố tháng 10/2008, giá dầu năm 2009 sẽ vào khoảng 63,5 USD/thùng, so với dự báo 112 USD/thùng trước đó. EIA cho rằng giá dầu phụ thuộc vào quy mô và thời gian cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, cũng như những hành động của OPEC.

Trong khi đó, Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo giá dầu trung bình năm 2009 xuống 80 USD/thùng, thay vì 110 USD/thùng trước đó.

Giá bán lẻ xăng dầu tại một số nước đã giảm

Cùng với sự giảm giá rất mạnh của dầu thế giới, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam đã cắt giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Ngày 15/11 vừa qua, Bộ Tài chính đã chấp thuận phương án giảm giá bán lẻ xăng, dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối xuống bớt 1.000 đồng/lít. Theo đó, giá xăng RON 92 còn 13.000 đồng/lít, so với mức cao kỷ lục trước đó là 19.000 đồng/lít. Giá dầu Diesel 0,05S được giữ ở mức 13.000 đồng/lít.

Hiện tại, một số nước trong khu vực vẫn đang duy trì giá bán lẻ xăng dầu khá cao

Cho dù giá dầu thô đã xuống gần 52 USD/thùng nhưng hai tập đoàn phân phối xăng dầu lớn nhất Trung Quốc là PetroChina và Sinopec vẫn giữ giá xăng dầu bán lẻ không đổi và cao hơn giá bán lẻ xăng dầu Mỹ khoảng 30%.

Giá xăng 93 (loại xăng được dùng phổ biến tại Trung Quốc), có giá 5,9 NDT/lít (tương đương 14.611 đồng/lít). Giá dầu diesel (grade 0 diesel) giá 6,02 NDT./lít (tương đương 14.909 đồng/lít).

Mặc dù vậy, một số hãng xăng dầu tư nhân tại Trung Quốc đang rục rịch hạ giá bán lẻ. Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch áp thuế xăng dầu, dự đoán khoảng 30% và có thể đồng thời giảm giá xăng dầu bán lẻ khoảng 20%.

Tại Malaysia, chính phủ nước này cho biết đã ngừng trợ giá xăng dầu kể từ tháng 11/2008 do giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh. Bộ trưởng Thương mại Shahrir Samad cho biết nếu giá dầu nằm dưới ngưỡng 65 USD/thùng, chính phủ Malaysia sẽ không phải trợ giá xăng dầu bán lẻ.

Từ tháng 8, giá xăng RON97 tại Malaysia được điều chỉnh giảm 5,6% xuống 2,55 riggit (tương đương 11.950 đồng/lít), trong khi giá dầu diesel ở mức 2,5 riggit (tương đương 11.716 đồng/lít). Được biết, chính phủ Malaysia sẽ giữ giá xăng không vượt quá 2,7 riggit/lít (tương đương 12.653 đồng/lít) trong năm 2008. 
  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,