- Dự thảo Nghị định về Tập đoàn kinh tế nhà nước đang được cơ quan chủ trì là Bộ KH-ĐT tham vấn ý kiến các bên liên quan. Song, sự thiếu cơ sở pháp lý, mâu thuẫn và luẩn quẩn của dự thảo là lý do chính khiến nhiều bên đặt vấn đề, có nên có nghị định này không?
Thiếu cơ sở
Tại hội thảo góp ý dự thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp cùng Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức hôm 21/11, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico phản biện: “chưa rõ căn cứ pháp lý để ban hành nghị định này”.
Theo ông Đức, Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 chỉ có khái niệm tổng công ty. Còn Luật Doanh nghiệp năm 2005 mới nêu: “Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”.
Do đó, nếu ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế Nhà nước là mới chỉ “quan tâm” đến một nửa vấn đề. Đáng nói là Nghị định sẽ càng bất hợp lý trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp Nhà nước tới đây sẽ bị “xóa sổ” để đưa tất cả loại hình về cùng một sân chơi là Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Cần sơ kết, đánh giá lại 3 năm thí điểm mô hình tập đoàn trước khi có những bước tiến tiếp theo. Ảnh: VNN |
PGS.TS. Nguyễn Như Phát - Phó Viện trưởng Viện Nhà nước Pháp luật cũng băn khoăn: "Tại sao Nghị định chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước trong khi tất cả các doanh nghiệp quốc doanh, dân doanh đều tồn tại thống nhất, bình đẳng?".
Ông Phát cho rằng, nếu muốn kiểm soát các tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, quy mô, đặc quyền của mình lấn lướt các thành phần kinh tế khác và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà nước cần dựa trên tinh thần của pháp luật cạnh tranh.
Về điểm này, một chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN góp thêm, trong một thị trường cạnh tranh là chính việc cần làm của Nhà nước là soạn thảo luật chống độc quyền.
“Tương lai cạnh tranh công bằng, các tập đoàn dân doanh còn mạnh hơn tập đoàn nhà nước thì làm sao phải có nghị định hạn chế tập đoàn nhà nước?” - đại diện này nói.
Nhìn nhận cái mà xã hội cần, vấn đề cần xử lý hiện nay là quản lý, giám sát vốn đầu tư nhà nước, nâng cao hiệu quả quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp chứ không phải là quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, Trưởng ban Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương - ông Nguyễn Đình Cung đúc kết, không nên có một nghị định riêng về tập đoàn kinh tế nhà nước vì thứ nhất có thể dẫn tới mâu thuẫn, trùng lặp với những quy định khác, thứ hai không cần thiết vì vấn đề cốt lõi là quản lý, giám sát vốn đầu tư nhà nước chỉ cần Luật Doanh nghiệp đã đủ.
TS Đặng Đức Đạm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh đề xuất cần có một cơ quan nhà nước làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ở đây là tất cả doanh nghiệp chứ không phải riêng doanh nghiệp nhà nước, không nên chỉ giới hạn ở mấy tập đoàn kinh tế nhà nước.
Đi vào rừng rậm
Hội thảo góp ý dự thảo do VCCI phối hợp cùng Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức - Ảnh: N.N |
Cái rối đầu tiên lại chính ở cái tên “tập đoàn”. Thực tế, không ít doanh nghiệp dùng cụm từ tập đoàn như một thành tố phụ trợ cấu thành tên riêng của công ty mẹ. Luật định rõ tập đoàn không có tư cách pháp nhân, không phải là một tổ chức kinh tế, nhưng chính tên công ty mẹ lại được “nhập nhằng” gọi là tập đoàn một cách hợp pháp, gây hiểu nhầm, lẫn lộn cho xã hội.
Tập đoàn không có tư cách pháp nhân cũng chính là điều mà ông Nguyễn Toàn Thắng - Chủ tịch Tổng Công ty Rau quả nông sản thấy vướng mắc nhất.
Không rõ tư cách pháp nhân, không biết ai là người chịu trách nhiệm, đặc biệt là “đã sinh ra tập đoàn, nắm trong tay hàng nghìn tỷ đồng mà bị giới hạn, không được quyết định, mỗi lần muốn đầu tư là phái báo cáo, xin phép các bộ, Chính phủ sẽ rất mất thời gian, hoạt động kém hiệu quả” - ông Thắng bày tỏ.
Luật định tập đoàn không có tư cách pháp nhân nhưng hiện vẫn có 8 tập đoàn kinh tế nhà nước đã được đăng ký kinh doanh và có tư cách pháp nhân, luật sư Trương Thanh Đức lo ngại với nghị định này thì gần như tất cả các Tổng Công ty 90-91 đều sẽ biến thành tập đoàn. Trong đó, vẫn có cả ngành thuốc lá rất độc hại cho xã hội, hoàn toàn không khuyến khích vẫn được chuyển thành tập đoàn, cũng như không rõ căn cứ nào để hình thành cả tập đoàn trong ngành “Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước”. |
Nhận xét “dự thảo nghị định đang đi vào trong rừng rậm, không có gì mới”, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Đầu tư Tài chính đề nghị không nên cho ra đời nghị định này mà nên tăng cường nghĩa vụ, giám sát đối với các Tổng công ty Nhà nước hiện tại.
Bởi lẽ, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước không cao trong nhiều tập đoàn hiện nay là một sự lãng phí lớn, là những khoản nợ gánh nặng cho quốc gia sau này. “Ngay cả việc công bố, minh bạch tài chính, cơ chế quản lý vốn cũng còn kém các doanh nghiệp tư nhân thì làm sao gọi là tập đoàn được” – ông Hải nêu thực tế.
Xét về mối quan hệ giữa Nhà nước và các tập đoàn, TS. Bùi Nguyên Khánh, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng cần làm rõ vai trò của Nhà nước ở đây là vai trò sở hữu, ông chủ hay là một chủ thể quyền lực công.
Theo ông Thắng, cái gốc của hình thành tập đoàn là sự liên kết theo nguyên tắc tự nguyện giữa các pháp nhân độc lập. Còn Nhà nước với tư cách là chủ đầu tư thì phải chỉ đạo người đại diện cho phần vốn của mình tại doanh nghiệp; đây là quan hệ liên quan đến ủy thác, đại diện mà phạm vi điều chỉnh đã được quy định chi tiết trong Luật Thương mại cũng như Luật Dân sự.
Nhiều ý kiến thống nhất, sau 3 năm thí điểm mô hình tập đoàn, chứng kiến sự “bung” ra của nhiều tập đoàn, việc cần làm lúc này là đánh giá, sơ kết lại hiệu quả, rút kinh nghiệm cụ thể trước khi có những bước tiến tiếp theo trong vấn đề này.
-
Nguyễn Nga