221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
1130729
Giá cổ phiếu xuống thê thảm
1
Article
null
Giá cổ phiếu xuống thê thảm
,
- Không hề có bất cứ sự giằng co nào, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng phá đáy 322,8 điểm vừa được lập vào cuối tháng 10/2008 vừa qua trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang mạnh lên trên phạm vi toàn cầu.

Tiếp tục xu hướng giảm giá rất mạnh trong 4 phiên liên tiếp trước đó, sáng nay 21/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM đã xuống dưới ngưỡng 320 điểm.

Trong khi đó, chỉ số HASTC-Index của Sàn chứng khoán Hà Nội cũng đã phá đáy 105,05 điểm lập vào ngày 28/10 vừa qua.
 
Phiên này, đa số các cổ phiếu trong đó bao gồm các cổ phiếu blue-chips tiếp tục giảm giá mạnh ngay từ đầu và kéo dài cho tới cuối phiên.


Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11, chỉ số VN-Index  giảm 6,78 điểm (2,08%) xuống 318,96 điểm. (Ảnh: LAD)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11, chỉ số VN-Index của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) giảm 6,78 điểm (2,08%) xuống 318,96 điểm.

Trong tổng số 166 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE, có 30 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 34 mã đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh thành công sáng 21/11 đạt 16,2 triệu đơn vị, trị giá 420,8 tỷ đồng (so với 14,4 triệu đơn vị và 351,7 tỷ đồng trong phiên liền trước).

Trong nhóm 10 cổ phiếu có mức vốn hoá thị trường lớn nhất sàn HOSE chỉ có VPL của Du lịch Thương mại Vinpearl tăng nhẹ 1.000 đồng, lên 95.000 đồng/cp, còn lại đều giảm giá trong đó có PPC của Nhiệt điện Phả Lại và PVF của Tài Chính Dầu Khí giảm sàn.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sáng nay bao gồm: DHG của Dược Hậu Giang, NTL của Nhà Từ Liêm, HDC của Hodeco, REE của Cơ điện Lạnh REE Corp.

Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất bao gồm: STB của Sacombank (4,25 triệu đơn vị); DPM của Đạm Phú Mỹ (1,2 triệu đơn vị); SSI của Chứng khoán Sài Gòn (0,7 triệu đơn vị).


Sàn chứng khoán Hà Nội sáng nay đón thêm 3 cổ phiếu mới là MKV của Dược Thú y Cai Lậy (với 1 triệu cổ phần, tương đương vốn điều lệ 10 tỷ đồng), TCS của Than Cao Sơn (với 10 triệu cổ phần) và TDN của Than Đèo Nai (với 8 triệu cổ phần).

Chỉ số HASTC-Index sáng 21/11 giảm 2,59 điểm (tương đương giảm 2,43%) xuống 103,9.

Tổng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Hà Nội giảm xuống 6,8 triệu đơn vị, trị giá 173,4 tỷ đồng (so với 7,5 triệu đơn vị và 198,8 tỷ đồng phiên liền trước).

Thống kê cho thấy, trong tổng số 161 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội, có 33 mã tăng giá, 103 mã giảm giá, 16 mã đứng giá và 9 mã không có giao dịch.

Cổ phiếu lớn ACB của Ngân hàng Á châu giảm 500 đồng (1,2%), xuống 42.400 đồng/cp; KBC của Phát triển đô thị Kinh Bắc giảm 2.500 đồng, xuống 36.800 đồng/cp.

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đứng đầu với 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp theo là KLS của Chứng khoán Kim Long (0,84 triệu); PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (0,53 triệu); VCG của Tổng công ty Vinaconex (0,48 triệu); PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (0,27 triệu).
 
 
Không nằm ngoài dòng chảy
 
 
Giới quan sát thị trường cho biết, trong phiên giao dịch hôm qua và sáng nay khá nhiều nhà đầu tư đã quyết định bắt đáy mua vào cổ phiếu nhưng dường như hầu hết đều là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Trừ Sacombank đang mua lại 25 triệu cổ phiếu, hầu như không có các lệnh mua lô lớn được tung vào. Các nhà đầu tư tổ chức vẫn chưa hề hào hứng với cổ phiếu trên cả hai sàn”, anh Giang, một chuyên viên phân tích chứng khoán nói.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong 5 phiên giao dịch từ 14/11 tới 20/11, các nhà đầu tư ngoại chỉ mua vào chưa tới 4,3 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên sàn HOSE (trị giá 186,7 tỷ đồng), trong khi bán ra hơn 8,2 triệu đơn vị (trị giá 332,6 tỷ đồng).

Con số tương ứng trên sàn Hà Nội là gần 14 tỷ đồng và hơn 41,8 tỷ đồng.

Hiện tượng bán ròng của khối các nhà đầu tư này đã diễn ra liên tục trong hơn 3 tháng qua.


Diễn biến trên các thị trường tài chính và chứng khoán quốc tế trong 2 ngày vừa qua đã lên tới mức tồi tệ chưa từng có. Chứng khoán Mỹ hôm 20/11 đã tuột dốc phiên thứ 2 liên tiếp với mức mất điểm đều ở khoảng 6%. Chỉ số Dow Jones trở về mức thấp nhất hơn 5 năm qua, trong khi đó chỉ số S&P 500 tụt lùi 11 năm. Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán sáng 21/11 đã bổ nhào phiên thứ 5 liên tiếp.

Một số chuyên gia tài chính thế giới dự báo, sự tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Điều này có thể thành sự thật bởi tập đoàn tài chính khổng lồ Citigroup vừa cho biết có thể phải bán một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp để tránh nguy cơ phá sản. Trước đó, chỉ với một tin Citigroup sa thải 52.000 nhân viên, giới chuyên gia đã khẳng định thị trường tài chính Mỹ không thể hồi phục được trong năm 2009. Còn thông tin 3 đại gia ô tô Mỹ đứng trước bờ vực phá sản đang khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự đổ vỡ trong ngành công nghiệp tại Mỹ.

“Các tin tức quốc tế đang có ảnh hưởng rất mạnh tới thị trường chứng khoán Việt Nam”, anh Giang nói và cho biết thêm “giá chứng khoán thế giới đang giảm rất mạnh mà các quỹ đầu tư lớn còn chưa dám mua vào, thì chưa thể nói gì tới chứng khoán trong nước”.


Sự giảm giá đồng loạt của các cổ phiếu sáng nay cho thấy, các thông tin hỗ trợ như lãi suất cơ bản giảm xuống 11%, kỳ vọng về giá xăng dầu bán lẻ có thể giảm tiếp… đều không thể áp đảo được xu hướng đi xuống chung trên thế giới.

 
  • Hà Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,